Đại dịch Covid-19 ở Mỹ sẽ kết thúc thế nào? (Kỳ cuối)

Nỗ lực phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Mỹ rồi sẽ đi đến đâu, đem lại những thay đổi gì cho xã hội Mỹ và thế giới?

Mỹ sẽ khó có một cái kết đẹp với dịch Covid-19. (Nguồn: Sky News)

Những kết cục không như là mơ

Với những gì đang xảy ra trên thế giới, kể cả với một biện pháp phòng chống hoàn hảo cũng khó có thể chấm dứt đại dịch Covid-19. Chừng nào virus SARS-CoV-2 còn tồn tại thì vẫn còn đó mối đe dọa kinh hoàng của thế giới. Trung Quốc, Singapore và một số nước châu Á tưởng chừng đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng thời gian gần đây lại có số lượng ca nhiễm mới tăng vọt.

Trong điều kiện này, thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng có thể đối mặt với 3 kết cục và mỗi kết cục đều có "điểm yếu" riêng.

Kết cục đầu tiên, mọi quốc gia đồng thời ngăn chặn dịch thành công như với dịch SARS năm 2003. Nhưng điều này khó có thể xảy ra bởi mức độ lan rộng của virus corona và mỗi quốc gia có mức độ thiệt hại khác nhau, khiến cho tỷ lệ thế giới kiểm soát đồng bộ dịch Covid-19 dường như rất nhỏ.

Thứ hai, sử dụng biện pháp “miễn dịch cộng đồng” - chỉ tình trạng một cộng đồng được bảo vệ gián tiếp trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Nó sẽ xuất hiện khi một tỷ lệ lớn cộng đồng ấy đã trở nên miễn dịch với bệnh, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" cho những người chưa bị nhiễm.

Anh, Mỹ và một số nước từng nghĩ tới biện pháp này. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng chủng virus corona mới rất nguy hiểm và đến khi miễn dịch cộng đồng có tác dụng sẽ để lại hậu quả là hàng triệu người tử vong, hệ thống y tế trên toàn thế giới sụp đổ.

Kịch bản thứ ba là thế giới vừa dập các ổ dịch vừa sản xuất vaccine - phương án tốt nhất nhưng lâu dài và tốn kém. Thế giới đã thấy những “tia sáng” khi nghe tin các quốc gia có nền y tế phát triển đang điều chế các loại vaccine chống Covid-19 mới và cho kết quả ban đầu khá khả quan.

Tuy nhiên, theo ông Seth Berkley, CEO của Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng Gavi cho biết, những loại vaccine này vẫn sẽ cần 12 – 18 tháng để chứng minh sự hiệu quả và còn nhiều thời gian hơn để sản xuất hàng loạt, vận chuyển và cuối cùng là tiêm chủng cho những người cần.

Vì vậy, với toàn bộ sức lực mà Mỹ đang bỏ ra, quốc gia này vẫn sẽ phải đối mặt với Covid-19 trong ít nhất một năm hoặc lâu hơn. Ngoài ra, nếu biện pháp giãn cách xã hội tại Mỹ hiện nay có kết quả khả quan, xã hội Mỹ có thể hoạt động lại bình thường và điều đó cũng khiến nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trở lại.

Còn rất nhiều điều mà các nhà khoa học chưa biết về SARS-CoV-2 để có thể tính được chính xác khoảng thời gian giãn cách xã hội. Cho dù là chờ miễn dịch cộng đồng có tác dụng hay vaccine thì dịch Covid-19 cũng sẽ hạ nhiệt nhưng có thể không biến mất hoàn toàn.

Các nhà khoa học có thể tận dụng cơ hội này để tiếp tục phát triển các loại vaccine và thuốc mới do các chủng virus corona sẽ luôn đột biến theo thời gian. Bệnh viện cũng có thể kịp thời dự trữ các thiết bị y tế cần thiết và các nhà sản xuất thiết bị y tế cũng sẽ có thời gian để phân phối các bộ xét nghiệm virus.

Nhưng điều đó không có nghĩa Mỹ sẽ tiếp tục phải phong tỏa cho đến năm 2022. Xã hội sẽ và cần phải quay lại hoạt động bình thường. Chính vì thế, Giáo sư khoa truyền nhiễm Stephen Kissler của Đại học Harvard nhận định rằng: “Mỹ cần phải chuẩn bị thật tốt để thực hiện nhiều giai đoạn giãn cách xã hội trong tương lai gần".

Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ trong xã hội Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Những mối lo chồng chất

Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và được đánh giá là tồi tệ nhất trong những năm gần đây. Khoảng 1/5 người dân Mỹ bị mất việc, khách sạn thì vắng khách, các hãng hàng không phải hủy chuyến bay, nhà hàng và các doanh nghiệp gần như đều phải đóng cửa. Thậm chí, sự bất bình bằng giữa người thu nhập thấp và cao ở đây sẽ ngày càng gia tăng.

Trong lịch sử Mỹ, các loại dịch bệnh đã nhiều lần làm rối loạn xã hội, thế nhưng tới mức làm đảo lộn mọi thứ như thế này là điều chưa từng có tiền lệ. Những đại dịch trước đây như SARS, MERS, Ebola không ảnh hưởng mấy đến Mỹ hoặc chủ yếu giới hạn ở các nhóm người cụ thể (Zika, AIDS).

Ngược lại, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến toàn bộ nước Mỹ, làm thay đổi bản chất cuộc sống thường ngày.

