Dã tâm, vô cảm sinh ra tội ác
Xin đừng thờ ơ với tiếng khóc bất thường của bất cứ đứa trẻ nào quanh ta. Đôi khi, sự vô tình lại dung dưỡng cho tội ác...
Cô bé ấy, 8 tuổi đã phải sống trong một gia đình không trọn vẹn. Hẳn sự hồn nhiên, vô tư của tuổi thơ ngây đã sớm rời bỏ khi em ý thức được rằng mình phải sống với bố và không được gặp mẹ. “Mẹ ơi, mẹ không được đến thăm con đâu… Mẹ đừng khóc, con không muốn mẹ khóc đâu, mẹ đừng làm con buồn…” – Thốt ra câu nói đấy, hẳn bao đêm nước mắt em đã rơi và bao tổn thương chất chứa trong lòng.
Đứa trẻ ấy làm gì nên tội khi cha mẹ chúng bỏ nhau? Người lớn đã làm gì để cô bé cảm thấy mình là mối bận tâm của mẹ, nỗi phiền toái của cha? Để em câm lặng không cầu cứu ai khi hàng ngày phải nhận những trận đòn từ roi mây và gậy gỗ? Để vì câm nín chịu đựng, em đã phải nhận cái chết tức tưởi, oan khuất?
Cái chết của cô bé làm rúng động dư luận. Như cuối năm ngoái, người ta cũng đã từng bàng hoàng vì vụ đứa trẻ 3 tuổi bị mẹ đẻ và cha dượng đánh đập cho đến chết.
Những dã thú có gương mặt con người. Những kẻ thủ ác lại chính là người thân của các em. Nếu như vụ án năm ngoái, người ta có thể lý giải sự tàn bạo ấy là do hai kẻ vô nhân vì phê ma túy mà không kiểm soát được hành vi và do đứa trẻ nhỏ tuổi quá không biết kêu cứu. Vậy còn vụ bé gái 8 tuổi này thì sao?
Cô bé ấy bị bạo lực tinh thần khi người bố cách ly, cô lập em với mẹ đẻ, không cho gặp gỡ.
Cô bé ấy bị bạo lực thể xác với những trận đòn roi như cơm bữa mà hàng xóm thường xuyên nghe thấy tiếng đánh chửi, xô xát. Người mẹ kế đã khai với cơ quan chức năng rằng mình đã đặt mua roi mây để dạy dỗ nhưng do nhiều lần đánh, roi hỏng nên phải chuyển sang dùng gậy gỗ… Với mức độ và tần suất như vậy, khó có thể nói người cha không biết gì nếu không nói là “nhắm mắt làm ngơ” hoặc thậm chí, tiếp tay.
Trong hoàn cảnh thân cô thế cô, không cảm thấy an toàn, không được bảo vệ, đứa trẻ nào biết phải làm gì ngoài câm lặng.
Cô bé câm nín. Nhưng… có lẽ nào mọi chuyện có thể đã khác nếu không có sự im lặng đáng sợ? Sự im lặng, thờ ở của người cha, sự im lặng của hàng xóm… Cô bé có thể đã tránh được cái kết đau lòng này, nếu người cha của em không thản nhiên xem những điều người vợ kế làm với con mình là bình thường, nếu ban quản lý khu chung cư nơi em sống hay hàng xóm không xem đó là "chuyện riêng nhà người ta"…
Theo một nghiên cứu gần đây của UNICEF, có khoảng gần 70% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 tuổi khi được hỏi đã cho biết từng bị cha, mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình bạo hành. Dù việc bạo hành có thể diễn ra một cách thường xuyên và thậm chí công khai, nhưng nhiều người vẫn cho đó là cách giáo dục theo kiểu “thương cho roi cho vọt” một cách sai lệch. Và nữa, trẻ có thể là nơi trút giận của người lớn, có công đẻ nên nhiều người làm cha, làm mẹ nghĩ mình có cái quyền trút mọi bực dọc, bất đắc chí trong cuộc sống lên con, thậm chí, hành hạ con để trả thù nhau…
Những vụ bạo hành trẻ vẫn ngày càng tăng và chưa hết nóng. Và hẳn nhiên, nó sẽ còn tiếp tục nóng nếu nhiều người vẫn cho rằng đây là vấn đề, là “chuyện riêng” của mỗi gia đình.
Chúng ta vốn dĩ hòa vi quý, ngại đụng chạm, nhất là với hàng xóm. Nhưng khoảng cách từ việc không muốn chen vào chuyện người khác, sợ rách việc… đến sự bàng quan, vô cảm lại rất gần. Xin đừng thờ ơ với tiếng khóc bất thường của bất cứ đứa trẻ nào quanh ta. Đôi khi, sự vô tình lại dung dưỡng cho tội ác…
Làm lễ tưởng niệm cô bé 8 tuổi xấu số, rất nhiều giọt nước mắt thương cảm đã rơi xuống, rất nhiều sự phẫn nộ được thốt lên nhưng giá như có sự quan tâm, can thiệp sớm, dã tâm đã không nhân lên, trở thành tội ác đắng cay như những gì hôm nay phải chứng kiến…/.
Nguồn VOV: https://vov.vn/goc-nhin/blog/khong-de-da-tam-tro-thanh-toi-ac-post915102.vov