Đặc sản nổi tiếng đất Tổ hồi sinh sau bão số 3

Bão số 3 đi qua để lại thiệt hại nặng nề về kinh tế huyện Đoan Hùng, trong đó, cây bưởi là cây kinh tế chủ lực bị thiệt hại hơn 210 ha trên tổng 2.600 ha diện tích trồng bưởi chuẩn bị vào vụ thu hoạch.

Theo báo cáo thống kê thiệt hại bão số 3 của UBND huyện Đoan Hùng, tính đến ngày 30/9, ước tính tổng thiệt hại riêng cây bưởi trên toàn huyện bị thiệt hại 210,7 ha trên tổng số 2.600 ha diện tích cây trồng ở các vùng thủ phủ trồng bưởi như: Phú Lâm, Hùng Xuyên, Chí Đám...

Thiệt hại do cơn bão số 3 khiến 210,7 ha diện tích bưởi trên địa bàn huyện Đoan Hùng bị ngập và chết.

Thiệt hại do cơn bão số 3 khiến 210,7 ha diện tích bưởi trên địa bàn huyện Đoan Hùng bị ngập và chết.

Tại xã Phú Lâm, đây là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại lên đến hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, bưởi là cây mũi nhọn của địa phương bị ngập gần 70 ha, với 20 ha bị mất trắng.

Ông Vũ Khánh Hiệp (66 tuổi, khu Doãn Trung, xã Phú Lâm) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 3. Toàn bộ thôn xóm bị ngập sâu trên 2m, người dân bị cô lập hoàn toàn, phải nhờ đến sự cứu trợ của các đoàn từ thiện.

Ông Vũ Khánh Hiệp phấn khởi vì vườn bưởi của gia đình đã hồi sinh trở lại.

Ông Vũ Khánh Hiệp phấn khởi vì vườn bưởi của gia đình đã hồi sinh trở lại.

Chia sẻ với PV, ông Hiệp cho biết, vườn bưởi nhà ông có tất cả hơn 800 gốc với nhiều loại bưởi khác nhau như: bưởi Sửu, Diễn, Bằng Luân, Cát Quế... mỗi năm cho thu khoảng hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, sau cơn bão số 3, 250 gốc bưởi bị mất trắng khiến gia đình ông thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.

"Sau khi nước rút, cả vườn bưởi toàn màu trắng đục của bùn đất, cây cối héo úa, bưởi rụng như sung khiến người trồng bưởi ai cũng xót xa, tiếc nuối bởi số quả bưởi sắp đến kỳ thu hoạch đều bị thối hỏng, cây có thể bị chết hết”, ông Hiệp cho biết thêm.

Sau 1 tháng được hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa cành cây, các cây bưởi đã đâm chồi, ra những cành lá xanh vốn có trước đây.

Sau 1 tháng được hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa cành cây, các cây bưởi đã đâm chồi, ra những cành lá xanh vốn có trước đây.

Theo ông Hiệp, nhờ những chỉ dẫn của Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, những cây bưởi tưởng chừng mất trắng đến nay đã hồi sinh đâm chồi nảy lộc mới. Cả vườn bưởi giờ phủ màu xanh của mầm chồi đang tua tủa từ những cành được cắt tỉa. Ở những cây bưởi bị ảnh hưởng nhẹ, những tán cây đã được vệ sinh sạch sẽ, tán lá xanh đậm tỏa bóng làm nền cho những chồi non mới mọc ở trên. Cả khu vườn được dọn dẹp, đất được xới xáo tơi xốp thuận lợi cho cây hấp thu chất dinh dưỡng.

Ông Trịnh Văn Tuân – Phó Chủ tịch xã Phú Lâm cho biết, toàn xã có 486 ha diện tích trồng bưởi, một tháng trước, sau cơn bão số 3 gần 70 ha bị ngập trong nước lũ, cả khu vườn toàn màu trắng đục bùn, cây cối héo úa. Đến nay, sau khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ trực tiếp của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, toàn bộ diện tích bưởi bị ngập úng đã căng tràn nhựa sống, đâm chồi xanh non mạnh mẽ, số diện tích mất trắng giảm đáng kể.

Tại xã Hùng Xuyên, theo thống kê thiệt hại sau cơn bão số 3 toàn xã có hơn 50 ha bị ngập và 5 ha bị chết hỏng hoàn toàn trên tổng 374 ha diện tích trồng bưởi.

Vợ chồng anh Hoàng Văn Hiển đang tiến hành chăm sóc cây bưởi sau khi bị ngập.

Vợ chồng anh Hoàng Văn Hiển đang tiến hành chăm sóc cây bưởi sau khi bị ngập.

Anh Hoàng Văn Hiển - khu Đông Dương, xã Hùng Xuyên kể, sau cơn bão số 3 gia đình anh chị bị ngập và chết khoảng 1 ha diện tích trồng bưởi. Ngay sau đó, nhờ được sự quan tâm của chính quyền các cấp, chuyên gia của Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam trực tiếp hướng dẫn vệ sinh sạch sẽ, cắt bỏ những cành bị ngập sâu trong nước, bị khô héo, cành bị gãy, mục. Đồng thời, tiến hành vệ sinh dưới tán cây, thu gom toàn bộ số quả bưởi bị thối, tất cả các cành lá, gốc cây gỗ trôi. Tiếp đó, đưa các nông cụ để nhanh chóng xới đất phá váng mặt vườn, tiến hành xử lý bằng vôi để hạn chế ảnh hưởng của nấm bệnh. Đến nay, các cây bưởi trong vườn đang dần hồi phục, đã đâm chồi, sự sống được hồi sinh.

Ông Đỗ Chí Thành - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đoan Hùng kiểm tra sự phát triển cây bưởi gia đình anh Hiển.

Ông Đỗ Chí Thành - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đoan Hùng kiểm tra sự phát triển cây bưởi gia đình anh Hiển.

Ông Nguyễn Song Toàn – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đoan Hùng cho biết, sau khi nước rút, chính quyền các cấp đã nhanh chóng xuống cơ sở hướng dẫn bà con khắc phục hậu quả đối với cây bưởi. Những vườn bưởi bị ngập úng, khi đất khô ráo xới nhẹ phá váng lớp đất giúp mặt đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới.

Đối với những cây bị chết hỏng hoàn toàn, chúng tôi vận động người dân tái sinh cây trồng mới, cung cấp giống cho người dân không để đất hoang. Phục hồi sản xuất cây bưởi.

"Đến nay, sau một tháng được khắc phục diện tích cây bưởi bị hỏng, ngập úng đã hồi sinh nhờ các kỹ thuật cắt tỉa do Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam trực tiếp về hướng dẫn người dân. Người trồng bưởi ai nấy đều vui mừng vì cây bưởi được sống trở lại”, ông Toàn cho biết thêm.

Thu Hường

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dac-san-noi-tieng-dat-to-hoi-sinh-sau-bao-so-3-post1684535.tpo