Đà Nẵng: Hàng trăm bẫy thú nguy hiểm tại bán đảo Sơn Trà bị phát hiện, gỡ bỏ

Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã thu giữ 459 bẫy thú các loại trên bán đảo Sơn Trà, tái thả 3 cá thể hoãng dã về tự nhiên.

Đó là thông tin do ông Ngô Trường Chinh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn thông tin đến báo chí về tình trạng bẫy thú trên bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng).

459 bẫy thú nguy hiểm bằng kim loại đã bị lực lượng kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn phát hiện, gỡ bỏ và thu giữ chỉ trong vài tháng

459 bẫy thú nguy hiểm bằng kim loại đã bị lực lượng kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn phát hiện, gỡ bỏ và thu giữ chỉ trong vài tháng

Trước đó, ngày 1/4 , một nhóm nhiếp ảnh gia khi lên bán đảo Sơn Trà đã phát hiện một cá thể chồn hoang dã trên Bán đảo Sơn Trà bị mắc bẫy kẹp và được nhóm giải thoát. Nhóm này đồng thời cũng quay và đăng tải clip động vật bị mắc bẫy lên mạng.

Sau khi clip được đăng tai, nhiều người dân và du khách thông tin bình luận cho biết khi đi tham quan, chụp ảnh trên bán đảo Sơn Trà cũng bắt gặp hình ảnh động vật hoang dã, thậm chí là Voọc Chà Vá chân nâu (sinh vật đặc hữu tại bán đảo Sơn Trà) bị săn bắn bằng bẫy thú. Nhiều du khách cũng lo ngại những bẫy thú bằng sắt có tính sát thương cao gây nguy hiểm rất lớn cho các động vật hoang dã.

Thông tin về vấn đề này, ông Ngô Trường Chinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết, tình trạng bẫy thú trái phép vẫn tồn tại và còn gia tăng trong thời gian qua. Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã thực hiện gần 100 đợt tuần tra đường bộ, phát hiện, gỡ bỏ và thu giữ 459 bẫy thú các loại, phá 2 lán trại trái phép; phát hiện và tái thả 3 cá thể hoang dã về với tự nhiên. Ngay trong ngày tiếp nhận thông tin phản ánh về clip trên mạng xã hội, lực lượng kiểm lâm đã đến kiểm tra hiện trường và tiếp tục phát hiện, gỡ bỏ và thu giữ thêm nhiều loại bẫy tương tự tại khu vực xung quanh.

Các bẫy thú này rất nguy hiểm, động vậy nếu bị kẹp trúng dù không bị kẻ đặt bẫy phát hiện cũng có thể mất mạng hoặc bị hoại tử các chi bị kẹp trúng

Các bẫy thú này rất nguy hiểm, động vậy nếu bị kẹp trúng dù không bị kẻ đặt bẫy phát hiện cũng có thể mất mạng hoặc bị hoại tử các chi bị kẹp trúng

Cũng theo ông Chinh, bán đảo Sơn Trà có giao thông ngang dọc thông suốt, vì vậy, người dân và kẻ xấu rất dễ xâm nhập rừng tự nhiên. Trong khi đó, nhân sự tại hạt kiểm lâm chỉ có 8 người, quản lý 3.791 ha đất rừng, vì vậy, công tác quản lý, giám sát rất khó khăn. Ngoài ra, nơi đây còn đón hàng trăm, cao điểm lên tới hơn 1.000 khách quan quan mỗi ngày. Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng kiểm lâm đã phải nhắc nhở, buộc ra khỏi rừng gần 500 lượt người dân, du khách có hành vi xâm nhập rừng trái phép.

Do vậy, để ngăn chặn các đối tượng xấu đặt bẫy, ngăn chặn các hành vi săn bắt trái phép có hiệu quả thì người dân và du khách cần có ý thức tự chấp hành các nội quy, không tự ý xâm phạm các điểm, tiểu khu vực bảo tồn thiên nhiên với bất cứ mục đích gì, và có tính cảnh giác không để kẻ xấu lợi dụng cho hành vi đặt bẫy, săn bắn trái phép trên bán đảo Sơn Trà.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-hang-tram-bay-thu-nguy-hiem-tai-ban-dao-son-tra-bi-phat-hien-go-bo-248979.html