Đa sắc, nhiệm màu và tự hào, tự tin tung bay

Trong lòng tôi ngân vang câu hát 'Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu… và ... Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi'. Vì sao ư? Bởi khi ở trong tà áo ấy, tôi thấm đẫm trong mình chất Việt, tôi được tự tin, được tự hào, được lớn thêm lên, sự lớn lên như bông lúa bắt đầu vào hạt, dịu dàng và trầm tĩnh hơn.

Hồi còn bé, nhìn áo dài trên phim tôi đã si mê nó. Cho đến một ngày tôi nhìn thấy áo dài thật, đó là khi nhà trường nơi tôi học lần đầu tiên tặng các cô giáo một bộ áo dài để mặc trong ngày Nhà giáo Việt Nam và từ đó trở đi các cô có áo dài để diện trong những kỳ đại lễ và lũ học trò chúng tôi được ngắm nhìn những tà áo dài thật, những tà áo thướt tha mềm mại trong sân trường. Và hầu hết chúng tôi hồi ấy đều có chung cảm giác là hình như khi mặc áo dài, cô giáo mình xinh đẹp và dịu hiền hơn, dịu hiền và xinh đẹp lan cả sang chúng tôi khiến đám học trò nhất quỷ nhì ma bỗng dưng ít nghịch ngợm hơn, thích được "chiều" lòng các cô giáo hơn, muốn được làm một đứa trò ngoan hơn.

Rồi tôi học lên trung học, cũng là lúc áo dài không còn quá khan hiếm ở vùng quê nghèo nơi tôi sống nữa, khai giảng năm ấy trường trung học khuyến khích các nữ sinh mặc áo dài, khuyến khích thôi chứ không bắt buộc vì không phải bạn học sinh nào cũng có thể mua hay mượn được áo dài. May mắn cho tôi là có một cô giáo bạn của mẹ nghỉ sinh, không đến trường dự khai giảng nên tôi được mượn bộ áo dài của cô để diện.

Vốn có chút ít đam mê ăn diện, con gái ai mà chẳng thế, cộng thêm lúc nhỏ có đi phụ việc cho một tiệm may gần nhà, tôi mò mẫm được vài chiêu may vá vụn vặt đủ để chép và đọc được những hình vẽ trên giấy. Thỉnh thoảng các buổi chiều (hồi chúng tôi còn đi học, mỗi ngày chỉ học một buổi sáng, còn các buổi chiều tha hồ lang thang với núi cao rừng thẳm với suối sâu hồ rộng hoặc làm bất cứ thứ gì có thể làm miễn là không để thời gian trôi đi vô ích, đứa thì làm vì phụ giúp cha mẹ, đứa thì làm vì tò mò, đứa thì làm vì đam mê, đứa thì làm vì chẳng có gì để chơi, cũng có đứa lên giọng cụ non, làm để tích lũy sự đời để không "sống hoài sống phí" như một nhân vật trong truyện chúng tôi hay truyền tay nhau đọc), tôi thường lê la giúp cô thợ may gần nhà luồn tà áo hoặc đơm khuy, thùa khuyết, vắt gấu quần gấu áo, rồi lân la mượn từ quyển cắt may cơ bản đến cắt may áo dài, cắt may âu phục, thấy mẫu nào đẹp thì kẻ kẻ vẽ vẽ chép chép ghi ghi…

Nhà tôi có một chiếc máy khâu singer cũ do bạn của bố tôi đi Đức mang về nhưng bác gái chê nặng không dùng nên bán rẻ lại cho mẹ tôi. Thế là tôi có cái để tập tành may vá. Một ngày đẹp trời, tôi đã tự cắt may cho mình một bộ áo dài hoàn chỉnh. Tiếp theo là cô bạn thân được mời làm người mẫu bất đắc dĩ. Tất nhiên được các bạn giao mảnh vải cho may, cho có cái thực hành đã là quý lắm rồi. Hồi ấy hầu như đứa nào cũng nghèo, tích cóp cả năm bằng cách đi làm thêm mới đủ mua mảnh vải mà chẳng may đưa vào tay thợ vụng thì coi như năm đó không có áo mới.

