Đại biểu đề nghị xem xét tính khả thi của chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021
Tại phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội, nhiều đại biểu quốc hội băn khoăn về tính khả thi của chi tiêu tăng trưởng GDP năm 2021. TCDN -
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến 6% là cao vì tình hình dịch bệnh khó lường, thiên tai biến đổi khí hậu đang xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề ở hầu hết các tỉnh. Cần xem xét lại chỉ tiêu này cho hợp lý.
Cùng với đó, theo đại biểu, chỉ tiêu về quy mô GDP bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 3.700 USD là quá cao vì năm 2020 bình quân mới đạt 2.750 USD. Đề nghị xem lại tính khả thi của chỉ tiêu này.
Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị cân nhắc về chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%, chỉ tiêu này thấp hơn so với năm 2019 và năm 2020 vì ta đang áp dụng và đổi mới các tiến bộ khoa học, công nghệ.
Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị bổ sung chỉ tiêu, mức tiêu hao năng lượng trên đơn vị GDP. Đây là chỉ tiêu quan trọng, chỉ tiêu này phản ánh kết quả của việc đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất và áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật để giảm mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất, kinh doanh, phản ánh sự thay đổi cấu trúc của nền kinh tế có thể giảm mức tiêu hao năng lượng so với GDP bằng cách hạn chế các ngành hoạt động tiêu tốn năng lượng và phát triển ngành hoạt động ít tiêu hao năng lượng hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) thể hiện băn khoăn với chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021, bởi vì đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tác động tiêu cực trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Kinh tế và thương mại thế giới suy giảm, diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, thiên tai, bão lũ như vừa qua ở một số tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến kinh tế nước ta.
“Vì vậy, tôi xin kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có các kịch bản, những phương án, giải pháp cụ thể để giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 trong điều kiện bình thường mới. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối của nền kinh tế”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nói.
Chia sẻ về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho rằng, Chính phủ cần rà soát khả năng đạt được của chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, điều kiện, bối cảnh 2021 và xem xét trong tổng thể Kế hoạch 5 năm bảo đảm thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính phủ cần làm rõ thêm về việc dự toán ngân sách nhà nước, năm 2021 tổng thu tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, tính toán thấp hơn so với tăng trưởng kinh tế theo dự kiến.
Đại biểu khẳng định: “Tôi thống nhất tăng trưởng GDP năm 2021 là 6% đến 6,5%, tuy nhiên cần phải xây dựng và đánh giá kỹ từng kịch bản. Đồng thời, nước ta có độ mở kinh tế lớn trên bối cảnh đối diện với dịch bệnh trên thế giới khó dự đoán và đứt quãng chuỗi giá trị toàn cầu cùng chính sách tăng cường chủ nghĩa bảo hộ của một số nước lớn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam”.
Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của năm 2021
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6% so với năm 2020.
- Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người.
- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
- Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%.
- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%.