Đại bàng núi

Cho đến bây giờ đôi đại bàng núi khổng lồ mới hiểu rằng, những đứa con bé xíu của mình theo đàn trâu dưới bãi cỏ kia là ý trời, là cuộc sống riêng của mỗi loài vật trên đời này.

Còn nhớ đinh ninh ngày ấy, cả khu rừng nọ cây cối mướt xanh, chim chóc muôn loài chung sống đến là vui. Ngày, chúng chia nhau đi kiếm ăn, chim nhỏ bay lượn quanh khu rừng thấp, những con có sải cánh lớn bay tít tắp hàng giờ đồng hồ trên không trung mới tới nơi săn mồi.

Minh họa: An Khánh

Riêng đôi đại bàng núi, chẳng bao giờ thèm đi chung với con nào, chúng bay rất xa, nơi ấy có trời cao xanh, núi non điệp trùng. Ở đó, đại bàng tha hồ kiếm được thức ăn ngon, toàn của ngon vật lạ, “sơn hào hải vị” mà những con vật khác chẳng dám mơ ước.

Cuộc sống bình lặng như thế trôi qua hàng chục năm. Những gì mà lũ chim lít nhít vui sướng như bắt được đôi con sâu, cái kiến thì đại bàng lại chẳng coi là gì. Chúng chỉ quen thưởng ngoạn vùng sông nước, đất đai, núi rừng đẹp nhất và những món ăn khoái khẩu của loài chim lớn như đại bàng, loài chim từng mệnh danh là chúa tể bầu trời.

Sự sung túc, đủ đầy khiến lông cánh vợ chồng đại bàng thêm dài ra, cứng cáp; đôi chân với móng sắc như nhọn thêm và nhất là cái mỏ khoằm của nó mới ngạo nghễ làm sao. Khi đôi đại bàng bay đến đâu, không chỉ trên trời các loài chim khiếp đảm mà phía dưới rừng núi, sông hồ và cả xóm làng cuộc sống muôn loài như nhốn nháo hẳn lên, kể cả con người cũng còn sợ hãi.

Đã có sự đổi thay sau đó khi con người ra tay vén rừng, xây những công trình gì đó. Cây đổ, thú rừng bị dồn vào thung sâu. Hang của cặp đại bàng trên lưng núi thì không hề hấn gì.

Sải cánh bay tít tắp, thức ăn ngon không thiếu bởi vợ chồng đại bàng muốn gì được nấy. Nhưng rồi chính sự khiếp sợ của muôn loài làm cho đôi đại bàng núi trở nên buồn vì nỗi cô đơn. Bao nhiêu năm cố gắng nhưng chúng không thể đẻ trứng nuôi con. Thậm chí chúng cũng chẳng có bạn tri kỷ, chỉ có vài ba con chim ưng, cú mèo, diều hâu… nhưng rặt một lũ lém lỉnh, bợ đỡ và mượn oai đại bàng kiếm chác. Thành thử, khi thân hình càng oai vệ, mạnh mẽ thì dường như đôi đại bàng chỉ còn một lũ bậu sậu hèn nhát, cơ hội và nịnh hót vây quanh.

Sự trống trải, cô đơn của cuộc sống khiến đôi đại bàng tính kế nuôi con của loài chim khác. May thay, nhân ngày người ta khiêng về cây đa to tướng dựng bên ngôi chùa mới xây, chúng thấy có ổ trứng liền đưa về hang ấp ủ trong hy vọng. Có thể nói rằng, mấy con vật trong ổ ấy sướng từ trong trứng vì được cả đôi đại bàng cưng lắm. Canh chừng ổ trứng từng ngày, mỗi con đại bàng đều có ý nghĩ riêng. Đại bàng cha ước:

- Nếu là chim, ta sẽ nuôi các con trở thành những cánh chim dũng mãnh nhất bầu trời để thay thế bố mẹ.

Đại bàng mẹ vẻ sốt ruột, xuýt xoa:

- Ra đời, các con sẽ có những bộ cánh tuyệt vời nhất. Cái mỏ và đôi chân quyền năng mà muôn loài chỉ biết ao ước.

Chẳng phải đợi lâu, ít ngày sau, những vỏ trứng mỏng tang tách dần, cái mỏ khuyên vàng của lũ chim con bắt đầu mổ mổ rồi vươn cổ ra ổ. Đôi đại bàng bố mẹ vui không tả nổi. Nhưng niềm vui đến chưa được bao lâu thì đại bàng lại có nỗi lo ngay. Lũ con bé xíu này nuôi bằng cách nào đây? Phải học cách nuôi con mới được. Và rồi tình yêu đã giúp chúng tìm ra cách làm tổ bằng cỏ rơm, lá cây khô bện chặt treo lên thành hang.

Thức ăn là những con kiến, con sâu trên ngọn lá thấp. Biết là vất vả nhưng cuộc sống nuôi lũ con đối với đôi đại bàng thật là hạnh phúc. Nhìn đàn con lớn dần, cái mỏ khuyên vàng bắt đầu chuyển thành đỏ nâu đến là yêu. Lông cánh mọc dài thêm và lũ con bắt đầu học chuyền cành. Bỗng chim bố mẹ sợ hãi bởi ý nghĩ chẳng may có một chim con ngã từ lưng núi cao hàng trăm mét xuống thì làm sao sống nổi.

Bàn tính mãi, mấy ngày sau đôi đại bàng mang đàn con xuống thung lũng với hàng cây thấp và đồng cỏ xanh tươi. Đàn chim con chăm chỉ chuyền cành. Ước về một đàn con to lớn dũng mãnh ngày càng lắng xuống khi chúng ăn uống, chuyền cành và ngay cả giọng hót của chúng cũng lanh lảnh, thánh thót chứ không khàn khàn như loài đại bàng. Và nỗi lo mất con cứ thế lớn dần trong vợ chồng đại bàng.

Và cái gì đến đã đến. Trên lưng đàn trâu gặm cỏ, lũ con của vợ chồng đại bàng đang nhảy nhót theo tiếng sáo của cậu mục đồng. Vậy là con mình là những con sáo. Mà sáo phải sống bên con người, giúp cho mục đồng chăm đàn trâu nhà lớn nhanh. Tiếng sáo réo rắt vui cả cánh rừng. Ngày ngày đại bàng vẫn sà cánh xuống thung lũng nơi đàn trâu gặm cỏ để trông chừng cho đàn con mình thêm khôn lớn. Đó là niềm vui, động lực mới cho cuộc sống mà đôi đại bàng núi cảm thấy hạnh phúc và ý nghĩa hơn.

Lan Hương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/352238/dai-bang-nui.html