Đã đến lúc 'phá băng'

Mối quan hệ Liên minh Châu Âu (EU) - Nga gần như đóng băng bởi những lệnh trừng phạt mà EU áp đặt với Mátxcơva liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng EU cũng thiệt hại nặng nề.

Lệnh cấm nhập khẩu lương thực, thực phẩm của Nga gây thiệt hại lớn cho nhiều thành viên EU.

Lệnh cấm nhập khẩu lương thực, thực phẩm của Nga gây thiệt hại lớn cho nhiều thành viên EU.

Mới đây nhất, sau chuyến thăm Nga, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã lên tiếng kêu gọi EU chấm dứt các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin, đồng thời cho rằng đây không phải là giải pháp để giải quyết các vấn đề quan trọng. Thủ tướng R.Fico cho rằng, "đã đến lúc phải xem xét các biện pháp trừng phạt một cách sáng suốt" vì việc làm này gây bất lợi không chỉ đối với Nga mà còn với cả EU. Không chỉ Slovakia, Hungary cũng thể hiện sự nghi ngờ về tác dụng của các biện pháp trừng phạt nhằm vào Mátxcơva. Trong khi đó, Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman đã lên tiếng kêu gọi EU chấm dứt các biện pháp trừng phạt Nga.

Sự bất đồng liên quan đến việc cô lập Mátxcơva đang có nguy cơ gây nên sự chia rẽ trong nội bộ EU. Trên thực tế, Nga vốn là một đối tác kinh tế lâu đời với nhiều thành viên liên minh và việc cắt đứt quan hệ với xứ Bạch dương khiến những quốc gia này bị thiệt hại đáng kể.

Mới đây, người sáng lập và lãnh đạo đảng Tự do ở Hà Lan, ông Geert Wilders đã kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về việc Hà Lan rút khỏi EU. Một trong những lý do được chính trị gia này đưa ra là EU không nên ra lệnh cho các nước thành viên như Hà Lan cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga. Trong nhiều thập kỷ qua, Hà Lan luôn được hưởng lợi từ việc hợp tác song phương hơn là xung đột, và yêu cầu thắt chặt trừng phạt Nga là một hành động gây cản trở tương lai của Hà Lan. Việc ưu tiên lúc này là khôi phục quan hệ kinh tế với Mátxcơva và đây là hướng đi mà Hà Lan sẽ triển khai trong thời gian tới.

Chia sẻ quan điểm này, ông Tom van Grieken, Chủ tịch đảng Vlaams Belang (Bỉ) cho rằng, EU không tuân theo nguyên tắc dân chủ và việc áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga là ví dụ điển hình. Vậy nên, có nhiều ý kiến lo ngại, xu hướng “ly khai” có thể được cổ xúy nếu EU không có sự điều chỉnh chính sách theo hướng quan tâm nhiều hơn đến ý nguyện của các thành viên. Konstantin Voronov, nhà phân tích chính trị tại Mátxcơva cho rằng, việc đảng Tự do ở Hà Lan yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc nước này rời khỏi EU là một dấu hiệu cho thấy đây là thời gian thích hợp để EU dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga, mở đường cho Mátxcơva hội nhập Châu Âu.

Sau khi Anh quyết định trưng cầu dân ý rời EU, liên minh đang đứng trước thách thức về việc duy trì sự toàn vẹn. Do đó, nếu tiếp tục bất hòa về việc dỡ bỏ hay tiếp tục cấm vận Nga sẽ không có lợi cho EU. Xét về kinh tế, thống kê của tổ chức The Bow Group (Anh) ước tính thiệt hại tài chính của phương Tây do các lệnh trừng phạt với Nga có thể vượt con số 700 tỷ USD. Trong đó, bao gồm cả những thiệt hại do lệnh cấm nhập khẩu lương thực, thực phẩm mà Nga áp đặt lên EU (dự kiến kéo dài tới tận cuối năm 2017). Cùng với đó là khoản thiệt hại có thể lên tới 100 tỷ USD mỗi năm nếu các lệnh cấm vận giữa EU và Nga còn tồn tại.

Dỡ bỏ trừng phạt đồng nghĩa với việc mở ra một thị trường rộng lớn và sẽ có lợi cho cả hai bên. Nối lại quan hệ với Nga cũng sẽ đem lại một nguồn cung năng lượng ổn định với giá cả rẻ hơn. Những dự án như “Dòng chảy phương Bắc” hay đường ống dẫn dầu qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp Châu Âu bớt đi một gánh nặng. Không chỉ vậy, sự ấm lên trong mối quan hệ song phương sẽ giúp EU và Nga giải quyết những vấn đề chính trị tồn tại giữa hai bên như Ukraine hay Syria.

Quang Huy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/846273/da-den-luc-pha-bang