Đặc sản vùng, miền hội tụ chợ Tết

Nhiều đặc sản vùng, miền 'độc, lạ' tấp nập hội tụ về các chợ Tết ở TP Hồ Chí Minh. Người dân thành phố có thêm nhiều lựa chọn để thưởng thức và làm quà tặng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 cho người thân, bạn bè…

Người tiêu dùng dùng thử sản phẩm bánh chưng, bánh tét nhân cá ba sa.

Người tiêu dùng dùng thử sản phẩm bánh chưng, bánh tét nhân cá ba sa.

Nhiều đặc sản vùng, miền “độc, lạ” tấp nập hội tụ về các chợ Tết ở TP Hồ Chí Minh. Người dân thành phố có thêm nhiều lựa chọn để thưởng thức và làm quà tặng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 cho người thân, bạn bè…

Những ngày cuối tuần, phiên chợ Tết tại Công viên Dương Đình Nghệ (quận 11) tấp nập khách từ sáng sớm. Ngạc nhiên lẫn thích thú khi thử món bánh tét có nhân cá ba sa, chị Thu Uyên, nhân viên văn phòng ở quận 1, chia sẻ: “Lần đầu tôi được thưởng thức bánh tét nhân cá ngon và lạ đến vậy. Thịt cá không tanh mà có vị béo, bùi, thơm ngậy. Nguyên liệu này hoàn toàn có thể thay thế được thịt heo đang tăng giá cao như hiện nay”.

Bánh chưng, bánh tét nhân cá ba sa là sản phẩm của Công ty TNHH Uni-Sea (Hà Nội) vừa được tung ra thị trường trong dịp Tết năm nay và đang chào hàng tại TP Hồ Chí Minh. Anh Phạm Đức Cường, đại diện Công ty TNHH Uni-Sea cho biết, nhân bánh làm từ cá ba sa phi-lê nhưng không để lại mùi tanh của cá. “Nhân bánh không bị xơ, phần thịt và mỡ cá xen với nhau, mùi tanh bị khử bởi phương pháp lên men yếm khí, tương tự cách làm mắm xổi. Giá bánh chưng, bánh tét nhân cá ba sa đang được bán khoảng 70.000 đồng/bánh (khoảng 800 gam). Người tiêu dùng cũng có thể mua cá ba sa phi-lê từ công ty để về tự gói bánh chưng, bánh tét với cách gói tương tự như với nhân thịt heo nhưng thời gian nấu ngắn hơn với giá bán tại các siêu thị khoảng 50.000 đồng/hộp 400 gam”, anh Cường cho biết thêm.

Cũng theo anh Cường, sản phẩm chính của Công ty Uni-Sea là cá ba sa phi-lê tẩm ướp; còn bánh chưng, bánh tét do các đối tác là nghệ nhân, đầu bếp thực hiện. Khách ăn thử đều khen ngon và đón nhận tích cực…

Tại nhiều chợ truyền thống như chợ Bà Hoa (quận Tân Bình); Bà Chiểu (quận Bình Thạnh); Căn Cứ (quận Gò Vấp)…, nhiều loại đặc sản cũng được tiểu thương nhập về bán như bánh khẩu xén vùng Tây Bắc (gần giống bánh phồng tôm miền nam); nấm khô Sa Pa (Lào Cai); cam Hàm Yên (Tuyên Quang); bò khô một nắng với muối kiến vàng của Gia Lai; mật ong rừng U Minh; khô nhái, khô bò An Giang; khô cá sặc rằn Cà Mau; gạo ST25, mắm tôm chà Khổng Tước Nguyên… Khách hàng được lựa chọn, ăn thử, kiểm tra mã QR để biết nguồn gốc, xuất xứ trước khi quyết định cho vào giỏ hàng.

