Đạ Tẻh: Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại

Nhiều mô hình điểm về chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thuộc nguồn vốn cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại đã được huyện Đạ Tẻh xây dựng và thực hiện trong năm qua. Từ đó, bước đầu đánh giá được hiệu quả kinh tế, khả năng phù hợp với điều kiện thực tế của từng khu vực.

Trồng rau trong nhà lưới giúp gia đình ông Trần Văn Tuấn có thu nhập ổn định, ít tốn công chăm sóc và hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học

Trồng rau trong nhà lưới giúp gia đình ông Trần Văn Tuấn có thu nhập ổn định, ít tốn công chăm sóc và hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học

Năm 2021, Huyện ủy Đạ Tẻh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Một trong những nhiệm vụ Nghị quyết đưa ra là xây dựng và nhân rộng các mô hình mới trong nông nghiệp. Theo đó, các xã, thị trấn căn cứ hiện trạng sản xuất và chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình sản xuất, giảm diện tích canh tác kém hiệu quả, nâng cao giá trị sử dụng đất cho từng vùng, từng địa bàn và từng loại cây trồng; đồng thời, lựa chọn, đầu tư một số mô hình điểm về chuyển đổi mô hình sản xuất đại diện cho từng vùng, từng nhóm cây trồng gắn với các hoạt động hội thảo đầu bờ, tuyên truyền để nhân rộng trong sản xuất.

Được bắt đầu xây dựng vào năm 2021 cùng sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông huyện Đạ Tẻh với số tiền trên 80 triệu đồng, mô hình trồng rau trong nhà lưới của ông Trần Văn Tuấn (60 tuổi) là mô hình trồng rau hữu cơ đầu tiên tại Thôn 4, xã An Nhơn. Trên diện tích gần 2 sào, giàn nhà lưới với tổng vốn đầu tư 150 triệu đồng được làm bằng khung sắt kiên cố, trang bị hệ thống phun pép, các loại rau được thay phiên nhau trồng quanh năm.

Đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề nông và các loại rau màu, ông Tuấn phấn khởi chia sẻ: “Kinh nghiệm thì tôi đã có sẵn, nhưng thời tiết, sâu bệnh là điều không thể lường được. Từ lúc trồng rau trong nhà lưới, rau, củ ít bị ảnh hưởng bởi nắng, mưa hơn, chúng tôi cũng đỡ tốn công chăm sóc mà sản lượng lại tăng lên đáng kể. Phân, thuốc hạn chế, sức khỏe của nông dân cũng ít bị ảnh hưởng hơn trước rất nhiều”.

Huyện Đạ Tẻh xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 xây dựng thành công nhãn hiệu Bưởi da xanh Đạ Tẻh. Trong ảnh: Vườn bưởi của hộ anh Nguyễn Trung Hiếu tại xã Đạ Lây trong mùa thu hoạch Tết Nhâm Dần vừa qua

Huyện Đạ Tẻh xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 xây dựng thành công nhãn hiệu Bưởi da xanh Đạ Tẻh. Trong ảnh: Vườn bưởi của hộ anh Nguyễn Trung Hiếu tại xã Đạ Lây trong mùa thu hoạch Tết Nhâm Dần vừa qua

Tại xã Đạ Lây, vườn bưởi 8 năm tuổi, rộng 6 ha của anh Nguyễn Trung Hiếu (thôn Hương Thanh) cũng được trang bị hệ thống tưới tự động. Đợt Tết vừa qua, vườn bưởi của anh cho thu hơn 70 tấn, mang lại thu nhập tương đối ổn định cho gia đình. Dù diện tích rộng, nhưng việc được trang bị hệ thống tưới tự động đã giúp anh giảm bớt chi phí thuê nhân công, cũng như chi phí kéo dây tưới từng gốc như cách làm truyền thống.

Thực hiện các mô hình điểm về chuyển đổi sản xuất thuộc nguồn vốn cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại, trong năm qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh đã xây dựng các mô hình điểm về chuyển đổi sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm. Cụ thể như các mô hình nuôi gà thả vườn (thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức), nuôi heo rừng lai sinh sản và thịt (Thôn 5, xã Mỹ Đức), nuôi nhốt dê thịt và sinh sản (xã Quảng Trị, An Nhơn, Đạ Lây), trồng nấm bào ngư tuyết (Thôn 1, xã Quảng Trị), trồng nấm rơm trên kệ trong nhà (Thôn 2, xã An Nhơn), mô hình sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao ( xã Triệu Hải, Đạ Pal, Quốc Oai, thị trấn Đạ Tẻh),…

Theo Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, hầu hết các mô hình triển khai bước đầu đã ghi nhận hiệu quả, thông qua các mô hình đã chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất, ứng dụng phương thức trồng trọt, chăn nuôi hiện đại để nâng cao lợi nhuận, bảo vệ môi trường và khả năng nhân rộng, liên kết sản xuất, tiêu thụ ở các địa phương.

Các mô hình thành công, hiệu quả sẽ tiếp tục phát triển, nhân rộng ở các địa phương, góp phần đa dạng hóa nguồn sinh kế, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho nông dân, nhằm thực hiện đạt mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại giai đoạn 2021-2025.

Trong các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 được Nghị quyết nêu trên đưa ra, diện tích chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp sang cây trồng hiệu quả cao phải đạt 1.200 ha; tỷ lệ diện tích được tưới tiết kiệm, tiên tiến đạt 20%; tỷ lệ diện tích áp dụng quy trình sản xuất tốt (GAP) được cấp giấy chứng nhận đạt 15%; tỷ lệ diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ qua hợp đồng đạt 25%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích đạt 125 triệu đồng;...

Theo đó, tiếp tục lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp với quy trình canh tác, quy trình nuôi trồng trên địa bàn huyện theo hướng ứng dụng công nghệ cao để đưa vào sản xuất trên diện rộng như công nghệ sinh học, công nghệ tưới tiêu, công nghệ công tác sạch, an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ của các đề tài, dự án vào sản xuất, khảo nghiệm, lựa chọn và tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, sản xuất, chế biến, bảo quản hàng hóa nông sản, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

H.THẮM - V.QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202203/da-teh-co-cau-lai-nganh-nong-nghiep-theo-huong-toan-dien-ben-vung-hien-dai-3107243/