Đặc sắc lễ Thần Nông đình làng Dọc

Cùng với các di tích lịch sử cấp quốc gia như nhà ông Trần Đình Khánh, Gốc vải Đình Trung, Hang Dơi và các điểm du lịch cộng đồng tại bản Vần thì đình làng Dọc là địa điểm du lịch tâm linh để du khách tham quan mỗi khi đặt chân đến mảnh đất chiến khu cách mạng Việt Hồng, huyện Trấn Yên, Yên Bái.

Thầy Thổ đạo thực hiện nghi lễ tại đình Nội.

Thầy Thổ đạo thực hiện nghi lễ tại đình Nội.

Đình làng Dọc được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX (đời vua Khải Định triều Nguyễn và được vua ban sắc phong). Đình Làng Dọc ngoài thờ thần linh, thờ Thành hoàng làng còn thờ ông tổ họ Phạm và sáu dòng họ khác có công khai khẩn ra vùng đất này từ thế kỷ XVIII. Đình gồm 5 gian 2 trái, kiến trúc chữ "Đinh”.

Đình được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2005. Lễ hội đình làng Dọc được tổ chức 2 kỳ trong năm vào mồng 3, mồng 4 tháng Giêng âm lịch (gọi là lễ Hạ điền) và 13, 14 tháng 7 Âm lịch (lễ hội cầu Thần Nông). Đây là nghi lễ tỏ lòng biết ơn của nhân dân với vị thần cai quản về nông nghiệp.

Thành phần tham gia lễ tế gồm có: thầy Thổ đạo làm chủ lễ, là cháu đời thứ 11 của ông tổ họ Phạm; 4 người phụ nữ có uy tín trong cộng đồng (nữ chai), được chọn để phục vụ lễ hội và các nữ chức là những người phụ nữ trong cộng đồng được chọn để tham gia dâng lễ vật, rước kiệu, hầu xòe phục vụ lễ hội.

Phường bát âm là một đội gồm 8 người đàn ông chơi các nhạc cụ như: trống cái, trống con, kèn, nhị, sáo, đàn tính, thanh la, xinh tiền và toàn thể cộng đồng người Tày, Kinh trong xã Việt Hồng.

Bà Phạm Thị Nhung, thôn Bản Din - người đã trên 50 năm sinh sống trên mảnh đất Việt Hồng chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, người dân chuẩn lễ vật dâng cúng trong lễ hội đình làng Dọc bao gồm: thịt lợn, thịt dê, rượu, xôi, hoa quả, bánh kẹo. Để chuẩn bị Lễ hội đình, nhà thầy Thổ đạo thường nuôi lợn từ năm trước để đến ngày sẽ thịt làm lễ cúng. Những con lợn chọn để làm lễ phải là những con lợn béo tốt, nặng khoảng 60 - 70kg. Trong mâm cúng lễ Thần Nông của người Tày có thêm thịt dê, nhưng cũng có thể thay các con vật khác như: trâu, bò, miễn là con vật có sừng. Tùy theo điều kiện từng năm, nếu không có những con vật này thì lễ vật thay bằng thịt lợn”.

Từ ngày 13/7 Âm lịch, thầy Thổ đạo vào đình Nội để báo cáo công việc lễ hội chính ngày hôm sau. 10 mâm cỗ được dâng lên, trong đó có 7 mâm cỗ mặn và 3 mâm cỗ chay.

Bên ngoài đình, lễ Phươn được đặt ở ban Mo. Nhân dân cùng nhau chuẩn bị 4 kiệu rước, trang trí bằng 4 màu khác nhau. Khi giờ lành đến, thầy Thổ đạo bắt đầu thắp đèn, lên hương, báo cáo xin làm lễ hội ngày mai ở đình Ngoại.

Khi lên hương xong, thầy Thổ đạo bắt đầu đọc văn tế, thực hiện lễ trong ba tuần rượu, hai tuần hương, một tuần tế văn. Sau đó, cả dân làng cùng thụ lộc tại đình Nội. Tầm 5- 6 giờ chiều bà con tập trung rước 4 kiệu (3 kiệu rước 3 ông Thành Hoàng làng, 1 kiệu rước Bác Hồ) từ đình Nội.

Phần hội của lễ thần Nông, đình làng Dọc, xã Việt Hồng là các hoạt động thể thao sôi nổi, hấp dẫn, thể hiện tinh thần đoàn kết xóm làng.

Phần hội của lễ thần Nông, đình làng Dọc, xã Việt Hồng là các hoạt động thể thao sôi nổi, hấp dẫn, thể hiện tinh thần đoàn kết xóm làng.

