Đặc biệt lưu ý thiết lập ngay khu điều trị hồi sức tại các địa phương
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các bệnh viện hồi sức cấp cứu với mức độ cao hơn, việc chuẩn bị và thực hiện phải sớm hơn, tại TPHCM và các tỉnh có diễn biến xấu về dịch COVID-19, Bộ Y tế đã và ngay lập tức tăng cường các trung tâm hồi sức tích cực đặt tại 12 bệnh viện, đồng thời huy động đội ngũ nhân lực tinh nhuệ để hỗ trợ các địa phương thiết lập các trung tâm này.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh và gia tăng ca mắc trong thời gian rất ngắn, gây áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Một số quốc gia đã tiêm chủng vaccine cho người dân nhưng vẫn tăng số ca mắc. Do đó, việc chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị là cấp thiết hơn bao giờ hết, đối với tất cả các quốc gia trong giai đoạn này.
Bộ trưởng nhấn mạnh đề nghị, các tỉnh, thành phố phải tập trung cao độ về cơ sở vật chất, để chuẩn bị sẵn cho công tác điều trị.
Theo đó, hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân tầng điều trị, các địa phương cần chủ động lên phương án chuẩn bị theo các tầng, đặc biệt lưu ý hệ thống hồi sức trong cơ sở điều trị ở tầng cao nhất, vì vấn đề này đang là điểm yếu của điều trị ở nhiều tỉnh, thành phố. Trong chuẩn bị và thiết lập hệ thống hồi sức, cần chú trọng rà soát ngay hệ thống oxy, máy thở.
Đồng thời, các địa phương cần quán triệt trong điều trị thực hiện việc yêu cầu tất cả các bệnh viện hạng 1, bệnh viện đa khoa tỉnh, bắt buộc phải có giường hồi sức tích cực và oxy trung tâm (quy mô từ 50-100 giường); bệnh viện tuyến quận, huyện cũng phải có oxy và oxy trung tâm.
Bộ Y tế đề nghị, các địa phương phải làm việc ngay với các nhà cung cấp oxy, rà soát lại tất cả trang thiết bị trên tinh thần “4 tại chỗ”. Bộ Y tế cũng sẽ hỗ trợ nhưng các địa phương cần chủ động.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ đã huy động lực lượng tinh nhuệ thiết lập 5 Trung tâm hồi sức tích cực tại TPHCM. Đồng thời, Bộ Y tế cũng thiết lập thêm Trung tâm hồi sức tích cực tại các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang.
Hôm nay (31/7), trực tiếp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Cần Thơ đã đi kiểm tra việc thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực 200 giường tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ. Tại đây, Bộ trưởng yêu cầu Trung tâm nhanh chóng đi vào hoạt động phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhân. Bộ Y tế cũng sẽ thiết lập tại Thành phố Trung tâm hồi sức quy mô 500 giường, trong trường hợp cần thiết, có thể nâng lên thành 800-1000 giường. Trung tâm này mang tính chất khu vực, chứ không chỉ phục vụ riêng Cần Thơ. Bộ Y tế sẽ giao các chuyên gia của Bệnh viện 103 vào hỗ trợ hoạt động của Trung tâm này.
Ngày 30/7, Bộ trưởng cũng đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Long An, liên quan đến việc thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực quy mô 500 giường tại tỉnh Long An. Bộ trưởng giao Giám đốc BVĐK Trung ương Thái Nguyên kiêm Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực này. Bộ sẽ điều động nhân lực và trang thiết bị đồng hành cùng tỉnh Long An. Tuy nhiên, tỉnh vẫn phải chủ động trên tinh thần “4 tại chỗ”.
Cũng trong ngày 30/7, đoàn công tác của Bộ Y tế do Giám đốc Bệnh viện Việt Đức và Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai dẫn đầu, đã đi khảo sát thực tế tại Bệnh viện Dã chiến số 13, Bệnh viện dã chiến số 16 tại TPHCM, thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 với quy mô 500 giường tại mỗi Bệnh viện.
Tại Bình Dương, ngày 29/7, sau khi làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đã quyết định thành lập Trung tâm hồi sức tích cực tại đây. Bộ trưởng giao Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm này.
Đối với các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, miền Bắc, Bộ trưởng nhấn mạnh, các địa phương cũng cần phải chuẩn bị ngay nội dung này, không được chủ quan, tránh bị động khi có dịch xảy ra trên địa bàn.
Ngay trong ngày 30/7, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng".
Theo nội dung Đề án, Việt Nam sẽ có 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, được đặt tại 12 bệnh viện. Đồng thời, Bộ Y tế giao chỉ tiêu về số giường bệnh hồi sức tích cực cho mỗi trung tâm từ 200-3.000 giường.
Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2 với 1.000 giường); 6 bệnh viện khác gồm: Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103-mỗi nơi 500 giường; 3 bệnh viện khác là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ-mỗi nơi 200 giường; Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM 300 giường.
Riêng các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 TPHCM (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM và các bệnh viện dã chiến) xây dựng quy mô 3.000 giường.
Nhận định tình hình dịch tới đây sẽ còn những diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể sẽ tăng nhanh, liên tiếp trong nhiều cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long luôn nhấn mạnh đề nghị các địa phương phải nâng cảnh báo phòng chống dịch lên mức rất cao, phải chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu có thể xảy ra.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn chuẩn bị khi xảy ra tình huống dịch bệnh gia tăng, do đó tùy vào mức độ đánh giá và tình hình dịch trên địa bàn, các địa phương cần xây dựng các kịch bản phòng chống dịch phù hợp, để tránh khi dịch xảy ra lại lúng túng, bị động, đặc biệt trong điều trị.