Đà Nẵng còn cơ hội lấy lại sân Chi Lăng
Trả lời ý kiến cử tri liên quan đến sân vận động Chi Lăng, ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, cho biết: Đà Nẵng đang giải quyết rất nhiều hậu quả do quá trình phát triển nóng liên quan đến sai phạm đất đai, trong đó có việc thu hồi, lấy lại sân vận động Chi Lăng để phục vụ mục đích công cộng.
Ngày 30/6, đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng có buổi tiếp xúc cử tri thành phố để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã đặt hàng chục câu hỏi đối với đoàn ĐBQH TP về các vấn đề nóng trên địa bàn.
“Chúng ta không thể nói là thu hồi được ngay. Tư cách của Đà Nẵng đối với sân vận động Chi Lăng hiện nay là gì?”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu vấn đề và cho biết: Đà Nẵng đã bán sân vận động Chi Lăng và giao cho doanh nghiệp rồi. Doanh nghiệp lại mang sân vận động đi thế chấp ngân hàng. Tòa án đã xử, đây là tranh chấp giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Đà Nẵng muốn thu hồi cũng phải theo đúng trình tự, quy định.
“Chúng ta sẽ phê duyệt quy hoạch khu vực sân vận động Chi Lăng mà hiện nay chưa có. Nếu như không có quy hoạch thì làm sao mang ra đấu giá, đấu thầu được. Việc thực thi theo phán quyết của tòa án là bất khả thi, không thể thực thi nổi”, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng
Ông Nghĩa cho hay, Thành phố đã xem xét mọi khía cạnh và thấy rằng Đà Nẵng còn cơ hội lấy lại sân vận động Chi Lăng để phục vụ công cộng. Bởi lẽ, sân vận động Chi Lăng được TP Đà Nẵng giao cho doanh nghiệp nhưng đến thời điểm hiện nay chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, quy hoạch khu vực dự án này chưa có.
“Có 14 sổ đỏ để doanh nghiệp mang đi thế chấp ngân hàng. Và sổ đỏ đó có hợp pháp hay không? Khả năng mang sân vận động Chi Lăng ra thực hiện đấu giá như kết luận của tòa án là hoàn toàn không được”, ông Nghĩa cho hay.
Theo Bí thư Đà Nẵng, số phận sân vận động Chi Lăng tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào Đà Nẵng. Nhưng cái khó hiện nay là tòa đã ra phán quyết, quyền lợi giữa doanh nghiệp và ngân hàng đang giằng co. Đà Nẵng đang đề xuất lấy sân vận động Chi Lăng với cách trả lại tiền, trả lại lãi suất ngân hàng. Nhưng việc này phải được nhân dân đồng ý.
“Sai lầm của một số lãnh đạo giai đoạn trước nay đã nghỉ rồi. Bây giờ chúng tôi đang cố gắng khắc phục lại việc này. Nhưng với mỗi quyết định đưa ra phải tuân thủ đúng quy định pháp luật và phải theo đúng trình tự”, ông Nghĩa cho biết.
Thi hành án liên quan đến cựu quan chức Ðà Nẵng rất vướng
Ông Nguyễn Trí Tổng, cử tri phường Thanh Bình, quận Hải Châu, nhắc lại vụ án 20 cán bộ, lãnh đạo Đà Nẵng (trong đó có 2 cựu Chủ tịch thành phố Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến) bị xét xử liên quan đến sai phạm của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”. Ông Tổng thắc mắc, tại sao vụ án xảy ra tại Đà Nẵng nhưng lại giao cho TAND TP Hà Nội xét xử, liệu có hợp lý không? TAND TP Hà Nội và sau đó TAND Cấp cao tuyên án, giao cho UBND TP Đà Nẵng thi hành bản án này liệu có đúng không? UBND TP Đà Nẵng lấy tiền ở đâu để thi hành án khi thu hồi khu đất 29ha đất thuộc Dự án Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước?
Trả lời thắc mắc của cử tri, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, cho biết: Liên quan đến vụ án này TP Đà Nẵng đang vướng nhiều vấn đề. Đà Nẵng đang vướng mắc nhiều xung quanh kết luận thanh tra, kiểm tra, kết luận của tòa án. “Chúng tôi đang lo không biết đến bao giờ mới có thể dừng lại. Bởi một kết luận như thế phải mất cả chục năm, thậm chí vài chục năm mới giải quyết xong. Càng để dài càng để lâu càng khó làm”, ông Nghĩa cho biết.
Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cũng cho hay, Đà Nẵng đang quyết tâm xử lý, dù sai lầm của nhiệm kỳ nào đi nữa. Tuy nhiên không thể một sớm một chiều mà xong. Riêng đối với dự án Đa Phước, TP Đà Nẵng cũng đang lúng túng. Từ phán quyết của tòa, ngày nào TP cũng phải tiếp công dân Đa Phước, bởi dự án đã bán cho dân rồi nhưng tòa lại phán quyết thu hồi. “Bản thân chúng tôi thấy phán quyết của tòa cũng khó thực thi. Sắp tới một số dự án mà kết luận theo kiểu Đa Phước nữa thì tôi nghĩ còn rất nhiều khó khăn cho TP Đà Nẵng”, ông Nghĩa nói.