Trên đường đi, đoàn rước sẽ vào sân đình Trung làm lễ, rồi ra đình Ngoại - đình làng Dọc. Thầy Thổ đạo sẽ thắp hương, đèn dầu báo cáo tại đình làng Dọc, xin được an tọa để nhân dân thực hiện lễ vào ngày mai. Kết thúc ba tuần rượu, hai tuần hương, một tuần tế văn, mọi người nghỉ ngơi để chuẩn bị cho lễ tế của phường bát âm vào buổi tối tại đình Ngoại.

Lễ tế của phường Bát âm được gọi là tế nhạc để phục vụ các vị thần. Sau tế chay 15- 20 phút là phường bát âm vào tế bát âm (tế âm nhạc), nữ chức thực hiện các điệu múa, có đánh trống, thanh la, sáo, nhị, các vị nữ chức cùng dân làng sẽ múa xòe Tày, với các điệu múa: múa khăn, múa quạt, múa quả nhạc, múa thanh la… Trong lúc phường bát âm tế nhạc thì thầy Thổ đạo tiếp tục đọc văn tế.

Ngày 14/7 Am lịch, mọi người tập trung tại đình Ngoại để tiến hành lễ hội. Trong Thổ đạo vào đình Nội để báo cáo công việc lễ hội chính ngày hôm sau không chỉ có các mâm cỗ mặn, cỗ chay còn có các mâm lễ Phươn. Lễ Phươn được đặt ở ban Mo.

Khi chuẩn bị xong các mâm lễ, các nữ chai dâng lên cung cấm 7 mâm cỗ nấu chín, gồm có các món chế biến từ lợn, xôi, rượu nếp mọng; 3 mâm cỗ chay là mâm cỗ hoa, quả, bánh kẹo; 1 mâm cỗ Phươn.

Bên ngoài hậu cung có đặt một mâm cỗ chín. Khi các mâm cỗ được chuẩn bị xong, thầy Thổ đạo lên hương và cúng mời các vị Thần linh, Thổ địa, Thành Hoàng làng về dự lễ.

Kết thúc ba tuần rượu, hai tuần hương, một tuần văn tế, thầy Thổ đạo tiếp tục ra cúng ở ban Mo, thực hiện nghi lễ tế Thần Nông.

Ban Mo được đặt ở gốc cây si to nhất ở bên phải đình và chỉ khi nào có lễ thì mới lập. Ban thờ Mo được lập bằng tre, nứa, bên trên lợp bằng một lá cọ to, từ đất lên được đặt bằng một tấm đan bằng nứa như là cầu để đi lên. Trên ban Mo là mâm cỗ có miếng thịt chín, xôi, rượu, treo 1 miếng thịt dê hoặc thịt lợn sống, gạo được trộn với tiết sống (huyết mao) và một ít lông đuôi của con vật làm lễ để làm hèm thiêng cho nghi lễ cúng.

"Theo quan niệm của người Tày, ban Mo là nơi thờ vị thần cai quản các loài vật trên thế gian nên phải dùng mâm cỗ thịt sống và phải có tiết con vật được hiến tế thì mới linh thiêng. Nghi lễ cúng ban Mo với mong muốn vạn vật, gia súc, gia cầm trong bản trong xã được bảo vệ, sinh sôi nảy nở" - thầy Thổ đạo Phạm Gia Liễn cho hay.

Ông Nguyễn Đức Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Hồng cho biết: "Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử của Lễ hội đình làng Dọc, xã Việt Hồng xã đã vận động các cụ cao niên hiểu văn hóa truyền thống, nhất là nghi lễ Thần Nông truyền dạy cho thế hệ trẻ, bởi nghi lễ này mang sắc thái văn hóa của người Tày cổ, thể hiện mong muốn muôn dân có cuộc sống bình an, cây cối tốt tươi. Đây còn là dịp để khơi dậy tinh thần đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm”...

Với ý nghĩa nhân văn của lễ Thần Nông là gắn bó và thắt chặt tình làng nghĩa xóm và giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nên dẫu ở xa đến đâu thì vào những ngày tổ chức Lễ hội đình làng Dọc, những người con của xã Việt Hồng luôn cố gắng về đông đủ bên gia đình, người thân, chòm xóm để hòa cùng ngày hội. Cũng là địa điểm du lịch tâm linh với du khách tham quan mỗi khi đặt chân đến mảnh đất chiến khu cách mạng Việt Hồng.

Minh Huyền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/226/330750/dac-sac-le-than-nong-dinh-lang-doc.aspx