Đà Nẵng bị doanh nghiệp kiện đòi bồi thường hàng trăm tỉ
Ngày 7/6, TAND TP. Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang thụ lý đơn của Công ty CP thép Dana Ý (Công ty Dana Ý, đường 11B Cụm công nghiệp Thanh Vinh, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) kiện UBND TP Đà Nẵng, yêu cầu bồi thường gần 400 tỷ đồng. Đây là một trong những vụ việc liên quan đến môi trường đầu tư của Đà Nẵng được dư luận chú ý thời gian qua.
Theo Công ty Dana Ý, năm 2016, trong giai đoạn 1 của Cụm công nghiệp (CCN) Thanh Vinh, UBND TP Đà Nẵng khuyến khích, kêu gọi Công ty Dana Ý (tiền thân là Công ty Cổ phần thép Thành Lợi) di dời nhà máy thép từ Khu công nghiệp Hòa Khánh đến CCN Thanh Vinh. Ngày 20/11/2007, UBND TP Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 32121000026 cho Công ty Cổ phần thép Thắng Lợi. Ngày 2/12/2008, UBND TP Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 32121000074 cho Công ty Dana Ý.
Trong đơn của Công ty Dana Ý nêu, lúc đó khu vực này chỉ có khoảng 30 hộ dân sinh sống. Từ năm 2006, UBND TP Đà Nẵng thống nhất di dời các hộ dân cạnh CCN Thanh Vinh để tạo vành đai phân cách khu dân cư cho phù hợp với tiêu chuẩn quy hoạch CCN (tối thiểu là 500m đối với nhà máy thép theo quy chuẩn Việt Nam 4449:1987).
Chủ trương này được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng nhưng việc thực hiện giải tỏa, đền bù của thành phố lại không thông suốt, treo hàng chục năm khiến người dân bức xúc. Không những thế, cơ quan thẩm quyền vẫn tiếp tục cấp đất cho người dân làm nhà sát nhà máy. Từ chỗ chỉ có 30 hộ dân ban đầu, bây giờ đã lên đến 400 hộ khiến tình hình thêm phức tạp.
Đầu năm 2016, các hộ dân bức xúc và phản ứng gay gắt về việc “treo” chủ trương giải tỏa của thành phố. Sau đó, UBND TP Đà Nẵng ra quyết định phải di dời dân theo các Thông báo 197 ngày 29/12/2016 và số 5 ngày 22/2/2017.
Tuy nhiên, đầu năm 2018, UBND TP Đà Nẵng đột ngột thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân sát nhà máy, làm cho người dân thêm bức xúc, phản ứng dữ dội. Ngày 26/2/2018, hàng trăm người dân địa phương đến bao vây nhà máy để gây áp lực với chính quyền phải tiếp tục di dời dân đến khu tái định cư mới.
Đại diện Dana Ý cho rằng, Công ty rất bất ngờ khi Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh ký Công văn số 1446/UBND-QLĐTư ngày 2/3/2018, buộc Công ty Dana Ý ngừng ngay lập tức toàn bộ hoạt động sản xuất vì gây ô nhiễm môi trường mà không dựa trên cơ sở khoa học, quy định pháp luật nào. Công ty bị thiệt hại do ngừng sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu và hình ảnh công ty khi mang tiếng là doanh nghiệp gây ô nhiễm.
Dana Ý gửi đơn đến UBND TP. Đà Nẵng, đề nghị xem xét lại quyết định trên và yêu cầu bồi thường thiệt hại trong thời gian công ty bị buộc dừng sản xuất. Đến ngày 23/3/2018, ông Hồ Kỳ Minh thay mặt UBND TP. Đà Nẵng ban hành Thông báo số 30/TB-UBND cho nhà máy hoạt động trở lại từ ngày 26/8/2018.
“Thông báo số 30 của UBND có nhiều nội dung không đúng pháp luật, hạn chế quyền của doanh nghiệp khi đề nghị nhà máy không thực hiện mở rộng sản xuất, không giao kết hợp đồng mua bán nguyên liệu là phế liệu để sản xuất thép. Nhà máy chỉ được sản xuất cầm chừng thêm 6 tháng để giải quyết hàng tồn đọng và đến ngày 26/9/2018 sẽ chấm dứt hoạt động.
Đáng nói, trong thời gian Dana Ý chấp hành Thông báo số 30, Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra toàn diện nhà máy kể từ ngày thành lập đến thời điểm đó. Đây là việc làm chưa có tiền lệ và nội dung kết luận thanh tra công bố có nhiều nội dung không chính xác. UBND TP Đà Nẵng xử phạt hành chính công ty 400 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất trong 6 tháng”, đơn kiện của Dana Ý ghi.
Không đồng ý với quyết định xử phạt này, Công ty Dana Ý nhiều lần gửi văn bản kiến nghị đến UBND thành phố, các cơ quan có thẩm quyền; đơn xin gặp mặt lãnh đạo thành phố để xem xét lại vụ việc. “Tuy nhiên, đến nay UBND TP Đà Nẵng vẫn không giải quyết”, phía Dana Ý nêu lý do khởi kiện.
Đơn của Dana Ý khởi kiện 4 công văn, quyết định của UBND TP Đà Nẵng đối với doanh nghiệp này gồm: Công văn 1446 ngày 2/3/2018 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; Thông báo số 30 ngày 23/3/2018 của UBND TP Đà Nẵng; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 5585 ngày 23/11/2018 của Chủ tịch UBND Đà Nẵng (người ký các công văn, thông báo và quyết định trên là ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) và hành vi không giải quyết việc người dân “vây” nhà máy thép từ ngày 26/9/2018 đến nay của Chủ tịch UBND TP.
Song song cùng quá trình khởi kiện, đại diện Công ty Dana Ý cũng cho biết, sau phiên tăng trần ngày 31/5 vừa qua với 6.000 cổ phiếu được giao dịch, thanh khoản cổ phiếu DNY của Công ty không có người mua vào liên tục trong 5 phiên giao dịch gần đây. Cho đến phiên giao dịch hôm nay (ngày 7/6), giá cổ phiếu NDY vẫn giữ giá tham chiếu 3.000 đồng/cổ phiếu và đây là lần đầu tiên DNY trải qua 5 phiên liên tiếp không có giao dịch.