Đại hội đồng Liên Hợp Quốc yêu cầu Nga dừng chiến dịch ở Ukraine

Ngày 24.3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc yêu cầu Nga lập tức ngừng hoạt động quân sự ở Ukraine.

Theo hãng tin AFP, nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine được 140 trong số 193 thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) bỏ phiếu ủng hộ. 5 thành viên bỏ phiếu chống gồm Nga, Belarus, Syria, Triều Tiên và Eritrea. 38 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Nghị quyết được Ukraine đệ trình tại phiên họp khẩn của Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ, hôm 23.3, trong đó yêu cầu Nga "lập tức dừng các hành động chống lại Ukraine, đặc biệt là những cuộc tấn công nhằm vào dân thường và mục tiêu dân sự".

Ngoài nội dung yêu cầu Nga dừng chiến dịch ở Ukraine, nghị quyết đề nghị các bên thiết lập cơ chế tiếp nhận viện trợ, bảo vệ dân thường ở Ukraine và cảnh báo tình huống nhân đạo "thảm khốc" tại Ukraine.

Cũng trong ngày 23.3, Nga cũng đã đệ trình một nghị quyết lên Hội đồng Bảo an LHQ về "tình hình nhân đạo" ở Ukraine nhưng nghị quyết không được thông qua bởi trong 15 phiếu chỉ có 02 phiếu thuận của Nga và Trung Quốc.

Nghị quyết do Ukraine và một số nước phương Tây đệ trình nhận được 140 phiếu ủng hộ. Ảnh: Reuters

Nghị quyết do Ukraine và một số nước phương Tây đệ trình nhận được 140 phiếu ủng hộ. Ảnh: Reuters

Cuộc bỏ phiếu được tiến hành ba tuần sau khi Đại hội đồng LHQ thông qua một nghị quyết không ràng buộc tương tự khác hôm 2.3, trong đó yêu cầu Nga "lập tức ngừng sử dụng vũ lực với Ukraine". Nghị quyết này đã được 141 quốc gia ủng hộ.

Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không mang tính ràng buộc, cũng như không ảnh hưởng đến tình hình chiến sự tại Ukraine. Tuy nhiên, các nghị quyết được kỳ vọng thúc đẩy các bên đối thoại có kết quả thực chất và sớm tiến tới đạt được giải pháp hòa bình cho Ukraine.

Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho rằng nghị quyết phản ánh một chiều những gì đang xảy ra, không đề cập nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield khẳng định nghị quyết được thông qua đã thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế chống lại cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine.

Mỹ muốn có thêm kênh liên lạc trực tiếp với Nga về vấn đề Ukraine

Đại sứ Mỹ tại Moskva, Liên bang Nga, John Sullivan cho biết Washington muốn có thêm một kênh liên lạc trực tiếp với Bộ Quốc phòng Nga để xử lý những vấn đề xảy ra bất ngờ trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Đại sứ Mỹ tại Liên bang Nga John Sullivan và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty

Đại sứ Mỹ tại Liên bang Nga John Sullivan và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty

Phát biểu trên báo Novaya Gazeta ngày 24.3, Đại sứ Sullivan cho rằng một đường dây nóng khẩn cấp giữa Mỹ và Nga, vốn được thiết lập từ thời Chiến tranh Lạnh để ứng phó với một cuộc xung đột hạt nhân bất ngờ nếu có, vẫn đang hoạt động.

Tuy nhiên, ông hy vọng sẽ có thêm một kênh liên lạc trực tiếp nữa giữa hai nước liên quan đến vấn đề Ukraine, đặc biệt là với lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Theo ông Sullivan, thực tế là trước đó đã có một kênh liên lạc tương tự như vậy giữa quân đội Mỹ và Nga về ngăn ngừa xung đột ở Syria.

Đại sứ Sullivan cũng khẳng định Mỹ không muốn cắt đứt quan hệ với Nga hay đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại Moskva, đồng thời bày tỏ hy vọng hai nước sẽ nối lại quan hệ bình thường.

Liên quan vấn đề Ukraine, theo hãng tin AFP, cả Ukraine và Nga ngày 24.3 xác nhận hai bên đã tiến hành trao đổi tù binh, trong đó Kiev cho rằng đây là cuộc trao đổi tù binh chính thức đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk, mỗi bên đã trao đổi 10 tù binh. Bà Vereshchuk cho biết thêm ngoài ra, Ukraine cũng đã trao trả 11 thủy thủ Nga để đổi lấy 19 thủy thủ Ukraine bị phía Nga bắt giữ.

Phía Nga cũng đã xác nhận việc trao đổi tù binh và thủy thủ giữa nước này và Ukraine. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga cho biết hồi đầu tuần này, Nga và Ukraine đã thực hiện 2 cuộc trao đổi tù binh.

Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)

L.H

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dai-hoi-dong-lien-hop-quoc-yeu-cau-nga-dung-chien-dich-o-ukraine-34247.html