Năm nay, hạt cây kơ-nia từ Đắk Lắk cũng là sản phẩm mới, ngon và lạ miệng với người dân thành thị. Hạt kơ-nia được đóng thành gói 200 gam, giá 60.000 đồng/gói. Sản phẩm mật dừa nước sản xuất tại Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) được xem là mặt hàng “độc nhất vô nhị” trên thị trường.

Công ty Ba Ka từ An Giang giới thiệu đến người tiêu dùng thành phố hàng loạt đặc sản như nước mắm cá linh, mắm Châu Đốc, mật ong hoa cà-phê, trà hoa sen sấy cùng các món ăn gia truyền như bò viên, giò gân…. Đây là những thực phẩm sạch do Công ty Ba Ka tự sản xuất theo bí quyết và kinh nghiệm của gia đình. Đại diện Công ty Ba Ka Hà Nguyễn Quốc Anh cho biết: “Dịp Tết cổ truyền những năm gần đây, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những đặc sản truyền thống, chất lượng cao, không chỉ tiêu dùng trong những ngày Tết mà còn là món quà để tặng bạn bè, người thân, gia tộc. Với đặc sản, người dân có thể nấu những món ăn dân dã, ngon miệng, phù hợp thị hiếu cũng như giữ gìn nét truyền thống trong mâm cỗ gia đình ngày Tết”.

Nhiều đặc sản đã quen thuộc với người dân thành phố nhưng cũng làm người tiêu dùng mãn nhãn nhờ sản phẩm được đóng hộp, bao gói sang trọng làm quà biếu, tặng. Cá kho làng Vũ Đại của cơ sở Nhân Hậu (Hà Nam) là một trong những sản phẩm được nhiều người tiêu dùng đặt hàng trong dịp Tết năm nay.

Niêu cá kho lớn được đóng hộp, vận chuyển dạng đông lạnh từ Hà Nam vào TP Hồ Chí Minh, khi rã đông chế biến chất lượng bảo đảm, giữ nguyên hương vị. Theo đại diện cơ sở Nhân Hậu Phạm Thị Ánh Ngọc, trước đây cá kho có hình thức đơn điệu, đựng thố đất nên kén khách. “Năm nay, cơ sở Nhân Hậu kết hợp với các siêu thị chào bán sản phẩm được đóng trong hộp nhỏ gọn, bao bì bắt mắt thay cho thố đất. Phần cá cũng chia nhỏ đủ ăn cho gia đình, có thể hâm nóng dùng ngay, thậm chí làm quà Tết khá độc đáo”, bà Ngọc cho hay.

Nhiều cửa hàng đặc sản trên đường Trần Quốc Toản (quận 3), Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh)… giới thiệu và bày bán hàng chục loại đặc sản các vùng, miền. Đa số các sản phẩm đều được bao gói đẹp, có đầy đủ thông tin về đơn vị sản xuất, hạn sử dụng, thành phần nguyên liệu… để khách hàng yên tâm. “Chúng tôi chủ động “thay da đổi thịt” cho sản phẩm, tất cả đều phải có nhãn mác, bao gói chứ không bán sản phẩm dạng xá, cân ký như trước. Trong khâu chế biến, dù nhiều sản phẩm làm thủ công nhưng đều đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm”, chủ một cửa hàng đặc sản trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình) khẳng định…

Theo dự báo của các doanh nghiệp, từ 20 tháng Chạp trở đi, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sức mua có thể không mạnh bằng mọi năm. Thông tin từ Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến ngày 6-2, thành phố sẽ tổ chức 69 chương trình hội chợ, chợ phiên. Phần lớn chương trình được tổ chức trải đều ở các quận và giới thiệu tổng hợp các sản phẩm, trong đó nhiều nhất là thực phẩm, đặc sản.

Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo, người dân thành phố nên lựa chọn mua những thực phẩm từ những địa chỉ có uy tín, thủ tục hợp pháp, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… Hãy nói “không” với sản phẩm trôi nổi, giá rẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm...

Bài và ảnh: PHƯƠNG VY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/dac-san-vung-mien-hoi-tu-cho-tet--633890/