Đại học Harvard suy yếu chưa từng có

Cựu sinh viên Đại học Harvard cho rằng trường đang đối mặt với hàng loạt thách thức và rơi vào tình trạng suy yếu chưa từng có.

 Đại học Harvard lao đao vì bê bối xảy ra suốt 3 tháng qua. Ảnh: Bluerock Design.

Đại học Harvard lao đao vì bê bối xảy ra suốt 3 tháng qua. Ảnh: Bluerock Design.

Đại học Harvard - một trong những cơ sở giáo dục đại học danh giá bậc nhất thế giới - mất gần 400 năm để xây dựng thương hiệu. Thế nhưng, ngôi trường này chỉ mất 3 tháng để khiến danh tiếng bị ảnh hưởng và rơi vào loạt ghi vấn từ dư luận.

Từ bê bối bài Do Thái cho đến vụ hiệu trưởng vạ miệng, cùng những nghi vấn hiệu trưởng đạo văn, những điều này khiến ngôi trường gần 400 năm tuổi hứng chịu sự chỉ trích gay gắt từ các chính trị gia, nhà tài trợ và sinh viên.

Nhà tài trợ tuyên bố dừng quyên góp tiền cho đến khi Harvard giải quyết hết bê bối, thậm chí ngôi trường từng coi Harvard như anh em suốt 10 năm qua cũng tuyên bố "từ mặt".

 Hiệu trưởng Claudine Gay bị chỉ trích vì vạ miệng và đạo văn. Ảnh: New York Times.

Hiệu trưởng Claudine Gay bị chỉ trích vì vạ miệng và đạo văn. Ảnh: New York Times.

"Harvard chưa bao giờ suy yếu như vậy"

Bàn về những bê bối gần đây của Đại học Harvard, Sam Lessin, cựu sinh viên Harvard, đồng thời là cựu Giám đốc điều hành của Facebook, nói với CNN rằng ông thấy trường đại học này "chưa bao giờ suy yếu như vậy".

Theo ông Lessin, Hiệu trưởng Claudine Gay đang thể hiện sự yếu kém của bản thân trong vai trò của một lãnh đạo trường đại học. Ngoài ra, Harvard Corporation cũng cho thấy họ đang làm truyền thông rất kém.

Để củng cố quan điểm của mình, ông Lessin chỉ ra sự sụt giảm đáng kể về số lượng đơn đăng ký vào Đại học Harvard, đồng thời nêu rằng khi trò chuyện với các phụ huynh, ông thấy những phụ huynh này đều có một băn khoăn là có nên cho con học Harvard hay không.

"Tôi thực sự rất buồn. Tôi tin tưởng và rất yêu Harvard, nhưng bây giờ trường đang không ổn", ông Lessin bày tỏ.

Bị chỉ trích vì loạt bê bối xảy ra chỉ trong 3 tháng, Đại học Harvard còn phải hứng chịu thêm "trận đòn" mới vào tuần trước khi tỷ phú người Do Thái Len Blavatnik - người đã tài trợ ít nhất 270 triệu USD cho Đại học Harvard - tuyên bố ông và vợ sẽ ngừng tài trợ cho trường cho đến khi trường giải quyết xong các cáo buộc phân biệt chủng tộc, bài Do Thái.

Cùng với đó, trường Kinh doanh Lauder ở Vienna (Áo) cũng tuyên bố từ mặt Harvard, cụ thể là rút khỏi mạng lưới kinh tế vĩ mô của GS Michael Porter tại Đại học Harvard. Nhà trường đưa ra động thái này để thể hiện rõ trường đứng về phía những sinh viên Do Thái.

 Bà Claudine Gay đang đối mặt với làn sóng tẩy chay từ các nhà lập pháp, nhà tài trợ, cựu sinh viên... Ảnh: NYPost.

Bà Claudine Gay đang đối mặt với làn sóng tẩy chay từ các nhà lập pháp, nhà tài trợ, cựu sinh viên... Ảnh: NYPost.

Thất bại của Hội đồng Harvard

Tiếp tục nói về cáo buộc đạo văn của Hiệu trưởng Claudine Gay, Sam Lessin nói rằng đây là vụ việc khá nghiêm trọng và đáng xấu hổ đối với Đại học Harvard. Ông đặt câu hỏi tại sao Harvard Corporation không phát hiện vấn đề đạo văn trước khi tuyển dụng và đưa bà Gay lên làm hiệu trưởng.

Ông Lessin ví vụ việc lần này của Đại học Harvard cũng giống như chuyện nhiều nhà đầu tư và người nổi tiếng đầu tư vào sàn giao dịch FTX mà không kiểm tra kỹ lưỡng. Kết quả là nhiều người mất trắng khi sàn này sụp đổ vào tháng 11/2022.

"Chính Harvard Corporation chọn bà Gay làm hiệu trưởng, đây thực sự là thất bại của họ", ông Lessin nêu quan điểm.

Tuy nhiên, không phải cả thế giới đều quay lưng với Đại học Harvard và bà Claudine Gay. CNN đã thử phỏng vấn một số chuyên gia và nhận được hàng loạt quan điểm trái chiều về việc nữ hiệu trưởng đạo văn. Một số chuyên gia nói bà Gay cần phải chịu hình phạt, nhưng cũng có người cho rằng điều đó không cần thiết.

Dù vậy, những chuyên gia này đều thống nhất một ý kiến chung là bà Gay không nên bị sa thải hoàn toàn, đồng thời lưu ý rằng rất hiếm khi xảy ra trường hợp học giả hoặc sinh viên bị sa thải/đuổi học vì đạo văn.

Bà Claudine Gay đang phải đối mặt với hàng loạt lời kêu gọi buộc phải từ chức từ các nhà tài trợ và nhà lập pháp, nhưng từ đầu tháng 12/2023, bà cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từng hàng trăm giảng viên. Những người này đã ký đơn gửi đến Hội đồng Harvard, bày tỏ nguyện vọng muốn bà Gay tiếp tục làm hiệu trưởng.

Thái An

Nguồn Znews: https://znews.vn/dai-hoc-harvard-suy-yeu-chua-tung-co-post1452154.html