Sau khi đại dịch có chiều hướng giảm thì những vấn đề về sức khỏe tinh thần là mối quan tâm tiếp theo. Những người đang mắc bệnh liên quan tới tâm lý như bệnh rối loạn lo âu hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ phải gặp khó khăn trong thời gian sắp tới.

Những người cao tuổi hay những người không có khả năng lao động sẽ càng thêm cô đơn khi sự cách ly xã hội kéo dài thêm. Người Mỹ gốc Á thì bị kì thị khi Tổng thống Trump liên tục gọi virus corona là "virus Trung Quốc". Các sự cố bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em có khả năng tăng đột biến khi nạn nhân buộc phải ở trong những ngôi nhà không an toàn.

Ngoài ra, sau đại dịch những người hồi phục sẽ có thể bị xa lánh và kỳ thị giống như những bệnh nhân của dịch Ebola, SARS và HIV. Những người phải chịu cách ly để chữa bệnh trong thời gian dài sẽ mang theo trải nghiệm này và có thể biến thành vết sẹo lớn nhất của cuộc đời.

Những người sống sót qua các đại dịch trong quá khứ từ lâu đã cảnh báo rằng Mỹ đang bị mắc kẹt trong vòng tròn của sự hoảng loạn và thiếu sự quan tâm. Sau mỗi đợt khủng hoảng như bệnh than, SARS, cúm, Ebola..., Chính phủ đã đầu tư và thực hiện những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất.

Thời gian trôi qua, những mối lo mờ dần và ngân sách đầu tư cũng từ đó mà vơi đi.

Ánh sáng cuối đường hầm

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể mơ về một thế giới tốt đẹp hơn, khi các cộng đồng đã tìm ra những cách mới để sát cánh bên nhau, ngay cả khi họ không thể nói chuyện mặt đối mặt. Ở một khía cạnh khác, dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen vệ sinh cá nhân hàng ngày của nhiều người như rửa tay trong vòng 30 giây, tăng cường tập thể dục thể thao...

Đại dịch còn là chất xúc tác làm xã hội thay đổi theo chiều hướng tích cực. Người dân, doanh nghiệp và các tổ chức đã nhanh chóng kêu gọi mọi người thay đổi cách làm việc như làm việc tại nhà, tổ chức họp trực tuyến, cân bằng giữa công việc và gia đình...

Từng cá nhân cũng cần phải có suy nghĩ thấu đáo, đồng lòng vì việc chung chứ không ích kỷ chỉ nghĩ tới bản thân.

Theo Fox News, ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận được mức tín nhiệm cao nhất kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng với 49% mặc cho Mỹ đang phải chiến đấu với dịch bệnh Covid-19.

Có nhiều lý do để tin rằng, Mỹ sẽ những sự thay đổi về chính sách mang tính triệt để và dài hơi hơn. Sau sự kiện ngày 11/9, thế giới tập trung vào chống khủng bố. Nhưng sau Covid-19, sự chú ý có thể chuyển sang bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, dịch bệnh này sẽ buộc ngành y tế Mỹ phải chủ động hơn trong việc chuẩn bị mọi thứ.

Đó có thể là sự gia tăng đầu tư mạnh mẽ vào ngành virus học và vaccine học, số lượng sinh viên đăng ký học ngành y hay tăng cường sản xuất các thiết bị y tế thiết yếu.

Cùng với đó, đây cũng sẽ là bài học cho nước Mỹ về việc thực hiện các chính sách lao động công bằng và một hệ thống chăm sóc sức khỏe ổn định và bình đẳng.

Hy vọng rằng sẽ có sự thay đổi trong nhận thức của thế giới về các dịch bệnh nguy hiểm và các vấn đề liên quan đến đại dịch sẽ được ưu tiên trong các chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Những thay đổi như vậy sẽ khiến thế giới có sự chuẩn bị tốt hơn cho những đại dịch tiếp theo. Mỹ cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, người dân Mỹ sẽ hướng ngoại nhiều hơn và quan tâm xã hội theo đó cũng nhiều hơn.

Tất cả những điều này có thể khiến cho người dân Mỹ và thế giới tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn, khi Mỹ tiếp tục thể hiện vai trò đi đầu trong mọi vấn đề của thế giới. Liệu sau cuộc bầu cử tháng 11/2020, Mỹ sẽ không còn sử dụng đến khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" nữa, dần dần chuyển đổi từ chủ nghĩa bảo hộ thành thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Tiếp đó, Mỹ sẽ đẩy mạnh các khoản đầu tư ổn định và tập trung xây dựng bộ máy y tế hoàn hảo từ chính sách đến con người; Y tế công cộng trở thành trọng tâm của chính sách đối ngoại Mỹ.

Cuối cùng, Mỹ sẽ dẫn đầu một quan hệ đối tác toàn cầu mới nhằm tập trung vào giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống như đại dịch và biến đổi khí hậu.

Rồi giả sử vào năm 2030, một loài virus mới mang tên SARS-CoV-3 xuất hiện và Mỹ cùng toàn bộ thế giới sẽ ngăn chặn chỉ trong vòng một tháng. Đó là kịch bản đẹp nhất mà hầu như thế giới đều mong ước có thể thành thật khi mà những giá trị tốt đẹp nhất của toàn cầu hóa vẫn còn tồn tại.

Quang Hải

Quang Hải

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-dich-covid-19-o-my-se-ket-thuc-the-nao-ky-cuoi-113591.html