Đại biểu Quốc hội: Khuyến khích, tạo sức hút đầu tư cho nông nghiệp
Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai đề nghị đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết người nông dân, thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế, song lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua vẫn tồn tại nhiều bất cập, quy mô sản xuất còn manh mún, thiếu liên kết, đầu ra cho một số sản phẩm vẫn còn bấp bênh…
Vì vậy, tại phiên thảo luận trực tuyến ngày 30/10, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh đầu tư cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái.
Liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo
Đại biểu Trần Văn Sáu, Đoàn Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho biết ngành nông nghiệp gần đây đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thật sự là trụ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch vừa qua. Qua 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đã đạt 35 tỷ USD và là con số rất ấn tượng.
Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, nhìn một cách tổng thể, nhiều lĩnh vực nông nghiệp còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu gắn kết, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Do vậy, để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương phải tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân.
“Sản xuất lớn đâu nhất thiết phải tích tụ nhiều ruộng đất, chỉ cần liên kết mềm, liên kết những người nông dân trong hợp tác xã, hợp tác xã liên kết với các nhà khoa học, Nhà nước, nhà doanh nghiệp là chúng ta có thể giải được bài toán khó về cơ cấu lại nông nghiệp,” đại biểu nêu lại ví dụ của Người đứng đầu ngành nông nghiệp.
Báo cáo của Chính phủ và Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cũng nhấn mạnh sản xuất nông nghiệp chuyển hướng tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao hơn và có thị trường xuất khẩu đa dạng hơn, trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Cùng đó, năng suất lao động nông nghiệp tăng nhanh, bình quân trong giai đoạn 2016-2020 tăng 6,8% 1 năm.
Dù vậy, theo đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn Quốc hội tỉnh Đăk Nông, việc đầu tư cho ngành nông nghiệp tập trung chưa cao vào hướng tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong khi đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm nâng cao giá trị và phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông cho rằng nông nghiệp phát triển nhưng thu nhập của người nông dân, những người làm nông nghiệp còn thấp và gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chính là do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường. Các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc, quy mô, phạm vi liên kết còn ở dạng mô hình.
Hơn nữa, mô hình tăng trưởng nông nghiệp hiện nay còn chủ yếu theo chiều rộng, dựa trên mức độ thâm dụng các yếu tố vật chất đầu vào cho sản xuất và nguồn lực tự nhiên.
Do vậy, để góp phần khắc phục những hạn chế nêu trên, đại biểu Đoàn Đắk Nông đề nghị đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết người nông dân, thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực.
Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phù hợp với giá cả thị trường trong nước và quốc tế, gắn sản xuất với chế biến, chế biến sâu vào thị trường tiêu thụ...
Phát huy hiệu quả và lợi thế vùng
Hiện nay, Việt Nam là một trong số các quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu, từ đó tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp.
Nhìn từ thực tế các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn Quốc hội tỉnh Hậu Giang đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư phòng ngừa, hạn chế những tác động bất lợi của thời tiết; xây dựng các giải pháp chủ động chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, dự báo, cảnh báo sớm nhằm lựa chiều thích ứng với tự nhiên để phát triển bền vững và quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng logistics, các kho bảo quản để thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
“Nếu không đầu tư đúng mức cho dù phát triển mạng lưới giao thông liên kết vùng thì sẽ khó phát huy được những hiệu quả và lợi thế từ liên kết thương mại,” đại biểu Lê Minh Nam nêu ý kiến.
Trong khi đó, đại biểu Tô Ái Vang, Đoàn Quốc hội tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách khuyến khích thỏa đáng đối với các công trình nghiên cứu khoa học về công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch gắn với chuỗi cung ứng lạnh đồng thời có nhiều chương trình thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp đầu tư phát triển thành trung tâm dịch vụ chế biến nông sản tầm quốc tế đặt tại 5 vùng nguyên liệu trọng điểm của cả nước.
Còn theo đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Quốc hội tỉnh Kon Tum, là một nước nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh, song việc khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế còn ít.
Nguyên nhân là do nhiều nông sản trong nước được xuất khẩu dưới dạng thô, sau khi nhập về doanh nghiệp nước ngoài chế biến nên thương hiệu của họ.
Từ phân tích này, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản cho Việt Nam là vấn đề hết sức quan trọng, cần xác định rõ trong kế hoạch tái cơ cấu lần này./.