Đại biểu Ma Thị Thúy góp ý dự án Luật Phòng chống thiên tai (sửa đổi)
Ngày 18-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành phiên thảo luận. Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý về một số nội dung dự án Luật Phòng, chống thiên tai.
Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị bổ sung thêm quy định về các công trình phòng chống thiên tai. Theo đó đưa các công trình chống xâm nhập mặn, công trình chống lũ quét, công trình chống sét vào trong luật. Việc đưa các công trình này vào luật sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở pháp lý để thực hiện các biện pháp xây dựng, duy tu bảo dưỡng nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai. Đặc biệt, đối với công trình phòng chống sét, đại biểu cho rằng tại tờ trình số 347 của Chính phủ nêu rõ, hiện nay tại nhiều địa phương đã xây dựng lắp đặt nhiều công trình chống sét. Tuy nhiên, trong luật chưa quy định, vì vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn bởi các công trình này đều chưa được phê duyệt, thẩm định về mặt thiết kế, xây dựng.
Đối với Điều 10 quy định về quỹ phòng chống thiên tai, đại biểu cho rằng hiện nay quỹ ở Trung ương đang phân bổ cho Bộ NN&PTNT, đầu mối tiếp nhận từ trong nước và các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, một số địa phương không thu được nguồn này hoặc không thành lập quỹ mà trông chờ từ Trung ương. Nghị định 94 quy định về thu và đối tượng thu quỹ phòng chống thiên tai, nhưng hiện nay đang bị vướng do chưa quy định cụ thể... Nghị định cũng quy định người lao động khác đóng 15.000 đồng/năm/người nhưng không có giải thích cụ thể ở đây về đối tượng này dẫn tới khó khăn khi thực hiện.
Trong khi đó, vấn đề công khai minh bạch nguồn quỹ này hiện nay chưa thực hiện đồng đều và thống nhất tại các địa phương. Luật quy định về thời điểm công khai việc thu nộp quỹ chậm nhất là 30 ngày nhưng gần như rất ít nơi thực hiện. Những vấn đề trên cần được cụ thể hóa trong luật sửa đổi lần này.