Đã rõ nguyên nhân cá lồng tại Nam Sách bị chết

Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) vừa thông báo kết quả quan trắc đột xuất cá lồng nuôi bị chết tại huyện Nam Sách.

Cá lồng bị chết tại Nam Sách do hàm lượng oxy hòa tan thấp, N-NO2 cao kết hợp nhiễm các tác nhân gây bệnh

Cá lồng bị chết tại Nam Sách do hàm lượng oxy hòa tan thấp, N-NO2 cao kết hợp nhiễm các tác nhân gây bệnh

Qua quá trình phân tích 6 mẫu nước và 12 mẫu cá chép, nguyên nhân cá chết được xác định do các yếu tố tổng hợp như hàm lượng oxy hòa tan thấp, N-NO2 cao kết hợp nhiễm các tác nhân gây bệnh liên quan đến ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn và virus KHV.

Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc khuyến cáo người nuôi sử dụng thuốc điều trị nấm (Papapol 99, thuốc có thành phần Bronopol…) theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khử trùng nguồn nước xung quanh lồng nuôi bằng cách hòa tan vôi bột té đều xung quanh với liều lượng 1 – 2 kg/100 m2 hoặc treo 1-2 túi vôi bột (mỗi túi 2-3 kg) ở góc lồng phía đầu dòng chảy để khử trùng nước. Vệ sinh lồng, lưới và quản lý lượng thức ăn để tránh dư thừa ảnh hưởng đến chất lượng nước. Tăng cường hàm lượng oxy hòa tan trong nước bằng cách bổ sung sục khí. Di chuyển hoặc bố trí lồng nuôi để không cản trở dòng chảy, giúp nước lưu thông thuận lợi, loại bỏ các vật chất bẩn tồn tại xung quanh lồng bè nuôi. Bổ sung vitamin tổng hợp, vitamin C vào thức ăn với liều lượng 0,5 – 1 g/kg, cho ăn liên tục 5-7 ngày để tăng sức đề kháng cho cá. Thu gom, chôn cá chết kết hợp vôi để khử trùng. Không xả cá chết ra ngoài môi trường xung quanh tránh làm lây lan mầm bệnh sang các vùng nuôi khác. Người nuôi cần thường xuyên theo dõi các diễn biến môi trường ao nuôi và lồng nuôi nhất là vào sáng sớm và chiều tối để phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng bất thường.

Trước đó, ngày 5.11, sau khi nhận được phản ánh của một số hộ nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Nam Sách về hiện tượng một số cá chép nuôi trong các lồng có trọng lượng từ 2-10 con/kg bị chết, Phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh Thủy sản miền Bắc tiến hành khảo sát và lấy mẫu tại vùng nuôi cá lồng trên sông Thái Bình tại huyện Nam Sách.

HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/da-ro-nguyen-nhan-ca-long-tai-nam-sach-bi-chet-186323