Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đề xuất giảm trần lãi suất để giảm chi phí cho doanh nghiệp
Cần xem xét giảm trần lãi suất ở hệ thống ngân hàng để giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đồng thời cần có nghị quyết riêng về biên chế và hợp đồng lao động với ngành giáo dục và ngành y tế.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Văn Lợi - Tổ trưởng Tổ 3 phát biểu đề dẫn phiên thảo luận
Đây là đề xuất của các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước tại phiên thảo luận tổ về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Văn Lợi - Tổ trưởng Tổ 3 chủ trì phiên thảo luận. Cùng tham dự có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đoàn Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, thành phố Hải Phòng.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Văn Lợi đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào các nhóm vấn đề nổi lên về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm như: tình hình lạm phát về thu chi NSNN, đầu tư công, thương mại, giáo dục đào tạo, biến đổi khí hậu, thiên tai, các hoạt động đối ngoại và một số hoạt động khác. Đặc biệt là cho ý kiến sâu về tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế Việt Nam và toàn cầu, giải pháp để phục hồi nền kinh tế.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Lợi đề nghị các đại biểu cho ý kiến xung quanh phạm vi, đối tượng, địa bàn, tính khả thi trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình...
Ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, đây là những nội dung rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới nên cần được các đại biểu xem xét, thảo luận kỹ lưỡng trước khi biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp này.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, cử tri đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19 cũng như điều hành nền kinh tế đảm bảo tăng trưởng trong bối cảnh hết sức khó khăn. Đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình với chủ trương chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020 của Chính phủ.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội đồng ý bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu. Tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỉ đồng.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ xem xét giảm trần lãi suất ở hệ thống ngân hàng để giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đại biểu Chung, việc giảm lãi suất sẽ không ảnh hưởng đến việc kiềm chế lạm phát và giảm nguồn tiền vào hệ thống ngân hàng. Vì thực tế có rất nhiều kênh tài chính tín dụng, người dân có thể thông qua hệ thống ngân hàng nhưng cũng có thể là đầu tư trái phiếu, đầu tư vốn vào các lĩnh vực khác. Như vậy, nguồn tiền đầu tư từ nhân dân không giảm, do vậy Thủ tướng cần quan tâm vì đây là cơ hội làm “mềm” đi chi phí tài chính của quốc gia.
Nêu ra thực trạng các cơ sở giáo dục đang gặp khó khăn vì thiếu giáo viên khiến cho các trường không thể tiếp nhận học sinh, một số trường trường đạt chuẩn sẽ rớt chuẩn vì số học sinh cao hơn mức quy định, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề xuất cần có Nghị quyết riêng về biên chế và hợp đồng lao động với ngành giáo dục và ngành y tế để khắc phục những tồn tại hiện nay.
Cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, đoàn Bình Phước cho rằng với những cơ chế, chính sách mà chương trình hướng tới, nhiều kỳ vọng chương trình sẽ đem lại diện mạo mới cho vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả của chương trình, đại biểu đề xuất cần phải định hướng rõ giai đoạn 10 năm. Trong vùng dân tộc thiểu số sẽ có bao nhiêu xã, bao nhiêu vùng vươn ra khỏi khu vực nghèo, khó khăn, không cần trợ giúp nữa. Tức là phải lượng hóa bằng kết quả cụ thể và giao cho địa phương phấn đấu đạt bằng được, ngoài nguồn của trung ương địa phương cũng đầu tư để đạt mục tiêu đó.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh góp ý cho chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Về kinh phí đầu tư chương trình, theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, trong điều kiện ngân sách khó khăn song Chính phủ cũng đã cân đối để phân bổ hơn 134.000 tỷ đồng cho chương trình. Con số chưa phải là lớn nhưng điều quan trọng là chúng ta phải điều hành sao cho hiệu quả trên tinh thần tích hợp các chương trình trước đây đã triển khai. “Nếu ta làm trong 10 năm khả thi thì có thể đề xuất điều tiết vốn, vì nếu giờ đưa 1 gói lớn khi sử dụng không khả thi sẽ khó khăn trong điều chuyển vốn cho các mục tiêu khác” - đại biểu Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh.
Về đối tượng điều chỉnh, đại biểu đề xuất trong 4 nhóm đối tượng, cần phân định rõ để có những chính sách hỗ trợ cụ thể, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tránh cào bằng.