Áo dài tôi cắt - may không nuột nà như các thợ lành nghề nhưng được các bạn thích bởi tôi may mỗi bạn một kiểu như trong sách, cái thì vạt dài, cái vạt ngắn, tà tròn tà nhọn, rồi tay bồng, tay raglant, cổ cao cổ thấp, viền màu hoặc đính hoa .v.v. không bạn nào giống bạn nào. Và nữa, tôi may cho các bạn hoàn toàn miễn phí, thi thoảng bạn nào thương thì mua cho tôi cuộn chỉ, gói kim khâu hoặc kim máy, vỉ cúc bấm (hồi ấy chưa có khóa kéo như bây giờ nên tất cả áo của chúng tôi đều dùng cúc bấm), cũng có bạn thích may vá thì ngồi luồn tà, đơm cúc cùng tôi, vừa làm vừa buôn chuyện, vừa học thuộc bài, ngày tháng trôi đi vèo vèo.

Hoàn thành một sản phẩm mới, dù được bạn hài lòng ngay hay phải sửa đi sửa lại vài lần nhưng cảm giác hưng phấn, thú vị luôn đầy ắp. Có lẽ bởi "nghiện"cái cảm giác ấy mà sau này tôi bước lạc sang con đường sáng tạo. Tôi phát hiện ra, áo dài luôn tung hứng cơ hội sáng tạo cho bất cứ ai làm ra nó, từ người dệt vải, người in vẽ cho đến người cắt, may, thêu thùa, thậm chí cả người mặc cũng có thể góp công sáng tạo ngay trên tà áo đã hoàn thiện. Ấy là bởi áo dài luôn mở ra một "không gian" vô cùng trù phú cho sáng tạo.

Có người bảo áo dài được phát triển, được Việt hóa từ xường sám (còn gọi là áo dài thượng hải) nhưng xường sám ra đời khoảng những năm đầu thế kỷ XX còn mẫu áo dài đầu tiên của người Việt được gọi là áo giao lĩnh, ra đời vào năm 1744, được may rộng, xẻ hai bên hông, thân dài chấm gót, mỗi thân được ghép từ 2 mảnh vải theo chiều dọc do khung dệt thời ấy chỉ dệt vải khổ rộng 35-40cm, để may đủ hai tà áo thưởng phải dùng tới 4 mảnh vải, có lẽ bởi vậy mà áo giao lĩnh còn được gọi là áo tứ thân. Áo tứ thân được các bà các mẹ diện cùng áo yếm, mang theo nón quai thao, nón ba tầm, vừa điệu đà vừa cuốn hút. Không biết có phải nhờ tấm áo tứ thân mà áo yếm được khoe ra, được dân gian dí dỏm đưa vào thơ ca rằng "ba cô đội gạo lên chùa/ một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư". Không chỉ đẹp, cuốn hút, khoe khoang một cách ý nhị, bí ẩn vẻ đẹp của phụ nữ, áo tứ thân còn mang theo những ý nghĩa đặc biệt.

Theo các tài liệu tại bảo tàng áo dài thì bốn tà (vạt) trong áo tứ thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu. Một vạt cụt chính là áo yếm được bao bọc bên trong bốn vạt áo, thể hiện tình cảm, sự ôm ấp của cha mẹ với con cái. Năm nút (cúc) áo không chỉ giữ cho nếp áp được ngay thẳng, kín đáo mà còn tượng trưng cho năm đạo làm người, đó là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Khi mặc áo, hai tà trước thường được buộc lại với nhau như vợ như chồng luôn gắn bó, quấn quýt, neo buộc vào nhau.

