Đài Loan đã chuẩn bị đầy đủ để 'dùng vũ lực chống vũ lực'?
Hai lần mua vũ khí, liên tiếp tập trận chống Trung Quốc đại lục tấn công và thông báo tăng mạnh ngân sách quân sự năm 2021, chính quyền bà Thái Anh Văn có vẻ thực sự muốn chống đến cùng ý đồ 'thống nhất' của Đại lục.
Một số người nói hai bên eo biển hiện đã bước vào "trạng thái nửa chiến tranh". Đó dường như là một nhận định không sai; tuy nhiên, liệu có phải Đài Loan đã thực sự chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống?
Trang tin Đa Chiều (Dwnews), ngày 30/10 đăng bài viết “‘Dĩ vũ cự thống’ đang rõ dần, liệu có phải bà Thái Anh Văn đã chuẩn bị xong?” (Dĩ vũ cự thống: dùng vũ lực để ngăn chặn thống nhất). Bài báo viết, kể từ khi bà Thái Anh Văn tái đắc cử, quan hệ hai bờ eo biển tiếp tục tiếp tục xấu đi theo xu hướng nhiệm kỳ đầu tiên. Đặc biệt khi chính quyền ông Donald Trump và Bắc Kinh gần như ở vào tình trạng đối đầu toàn diện, thì yêu cầu cùng nhau "chống Trung Quốc" đã khiến chính quyền bà Thái Anh Văn chủ động chấp nhận "thiện chí" của chính quyền ông Donald Trump và tích cực "tham gia" vào cuộc đối đầu Trung - Mỹ.
Phản ứng của Bắc Kinh có liên quan chặt chẽ đến mối quan hệ giống như tuần trăng mật giữa Mỹ và Đài Loan. Nhờ sự ủng hộ của chính quyền ông Trump, bà Thái Anh Văn đã dứt khoát phủ nhận "thống nhất" và thậm chí cả "sự đồng thuận năm 1992", phá vỡ "hiện trạng" ở hai bên eo biển. Trong bối cảnh đó, người ta thấy phản ứng của Bắc Kinh ngày càng trở nên gay gắt. Kể từ tháng 6/2020 đến nay, quân đội Trung Quốc (PLA) hầu như tháng nào cũng tổ chức các cuộc tập trận riêng hoặc phối hợp nhiều quân binh chủng. Các chủ đề tập trận cũng mang tính đối kháng mạnh với các nội dung liên quan như dùng hỏa lực chế ngự từ xa và đổ bộ đánh chiếm đảo, tác chiến trên đường phố.
Đài Loan tíen hành diễn tập "Hán Quang" chống Đại lục tấn công (Ảnh: AP).
Tất nhiên, cả Mỹ và Đài Loan đều không tỏ ra thua kém. Trong khi Bắc Kinh thực hiện hành động đáp trả quân sự, thì tần suất các máy bay trinh sát, biên đội tàu sân bay, tàu khu trục và tàu ngầm của Mỹ tuần tra gần bờ biển phía đông nam Trung Quốc đã tăng mạnh.
Chính quyền của bà Thái Anh Văn cũng dường như đã nhìn thấy một cơ hội trời cho, mạo hiểm tận dụng những thay đổi trong quan hệ Trung-Mỹ để trục lợi. Ví dụ, trong vấn đề mua bán vũ khí. Ngày 26/10, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ bán 100 hệ thống tên lửa bờ chống hạm Harpoon cho Đài Loan với tổng giá trị tới 2,37 tỉ USD. Đây là lần thứ hai trong một tuần và là lần thứ tư kể từ đầu năm 2020, việc bán vũ khí cho Đài Loan được Mỹ thực hiện. Chỉ riêng trong thương vụ bán vũ khí vào ngày 21/10, Đài Loan đã nhận được trong một lần mua số lượng vũ khí lớn bao gồm Hệ thống pháo phản lực đa nòng phóng loạt cơ động cao HIMARS, tên lửa tấn công mặt đất tầm xa AGM-84H (SLAM-ER) và thùng trinh sát cảm biến truyền dữ liệu ảnh theo thời gian thực (MS-110) trang bị cho máy bay F-16 trị giá 1,8113 tỉ USD.
Đánh giá từ tổng số 102 vụ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan được liệt kê trên Wikipedia kể từ khi Mỹ-Đài Loan cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1979, quy mô mua vũ khí thực sự đã giảm xuống kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền, tuy quy mô bán vũ khí có thu hẹp, nhưng cả về tần suất và tính chất tấn công đều đáng chú ý hơn nhiều so với thời kỳ ông Mã Anh Cửu, người của Quốc Dân Đảng nắm quyền.
Bà Thái Anh Văn trong trang phục dã chiến tham dự diễn tập (Ảnh: Dwnews).
