Đạ Huoai với những giải pháp giảm nhanh số hộ nghèo

Trong những năm gần đây, bằng nhiều giải pháp, Đạ Huoai đang giảm nhanh số hộ nghèo trên địa bàn, hướng người dân đến việc thoát nghèo một cách bền vững.

Một điểm thu mua trái cây tại xã Đạ Mri. Ảnh: G.Khánh

Một điểm thu mua trái cây tại xã Đạ Mri. Ảnh: G.Khánh

Đồng bộ nhiều giải pháp

Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, mức sống giữa các tầng lớp dân cư nên Đạ Huoai, trong những năm gần đây đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả nhằm giảm số hộ nghèo trên địa bàn.

Trước nhất, để người nghèo có vốn làm ăn, huyện đã tăng cường việc cho vay tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Thống kê của huyện cho biết, trong hơn 3 năm vừa qua, từ 2016 đến nay đã có 857 gia đình là hộ nghèo và cận nghèo vay vốn ưu đãi với tổng số tiền trên 31,2 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Cùng đó, nhà nước cũng có nhiều chính sách khác như hỗ trợ cho các gia đình nghèo phân bón, hỗ trợ kinh phí trồng sầu riêng ghép. Đã có 22 hộ nghèo ở 7 xã, thị trấn trong huyện được giúp phân bón với tổng kinh phí trên 82,4 triệu đồng.

Biện pháp giảm nghèo thông qua “cánh cửa” giáo dục cũng được huyện quan tâm đặc biệt. Bên cạnh việc kiên cố hóa hệ thống trường lớp, huyện lâu nay đã làm tốt công tác phổ cập giáo dục, vận động giúp đỡ học sinh, trong đó có học sinh nghèo đến trường, chống bỏ học, duy trì sỹ số, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Tính trong 3 năm từ 2016-2018, huyện đã hỗ trợ tiền ăn cho gần 2.400 lượt trẻ mầm non với tổng số tiền gần 2,6 tỷ đồng; cấp bù học phí cho 1.055 lượt học sinh trên 260 triệu đồng; hỗ trợ trên 600 triệu đồng chi phí học tập cho 666 lượt học sinh. Đến nay, tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non và phổ cập tiểu học mức độ 3 của huyện đạt 100%; tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 2 đạt 90%; tỷ lệ xóa mù chữ mức độ 2 đạt 100%.

Nếu như năm 2016 số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 493 hộ, chiếm tỷ lệ 5,29% dân số, trong đó hộ nghèo DTTS là 272 hộ, chiếm tỷ lệ 14,29% thì đến năm 2017 số hộ nghèo đã giảm xuống còn 316 hộ, tỷ lệ 3,34%, trong đó hộ nghèo, là người DTTS còn 180 hộ với tỷ lệ trên 9%. Trong năm 2018, số hộ nghèo của huyện tiếp tục giảm nhanh còn 198 hộ (tỷ lệ 2,09% dân cư), trong đó hộ nghèo DTTS còn 109 hộ (5,23%); còn đến đầu năm 2019 này, theo thống kê, chỉ còn 127 hộ nghèo (chiếm 1,37%), trong đó số hộ nghèo DTTS chỉ còn 79 hộ (chiếm tỷ lệ 4,39%).

Việc hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, cận nghèo cũng được các cấp chính quyền địa phương thực hiện tốt. Tính trong 3 năm, đã có 6.983 lượt người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế với tổng kinh phí trên 4,7 tỷ đồng. Huyện cũng thực hiện chính sách hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế cho những gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Thông qua sự vận động của các đoàn thể, ban, ngành, các tổ chức, cá nhân, đến nay đã có 36 gia đình nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng.

Để cải thiện cuộc sống người dân trong vùng nông thôn, trong đó có người nghèo, huyện trong 3 năm vừa qua đã đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng để mở rộng mạng lưới cung cấp nước sinh hoạt dân cư tại các xã Đạ P’Loa, Đoàn Kết. Cùng đó, bên cạnh nguồn vốn vay từ chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách xã hội, UBND huyện cùng Mặt trận Tổ quốc huyện đã thực hiện việc hỗ trợ bồn chứa nước cho 366 hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thiếu nước sạch với tổng số tiền 439 triệu đồng.

