Đại biểu Quốc hội: 3 năm và 51 văn bản xin ý kiến, hai dự án ở Phú Thọ vẫn chưa được cấp phép đầu tư
Đây là chia sẻ của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) về thực tại triển khai hai dự án trọng điểm về xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại huyện Hạ Hòa và huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) tại phiên thảo luận hội trường sáng 4/11 về các vấn đề kinh tế xã hội.
Bước sang tuần làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, ngày 4/11, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế xã hội; Tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh của các cơ quan thuộc Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Đất đai sử dụng lãng phí, cải cách hành chính chậm chạp
Tham gia thảo luận về kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) đóng góp ý kiến về việc phải sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các quy định kinh doanh.
Theo đại biểu, hiện nay, việc khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai vẫn chưa theo kịp nhu cầu, tiềm năng và cơ hội của đời sống kinh tế - xã hội, đặt ra vấn đề lớn trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong đó có sự chuyển biến chậm ở một số ngành, lĩnh vực trong việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất, tài sản công của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn của các địa phương.
Mặc dù Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã có những chỉ đạo, yêu cầu cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của những người đứng đầu đối với diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, đất nông, lâm nghiệp được thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng, đặt đấu tranh phòng chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Song, có thực tế đáng buồn là có địa phương rất tích cực, chủ động đề xuất, triển khai các dự án để phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt với các quỹ đất này nhưng lại gặp rất nhiều rào cản, trở lực dẫn đến chưa thể khai thác tối ưu hiệu quả nguồn lực đất đai.
Để "đất khóc, người than" như trên, đại biểu cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự lùng nhùng, vướng mắc trong việc phân định phạm vi, trình tự giữa việc sắp xếp, xử lý tài sản công với việc thu hồi đất.
"Tôi tha thiết đề nghị các bộ, ngành tiếp tục xem xét giải quyết, tạo điều kiện nhanh nhất cho các địa phương được thuận lợi khai thác các quỹ đất trong phạm vi chỉ tiêu đã được phân bổ sớm, chuyển giao các cơ sở nhà đất do bộ, ngành đang quản lý nhưng không có nhu cầu sử dụng về địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vị trí đã hoang hóa hàng chục năm, trong đó có những vị trí đất của các bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ", ông Nam đề nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thành Nam cũng kiến nghị đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các quy định kinh doanh.
Đại biểu phản ánh, tỉnh Phú Thọ đang triển khai 2 dự án trọng điểm về xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại huyện Hạ Hòa và huyện Tam Nông. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các nhà đầu tư đã quan tâm khởi động dự án từ tháng 9/2018, nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu là tháng 3/2021, hoàn thiện bổ sung hồ sơ vào tháng 8/2022.
Tuy nhiên, trong quá trình xử lý hồ sơ dự án từ khi khởi động, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành 51 văn bản xin ý kiến, báo cáo giải trình gửi các bộ, ngành về thủ tục đất đai, thủ tục đấu nối giao thông, thủ tục về sắp xếp lại, xử lý tài sản công và nhiều thủ tục khác liên quan đến dự án.
"Nhưng đến nay, hồ sơ dự án trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nhà đầu tư vẫn mòn mỏi chờ đợi dẫn đến mất cơ hội đầu tư, đành tâm tư rằng "đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh", đại biểu cảm thán.
Theo ông Nam, việc trao đổi giữa các bộ, ngành rất chậm, không theo quy trình một cửa, chưa thực sự quan tâm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Trong khi theo quy định của Luật Đầu tư, tổng thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không quá 3 tháng, riêng việc lấy ý kiến các cơ quan nhà nước liên quan đến nội dung thẩm định không quá 15 ngày.
Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính để tạo sự lan truyền mạnh mẽ về đổi mới cải cách từ trung ương đến địa phương.
Đề nghị dùng cơ chế đặc thù để xử lý dự án vướng mắc
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cũng đề cập vấn đề lãng phí nguồn lực xã hội trong các dự án bị "đắp chiếu" hiện nay trên phạm vi cả nước.
"Có thể đến nay chúng ta chưa có số liệu thống kê thật sự đầy đủ về sự lãng phí trên nhưng theo tôi nghĩ con số này không dưới hàng trăm nghìn tỷ đồng", đại biểu nhấn mạnh và lưu ý, đó là con số về mặt tài chính, bên cạnh đó còn những lãng phí hệ lụy về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của đất nước, lãng phí niềm tin của nhân dân...
Lấy ví dụ, ông Thông nói về các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành và hàng trăm nghìn căn hộ xây dựng rồi bỏ trống hoặc xây dựng dở dang, đang "trơ gan cùng tuế nguyệt".
Theo đại biểu, ngay trong kỳ họp lần này Chính phủ đã trình rất nhiều nội dung nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư hay xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù để tháo gỡ các vướng mắc của các dự án đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Khánh Hòa, v.v.
Điều này thể hiện tinh thần kiến tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đại biểu mong rằng Chính phủ chỉ đạo cho các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá những dự án, những công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện nay, ví dụ những các dự án qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, các bản án, các dự án chậm do triển khai các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ trên cả nước để tháo gỡ.
"Có thể ban hành các cơ chế đặc thù thí điểm đối với một số dự án cụ thể hay ở số một số địa phương cụ thể để nhằm đánh giá và nhân rộng nhằm phát huy nguồn lực phát triển của đất nước", ông Thông đề xuất.