Đại sứ Bắc Kinh tại Mỹ nói về 'sự xói mòn dân chủ' ở Hong Kong
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói rằng những lo ngại về 'sự xói mòn nền dân chủ' tại Hong Kong là 'hoàn toàn không cần thiết'.
Ngày 14-3, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho rằng những lo ngại về "sự xói mòn nền dân chủ" tại Hong Kong là “hoàn toàn không cần thiết”, theo tờ South China Morning Post.
Phát ngôn của ông Thôi được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước chỉ trích nỗ lực thắt chặt quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với vùng lãnh thổ này.
Trước đó, Quốc hội Trung Quốc hôm 11-3 đã thông qua các điều khoản cải cách bầu cử ở Hong Kong, trong đó nêu rõ chỉ những "người yêu nước" mới có thể điều hành thành phố.
“Quyết định của Quốc hội Trung Quốc sẽ mang lại một hệ thống bầu cử mới phù hợp với thực tế của Hong Kong và phản ánh lợi ích chung của xã hội” - theo lời ông Thôi.
“Nguyên tắc 'những người yêu nước quản lý Hong Kong' không có nghĩa là chúng tôi sẽ loại bỏ sự đa dạng. 'Những người yêu nước' bao gồm một phạm vi rộng lớn và chúng tôi luôn có tư tưởng rộng rãi đối với những người có quan điểm chính trị khác nhau" - ông Thôi nói thêm.
Ông Thôi nói rằng những lo ngại về những thay đổi là "khó hiểu".
“Trong trường hợp của Hong Kong, các thế lực bên ngoài tiếp tục tiếp sức cho những kẻ bạo loạn và những kẻ đứng sau. Bằng cách cải thiện hệ thống bầu cử, chúng tôi có thể loại bỏ những rủi ro như vậy và lấp lỗ hổng thể chế nhằm đảm bảo sự ổn định của Hong Kong” - ông Thôi nhấn mạnh.
Ông cũng lập luận rằng: “Cũng đã có những lo ngại rằng nền dân chủ của Hong Kong sẽ bị xói mòn, điều này là hoàn toàn không cần thiết. Nền dân chủ đơn giản là không tồn tại ở Hong Kong trong suốt hơn 150 năm thuộc địa của vùng lãnh thổ này, và chỉ mới được thiết lập kể từ khi được trao trả cho Trung Quốc, điều này đã mang lại cho người dân Hong Kong những quyền dân chủ mà họ chưa từng được hưởng trước đây”.
Theo South China Morning Post, Bắc Kinh đã cáo buộc "các thế lực bên ngoài" can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong kể từ khi các cuộc biểu tình xảy ra và đã sử dụng nó như một lời biện minh cho việc đưa luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong hồi năm 2020.
Trong khi các quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục bảo vệ những thay đổi này, Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu, Úc, New Zealand và nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đều bày tỏ quan ngại hoặc trực tiếp lên án động thái này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả đây là một "cuộc tấn công vào nền dân chủ" và "cuộc tấn công trực tiếp vào quyền tự trị, quyền tự do và các tiến trình dân chủ của Hong Kong".
Trước đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm 13-3 tuyên bố Trung Quốc đang trong “tình trạng liên tục không tuân thủ” Tuyên bố chung Anh - Trung năm 1984, chỉ trích quyết định của Bắc Kinh nhằm hạn chế việc tham gia hệ thống bầu cử tại Hong Kong.
Nhóm G7 ngày 12-3 cũng đã ra tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các cam kết của mình ở Hong Kong và chấm dứt "sự áp bức" đối với các nhà hoạt động dân chủ tại đây.
Đại sứ quán Trung Quốc tại London sau đó đã ra tuyên bố công kích những lời chỉ trích của Ngoại trưởng Raab và nhóm G7.
“Các chính trị gia có liên quan từ các quốc gia và nhóm nói trên, bao gồm cả Anh, đã nhầm lẫn giữa đúng sai, bôi nhọ Trung Quốc một cách vô căn cứ, và ngang nhiên can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Phía Trung Quốc bày tỏ thái độ lên án mạnh mẽ và phản đối cứng rắn” - vị đại sứ tuyên bố.
"Anh không có chủ quyền, quyền tài phán hoặc quyền 'giám sát' đối với Hong Kong sau khi đã bàn giao, và Anh không có cái gọi là 'nghĩa vụ' đối với công dân Hong Kong" - tuyên bố nêu rõ.
Tình hình chính trị - xã hội Hong Kong là một vấn đề nóng trong năm 2020. Trung Quốc đã thông qua luật an ninh dành riêng cho Hong Kong, dấy lên sự phản đối của phương Tây và một bộ phận người dân đặc khu vì cho rằng luật mới sẽ làm xói mòn tiến trình dân chủ ở vùng lãnh thổ này.