Đại học Huế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước

Sau khi tổ chức lại vào năm 1994, Đại học Huế (ĐHH) trở thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung và cả nước; là một phần tinh hoa của văn hóa Huế, cái nôi nuôi dưỡng trí tuệ và tài năng.

 Trao giải nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2023 cho nhà khoa học nữ ĐHH

Trao giải nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2023 cho nhà khoa học nữ ĐHH

Cái nôi đào tạo nhiều nhân tài

ĐHH tiền thân là Viện đại học Huế thành lập vào tháng 3/1957 và được tổ chức lại vào năm 1994 theo Nghị định số 30/CP ngày 4/4/1994 của Chính phủ. Sau 30 năm tái thành lập, ĐHH đã đào tạo và cấp bằng cho khoảng 320.265 bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, cử nhân; gần 24.230 thạc sĩ và 678 tiến sĩ.

ĐHH tiên phong thực hiện tái cấu trúc ngành nghề, đổi mới căn bản và toàn diện chương trình nâng cao chất lượng đào tạo. Trước tiên phải kể đến việc mở mã ngành đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội hiện tại và tương lai; các ngành có tính liên thông ngang và dọc, tạo điều kiện cho người học học liên thông hay học cùng lúc hai văn bằng; các ngành thuộc khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ mới, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, dịch vụ, du lịch và chăm sóc sức khỏe, khoa học về biển đảo, công nghiệp chíp bán dẫn...

Từ năm 2019 đến nay, ĐHH mở 15 ngành trình độ đại học, 10 ngành trình độ thạc sĩ, 5 ngành trình độ tiến sĩ theo định hướng trên. Hiện tại, ĐHH có 18 ngành đào tạo các trình độ từ đại học đến tiến sĩ liên quan đến công nghiệp chíp bán dẫn. Đến nay, ĐHH có 20% chương trình đào tạo đại học đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc gia và tiêu chuẩn khu vực (AUN-QA).

ĐHH đổi mới toàn diện chương trình đào tạo theo hướng tích hợp dựa trên năng lực, triển khai xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO (Conceive-Design-Implement Operate), gắn với việc chuẩn hóa đầu ra. Đồng thời, hoàn thiện nội dung chương trình, đảm bảo không gian làm việc kỹ thuật CDIO để tăng cường phương pháp học chủ động, học tích cực, học trải nghiệm, tăng cường thời gian thực hành và tự học của sinh viên. Các hoạt động đào tạo, kết hợp với thực hành tại doanh nghiệp với thời gian từ 6-9 tháng để ra trường sinh viên được tuyển dụng sớm. Tỷ lệ việc làm của sinh viên sau một năm tốt nghiệp tương đối cao trên 80%, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Đi trước đón đầu xu thế

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc ĐHH chia sẻ, ĐHH luôn quan tâm, tạo điều kiện để thúc đẩy, triển khai và hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐHH. Theo đó, thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, đầu tư hình thành không gian làm việc chung (Co-working space), tổ chức các khóa đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cán bộ, giảng viên, sinh viên các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Từ năm 2018, ĐHH đã đi trước đón đầu xu thế khi các chuyên gia công nghệ thông tin và đội ngũ giảng viên xây dựng phần mềm dạy trực tuyến. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đảm bảo nguyên tắc “Không đến trường nhưng không dừng học”, ĐHH nhanh chóng chuyển sang triển khai dạy học trực tuyến, và là một trong số ít các cơ sở giáo dục đại học sớm triển khai dạy học theo hình thức này. ĐHH cũng là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trong cả nước tổ chức chấm luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, lễ tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến. Sau hai năm thực hiện, ĐHH từng bước hoàn thiện phần mềm, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, đánh giá và mở rộng ra cho tất cả các hệ đào tạo.

ĐHH là cơ sở tiên phong trong chuyển đổi số, đồng hành với tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần xây dựng thành phố Huế thành đô thị thông minh, giúp tỉnh dần trở thành địa phương nằm trong nhóm đầu của cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, có các ứng dụng hữu ích như quản lý xã hội, môi trường, y tế, giáo dục, du lịch… đáp ứng “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ.

ĐHH thu hút một số lượng tương đối lớn lưu học sinh người nước ngoài đến học tập các trình độ đại học, cao học và nghiên cứu sinh (Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào… ). Hiện nay, 17 chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học với các đối tác Áo, Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Belarus, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Phần Lan và Aillen… đã và đang được thực hiện tại ĐHH và 27 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.

Bắt đầu từ năm 2018, ĐHH chủ trương thành lập các “nhóm nghiên cứu mạnh”. Theo đó, đã có 80 nhóm nghiên cứu mạnh được công nhận, đã ký hợp đồng đặt hàng với 60 nhóm, hỗ trợ tổng kinh phí 19,5 tỷ đồng và tạo điều kiện để thúc đẩy công bố quốc tế, đào tạo nghiên cứu sinh và phát triển các chương trình, dự án chuyên ngành và liên ngành. ĐHH đang xây dựng 2 nhóm nghiên cứu để đăng ký nhóm nghiên cứu mạnh quốc gia…

Với xếp hạng QS Asia, ĐHH liên tục có mặt trong top các trường đại học châu Á, trong đó top 351 vào năm 2023, 2024. Năm 2019, ĐHH là một trong những đại học Việt Nam được THE (Time Higher Education) khuyến nghị sinh viên nước ngoài nên theo học. Năm 2023 và 2024, ĐHH là 1 trong 6 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được xếp trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới với vị trí 1501+. THE cũng đã công bố xếp hạng đại học thế giới theo các lĩnh vực khoa học năm 2024. Trong số 11 lĩnh vực, ĐHH được xếp hạng ở 4 lĩnh vực, tăng 3 lĩnh vực so với THE năm 2023. Đặc biệt, trong lần đầu tiên được xếp hạng ở lĩnh vực Lâm sàng và Sức khỏe, ĐHH đã có được thứ hạng chính thức 801-1000.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/dai-hoc-hue-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-cua-ca-nuoc-147593.html