Đại biểu quốc hội muốn tận dụng Covid-19 để thúc đẩy phát triển giáo dục, y tế
Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ tâm đắc với những kết quả của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; đồng thời đề xuất nhiều vấn đề quan trọng đến Chính phủ nhiệm kỳ mới, trong đó có các vấn đề về KTXH, Văn hóa, Giáo dục…
Theo Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (đoàn TP Hồ Chí Minh), một trong những thành công lớn nhất của nhiệm kỳ này là ổn định kinh tế vĩ mô và đạt được mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế ổn định.
Nhiệm kỳ này, Chính phủ đã làm tốt cải cách về môi trường kinh doanh, thúc đẩy các vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số, tạo tư thế và sự chuẩn bị cho nền kinh tế Việt Nam bước vào thời gian mới với kinh tế số và công nghiệp 4.0 là chủ đạo.
Đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh đề nghị, về cải cách sắp tới, Chính phủ tập trung vào một số vấn đề, trong đó cần tiếp tục giữ vững và phát huy những gì đã làm được của nhiệm kỳ 2016-2021; đặc biệt là ổn định tình hình kinh tế vĩ mô và giữ mục tiêu phát triển kép.
Đồng thời, tận dụng cơ hội từ đại dịch Covid-19 để thúc đẩy nhanh hơn nữa những kết nối, ngành nghề phục vụ cho con người như: Giáo dục, y tế, công nghệ, tài chính.
Mặt khác, cần thúc đẩy cải cách từ địa phương, trong đó nhấn mạnh đến vai trò đầu tàu kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh, với xu hướng phát triển thành phố này trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, cũng như trung tâm chăm sóc sức khỏe y tế của cả nước và của khu vực.
Đây là điểm quan trọng tạo nên sự đột phá mạnh mẽ không chỉ riêng cho thành phố mà cho đất nước trong thời gian tới.
Kiến nghị với Chính phủ trong nhiệm kỳ tới, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề xuất 3 vấn đề quan trọng:
Thứ nhất, Chính phủ phải thật sự là Chính phủ điện tử, Chính phủ kiến tạo. Theo đó, cải cách hành chính phải có quy định về thời gian trả lời cho những công văn do địa phương gửi đến và có chế tài, có thư xin lỗi nếu chậm hoặc không trả lời.
Thứ hai, Chính phủ và Quốc hội đầu tư cho giao thông miền Nam như giao thông miền Bắc, đặc biệt là giao thông Đồng bằng sông Cửu Long, nơi vựa lúa và sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nhất nước.
Thứ ba, Chính phủ và Quốc hội quan tâm đến chất lượng công tác của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là trong công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ cấp chiến lược.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) kiến nghị, Chính phủ cần quan tâm, phát huy dân chủ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là dân chủ để phát huy nguồn nhân lực về trí tuệ, trọng dụng nhân tài.
“Tôi rất mừng vì Chính phủ khóa này đã chỉ đạo Bộ Nội vụ xây dựng một chiến lược phát triển nhân tài dài hơi. Tôi có bản góp ý 13 trang gửi đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tôi tin rằng, việc này sớm ban hành, sớm triển khai, với các bước đi và lộ trình thích hợp và cụ thể, để nhìn thấy rõ các quy định mạch lạc, có thể áp dụng ngay chứ không phải là những mệnh đề nằm trên giấy” – đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Cũng theo đại biểu đoàn Cà Mau, phát huy dân chủ còn là gây dựng niềm tin để nhân dân yên tâm đầu tư vào kinh tế tư nhân, tham gia vào các hoạt động kinh tế quốc dân khác. Nếu như không phát huy dân chủ, chắc chắn chúng ta sẽ không huy động được nguồn lực xây dựng đất nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn và dư địa về thu ngân sách không còn nhiều.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục củng cố các quan hệ đạo đức, văn hóa xã hội và nâng lên thành các quan hệ pháp luật. Tức là, chúng ta cần dùng biện pháp mạnh mẽ hơn, cứng nhắc hơn để lập lại trật tự đạo đức, văn hóa, xã hội từ trong gia đình, ngoài xã hội cho đến nhà trường.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn TP Hà Nội):
Chúng ta cứ nói về lễ phục, quốc phục, nhưng khi đi tiếp xúc cử tri mọi đặt vấn đề: tại sao nữ thì được mặc áo dài truyền thống, còn nam giới lại mặc comple. Trong thời gian tới, đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vấn đề này ra để báo cáo Quốc hội, báo cáo Chính phủ, dần xây dựng Luật Nghi lễ, nghi thức, quốc phục, quốc hoa. Theo đó, nam giới và nữ giới đều mặc áo ngũ thân truyền thống, kế thừa truyền thống của ông cha.