Đại biểu Quốc hội chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý đê điều

Đại biểu Quốc hội nêu nhiều tồn tại trong thực hiện các quy định liên quan đến đê điều, từ đó đưa ra đề xuất hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Còn bất cập trong quản lý đê điều

Sáng 22-11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đoàn Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đoàn Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đoàn Đồng Tháp cho rằng, thời gian qua, việc quản lý nhà nước ở các khu vực bãi bồi, cù lao, bãi sông rất khó khăn, bất cập, thậm chí buông lỏng nên có nhiều vi phạm xảy ra chưa được xử lý nghiêm do liên quan đến các luật khác, do e ngại, nể nang.

"Thực tế, bãi bồi, cù lao là do chính quyền xã quản lý, giao cho người dân thuê có thời hạn và mục đích sử dụng cho nông nghiệp, phi nông nghiệp. Do đó, đã có nơi bị người dân chiếm dụng xây dựng nhà dân sinh, công trình dân dụng không phép", đại biểu nêu vấn đề.

Mặt khác, ông Hòa chỉ ra rằng, việc khai thác cát, sỏi, khoáng sản trong phạm vi đê đã ảnh hưởng đến dòng chảy, gây xói mòn đê nên dự thảo luật sửa đổi phải có quy định cụ thể, tránh việc sử dụng cù lao, bãi bồi, lòng sông không an toàn cho đê. "Các quy định này cần được dễ dàng thực hiện, không bị ràng buộc bởi các luật khác, tránh tình trạng người dân tự phát sử dụng, gây khó khăn cho công tác xử lý của các cơ quan chức năng", ông Hòa nói.

Về xây dựng công trình cải tạo giao thông liên quan đến đê, đại biểu Phạm Văn Hòa tán thành dự thảo, song, cho rằng, vấn đề này cần có sự phối hợp giữa Bộ ngoài sự tổng hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường vì còn liên quan đến việc khai thác cát, sỏi, khoáng sản dưới lòng sông.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Lạng Sơn.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Lạng Sơn.

Tán thành với việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, song đại biểu Hòa cũng lưu ý qua giám sát về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đã phát hiện nhiều tổ chức sử dụng quỹ phức tạp, thu chi khó kiểm soát nên cần có quy định chặt chẽ để không phát sinh thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Tiếp mạch thảo luận về Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đoàn Lạng Sơn đề nghị cân nhắc đối với việc thành lập quỹ này tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì cần xem xét khả năng chồng chéo nhiệm vụ của Hội Chữ thập đỏ - vốn là đầu mối trong quản lý, tiếp nhận nguồn viện trợ nhân đạo.

Đề nghị đầu tư cho các công trình cấp thiết

Về công tác phòng, chống thiên tai, đại biểu Lê Quang Trí đoàn Tiền Giang, đề nghị ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ, cho rằng đây là chính sách quan trọng để thích ứng với tình hình thiên tai ngày càng diễn biến khó lường, còn Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nhiều bởi thay đổi thời tiết.

Tuy nhiên, do nguồn lực quốc gia có hạn nên đại biểu đề nghị ưu tiên xây dựng một số công trình phòng, chống thiên tai cấp thiết, nhất là đối với khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, vốn đang đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

Một đoạn đê bị sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long.

Một đoạn đê bị sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đại biểu, nhiều đoạn bờ biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở tốc độ nhanh, có nơi mỗi năm bờ biển bị sạt lở từ 20 đến 30m, có nơi "cách đây 30 năm đê biển được xây dựng cách bờ hơn một cây số nhưng nay chỉ còn đê biển và đê cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng". "Cần có nghiên cứu và giải pháp bảo vệ bờ biển một cách hiệu quả", ông Trí nói.

"Trong giai đoạn hiện nay, rất cần đầu tư xây dựng các công trình ao, hồ điều tiết nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long để ứng phó với hạn hán, chống ngập lụt, chủ động nguồn nước tưới và nguồn nước sinh hoạt, không bị động bởi các đập thủy điện trên sông Mekong", đại biểu nhấn mạnh thêm.

Cũng theo ông Trí, Việt Nam cũng nên chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong phòng chống thiên tai bởi đây là công tác khó và phức tạp đối, trong khi trên thế giới có nhiều nước có kinh nghiệm như Nhật Bản, Philippines. Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung này vào dự thảo luật.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng cần bổ sung quy định về cơ chế đặc thù đối với một số hoạt động liên quan đến khôi phục, sửa chửa các công trình hoặc xử lý phòng, chống thiên tai quy mô nhỏ trong trường hợp khẩn cấp. Ông Thành cũng đề nghị nghiên cứu các quy định ứng phó với các loại hình thiên tai khác như hạn hán, rét đậm, sương muối cho phù hợp với thực tiễn thay vì chỉ tập trung vào mưa lũ.

Quỳnh Vinh - Thiện Minh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-chi-ra-nhieu-sai-pham-trong-quan-ly-de-dieu-571018/