Thời vua Gia Long, tà trước áo dài được may thêm một vạt nhoở̉ bên phải, phía trong tà chính để phân biệt địa vị của người mặc trong xã hội, vậy là áo có 5 tà, gọi là áo ngũ thân. Khoảng những năm 30, họa sĩ Nguyễn Cát Tường thiết kế mẫu áo dài Lemur, được xem là cuộc cách tân quan trọng nhất của áo dài Việt. Áo được may 2 thân kín đáo, bỏ bớt các phụ kiện như yếm, thắt lưng… Tiếp đó là áo dài Lê Phổ, được thiết kế ôm sát thân hình người phụ nữ khiến các đường cong cơ thể được khoe một cách tự nhiên. Từ đó đến nay áo dài liên tục được cách tân, sáng tạo không ngừng. Loại trang phục vừa kín đáo vừa ý nhị khoe vừa ẩn chứa tôn vinh nét đẹp đầy quyến rũ của người phụ nữ, áo dài còn được sáng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đánh thức khả năng sáng tạo không cùng của con người.

Các bộ sưu tập áo dài được các nhà thiết kế sáng tạo, trình diễn không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới, chưa kể, văn chương, nghệ thuật cũng chọn áo dài như một nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nhân, thi sĩ sáng tác thơ ca nhạc họa. Rồi cứ thế, áo dài trở thành một trong những dấu hiệu nhận diện người Việt ở khắp năm châu.

Tôi nhớ một chuyến công tác nước ngoài cách đây khá lâu, khi tôi đi ngang qua một khu phố nhỏ vào buổi tối muộn, chợt nghe tiếng gọi cất lên từ một tiệm làm tóc và một cô gái hớt hải chạy ra "Chị ơi chị có phải người Việt Nam không", tôi giật mình quay lại, cô gái vừa nói vừa thở gấp, "Em nhìn thấy thấp thoáng bóng áo dài, cứ tưởng mình mơ cơ, em thèm nói tiếng Việt, thèm nhìn thấy áo dài quá chị ạ". Tôi nhìn cô gái trẻ, chắc cỡ tuổi con gái mình, tay còn đang cầm cái kìm cắt móng tay. Hóa ra cô gái đang làm nail cho khách, ngước lên nhìn thấy tà áo dài lướt qua nên chạy theo "để được nói vài câu tiếng Việt". Câu chuyện hỏi han qua lại vài phút, cô gái chạy vào để làm tiếp cho khách còn tôi đứng chôn chân nhìn em, nhìn cửa hiệu nhiều màu sắc trong con phố nhỏ ở một đất nước xa lạ cách tôi cả ngày bay mà rưng rưng cảm động. Tôi không biết em có bị khách trách hờn gì không, nhưng bây giờ mỗi lần nhớ đến đôi mắt, giọng nói, cử chỉ của em khi ấy, nước mắt tôi lại trào ra giống như khi tôi quay lại và nhìn em sau tiếng gọi thảng thốt ở con phố kia vậy, cảm giác yêu thương, gần gũi như chị em ruột rà lâu ngày gặp lại lại trở về tràn ngập trong lòng tôi.

Sau này mỗi khi có cơ hội bước ra khỏi biên giới của Tổ quốc, không khi nào trong hành lí của tôi thiếu áo dài. Khi mặc tấm áo ấy, hẳn là tôi và bất cứ người phụ nữ Việt nào sẽ cảm thức sâu sắc về niềm tự hào, tự tôn dân tộc, và nhờ vậy chúng tôi luôn cẩn trọng trong mỗi bước chân đi, mỗi việc mình làm, mỗi lời mình nói, để ở đâu đó, có ai đó nhận ra mình, nhận ra người Việt sẽ được tự hào, được trải mình trong mảnh hồn quê, được trao và nhận những đằm thắm yêu thương của tâm hồn người Việt. Và tôi nhận ra, càng lớn lên tôi càng si mê áo dài hơn, si mê hơn cả ngày tôi còn bé. Tôi cũng nhận ra tà áo tung bay trong cả ý nghĩ của tôi, giúp tôi bay qua tất cả những nhọc nhằn thường nhật, để được tưởng thưởng cả một bầu khí quyển trong lành đầy mê dụ.

Nguyễn Hải Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/da-sac-nhiem-mau-va-tu-hao-tu-tin-tung-bay/d20231020085556384.htm