Chương trình 135 lâu nay cũng đang phát huy tác dụng trên địa bàn Đạ Huoai. Với nguồn vốn 3 tỷ đồng từ chương trình này, trong 3 năm qua, huyện đã đầu tư xây dựng, duy tu các con đường nông thôn tại các xã Đạ P’Loa, Phước Lộc, Đoàn Kết, Mađaguôi. Chương trình này cũng dành ra 830 triệu đồng trong 3 năm để hỗ trợ phân bón, nông cụ, vật nuôi, cây trồng... cho người nghèo tại các xã trên phát triển sản xuất.

Nếu tính chung, Đạ Huoai đã giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,3% mỗi năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm đến 3,3%. Giảm nhanh nhất tại huyện chính là xã Đạ P’Loa với 3,75%; xã Đoàn Kết giảm 3,41%.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là số hộ cận nghèo của Đạ Huoai cũng giảm nhưng không giảm nhanh như số hộ nghèo. Năm 2016, tổng số hộ cận nghèo là 282 hộ; năm 2017 giảm còn 229 hộ ; năm 2018 là 219 hộ cận nghèo; đầu năm 2019, tổng số hộ cận nghèo còn 173 hộ; nếu so sánh hộ cận nghèo với số hộ nghèo trong đầu năm 2019 thì tỷ lệ này vẫn còn rất cao (đến 136%).

Người dân xã Mađaguôi (Đạ Huoai) phát triển sản xuất. Ảnh: Khánh Phúc

Người dân xã Mađaguôi (Đạ Huoai) phát triển sản xuất. Ảnh: Khánh Phúc

Những mục tiêu sắp đến

Tại một hội nghị của Đạ Huoai gần đây, nhiều hạn chế đã được chỉ ra trong công tác giảm nghèo của huyện.

Đó là tình trạng hộ tái cận nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh khá đáng kể. Tính trong 3 năm từ 2016 đến đầu năm 2019, đã có 4 hộ tái nghèo, 23 hộ nghèo mới phát sinh; 6 hộ cận nghèo tái cận nghèo; 264 hộ cận nghèo mới phát sinh.

Với một huyện nông nghiệp như Đạ Huoai, việc vận động người dân nói chung trong đó có hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia học nghề, tạo việc làm, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, như huyện cho biết, còn gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn không ít hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa tiếp cận được với các kỹ thuật, phương pháp canh tác mới, thiếu kiến thức trong làm ăn để vươn lên.

Biểu đồ thể hiện tốc độ giảm nghèo tại huyện Đạ Huoai giai đoạn từ năm 2016 đến đầu năm 2019

Biểu đồ thể hiện tốc độ giảm nghèo tại huyện Đạ Huoai giai đoạn từ năm 2016 đến đầu năm 2019

Cùng đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong giảm nghèo chưa chặt chẽ; việc kiểm tra giám sát nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo tại một số đơn vị chưa tốt; vẫn còn có những hộ nghèo sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sai mục đích, thiếu hiệu quả; nhiều hộ nghèo còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Mục tiêu đặt ra cho Đạ Huoai từ nay đến những năm tới, cụ thể là đến cuối 2020 sẽ giảm hộ nghèo xuống tỷ lệ dưới 1%, trong đó hộ nghèo DTTS còn dưới 2%; đồng thời đưa tỷ lệ hộ cận nghèo xuống mức không quá 50% so với tổng số hộ nghèo. Huyện sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng giảm nghèo bền vững, hạn chế tái cận nghèo và cận nghèo mới phát sinh.

Nhiều giải pháp đã được đề ra cho mục tiêu này, trong đó huyện cho biết sẽ lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với giảm nghèo bền vững để huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn lực xã hội hóa nhằm hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo. Đồng thời, huyện sẽ đổi mới công tác tổ chức dạy nghề cho người nghèo, cận nghèo để tạo việc làm mới tại chỗ; thực hiện tốt hơn công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi đến với người dân.

GIA KHÁNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201909/da-huoai-voi-nhung-giai-phap-giam-nhanh-so-ho-ngheo-2965894/