Trên thực tế, đằng sau sự thay đổi này tất nhiên là chính quyền của ông Trump đang cố tình thúc đẩy nó. Vào năm 2019, Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) đã công bố bối cảnh ký kết Thông cáo chung ngày 17/8 giữa Trung Quốc và Mỹ về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan - một bản ghi nhớ được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan sử dụng để thuyết phục Quốc hội khi ông cầm quyền .
Trong bản ghi nhớ này, ông Reagan tuyên bố rằng “việc Mỹ sẵn sàng đồng ý giảm bán vũ khí cho Đài Loan hoàn toàn dựa trên điều kiện tiên quyết Trung Quốc tiếp tục cam kết giải quyết hòa bình những khác biệt giữa Đài Loan và Trung Quốc”. Nói cách khác, một khi Trung Quốc đại lục thay đổi phương án "giải quyết hòa bình", thì Mỹ sẽ không có nghĩa vụ phải tiếp tục hạn chế bán vũ khí cho Đài Loan.
Tất nhiên, thực tế này là không thể có, chưa kể các điều kiện cho một giải pháp hòa bình đã thay đổi và sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc không thể được hiểu đơn giản là một mối đe dọa đối với hiện trạng của Đài Loan.
Việc mua vũ khí Mỹ phải chịu nhiều ràng buộc khác nhau. Đài Loan đã luôn tìm kiếm việc tự sản xuất vũ khí. Cụ thể, bà Thái Anh Văn lên nắm quyền và đã lập ngân sách để thúc đẩy tự sản xuất tàu ngầm. Ý định này khá rõ ràng.
Mặc dù chi tiêu quân sự của chính quyền Thái Anh Văn ổn định ở mức hơn 1,9% GDP trong mấy năm qua, nhưng những nỗ lực của chính bà trong việc chế tạo tàu ngầm có thể nói là đã tăng lên nhanh chóng. Theo dữ liệu từ cơ quan Quốc phòng Đài Loan, ngân sách năm 2016 cho chế tạo tàu ngầm chỉ là 510 triệu Đài tệ (1 Đài tệ là khoảng 0,035 USD), đến năm 2019, con số này đã tăng lên 11,03 tỉ Đài tệ, tăng gấp hơn 20 lần.
Đồng thời, trước đó, văn phòng của bà Thái Anh Văn đã công bố dự toán ngân sách cho năm 2021 cho thấy ngân sách năm của cơ quan quốc phòng cộng với ngân sách đặc biệt để mua máy bay chiến đấu mới và quỹ đặc biệt phi doanh nghiệp đạt tổng cộng là 453,4 tỉ Đài tệ, hay 15,42 tỉ USD. Trong đó, cơ quan quốc phòng có ngân sách 366,8 tỉ Đài tệ, tăng 15,6 tỉ Đài tệ so với năm 2019; ngân sách mua sắm máy bay chiến đấu là 29 tỉ Đài tệ và quỹ đặc biệt phi doanh nghiệp là 57,6 tỉ Đài tệ; tổng cộng chiếm 2,4% GDP của Đài Loan vào năm 2019.
Bà Thái Anh Văn tiếp đoàn Atlantic Council, bày tỏ cám ơn Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan (Ảnh: Dwnews).
Ngoài ra, để đối phó với sự leo thang các hoạt động quân sự của Trung Quốc đại lục, chính quyền của bà Thái Anh Văn một mặt giám sát và ứng phó chặt chẽ; mặt khác đã tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và xác định “cuộc tấn công đầu tiên” là “quyền phản kích tự vệ”. Gần đây, các cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu của quân đội Đài Loan liên tục diễn ra, trọng điểm là "bảo toàn sức mạnh chiến đấu", nghĩa là thông qua các phương tiện và biện pháp phòng tránh, ngăn chặn quân đội và vũ khí, trang thiết bị bị các cuộc tấn công của kẻ thù phá hủy và đạt được hiệu quả "bảo vệ được sức chiến đấu". Nói rõ hơn, là chống lại được đợt tấn công đầu tiên của PLA.
Nhìn từ dài hạn đến ngắn hạn, chính quyền của bà Thái Anh Văn đã chuẩn bị phần cứng như vậy liệu có phải “chiến đấu đến cùng” được với Đại lục? Việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan chắc chắn sẽ gặp vấn đề về thời gian giao hàng và phương thức giao hàng. Kế hoạch tự chế tạo vũ khí của Đài Loan cũng không được như Trung Quốc đại lục gần đây.
Đa Chiều cho rằng, từ tình hình hiện nay, Đại lục khó có thể cho phép Đài Loan chuẩn bị vũ khí hay trốn tránh, ẩn nấp để phản kích lại!