Đại sứ EU: Lụt lội đô thị chỉ là phần ngọn của vấn đề

Trao đổi với Zing, Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans cho hay câu chuyện lụt lội chỉ là phần ngọn của biến đổi khí hậu. EU đã đưa ra một số công cụ để cùng ASEAN giải quyết vấn đề.

Đại sứ EU tại ASEAN, ông Igor Driesmans, không còn xa lạ với cảnh lụt, nhất là lụt trong thành phố.

“Hiện nay, tôi sống ở Jakarta và chúng tôi gặp lụt gần như mỗi tháng một lần”, ông Driesmans kể với Zing hôm 3/6. "Tôi là người Bỉ. Năm ngoái, chúng tôi cũng phải chứng kiến những trận lũ lớn chưa từng có kể từ khi tôi ra đời”.

Chỉ vài ngày trước khi Đại sứ Driesmans có buổi gặp riêng với phóng viên Zing tại Hà Nội vào ngày 3/6 - một ngày nắng ráo, thủ đô đã hứng chịu đợt mưa lớn khiến nhiều nơi lụt lội. Nguyên nhân sâu xa đằng sau tình trạng này là biến đổi khí hậu, theo ông Driesmans.

 Đại sứ EU tại ASEAN, ông Igor Driesmans. Ảnh: Quốc Đạt.

Đại sứ EU tại ASEAN, ông Igor Driesmans. Ảnh: Quốc Đạt.

“Những trận lụt mà chúng ta quan sát thấy chỉ là phần ngọn, là kết quả của quá trình biến đổi khí hậu”, Đại sứ Driesmans nói. “Những sự kiện này phần lớn là những thảm họa tự nhiên do khí hậu gây ra và chúng sẽ còn gia tăng trong thập kỷ tới. Công việc chúng ta cần làm sẽ rất khó khăn”.

Trong cuộc trao đổi với Zing, vị đại sứ nói đến các nỗ lực hợp tác giữa EU và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, để chống biến đổi khí hậu và hướng tới sự chuyển dịch xanh.

Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ về các khía cạnh hợp tác khác trong quan hệ ASEAN - EU đã kéo dài được 45 năm, như cách thức ASEAN có thể tự nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.

Tài chính EU giúp đầu tư xanh

- Tình trạng ngập lụt đô thị xảy ra ở nhiều khu vực khác tại Đông Nam Á. EU và ASEAN có thể hợp tác với nhau như thế nào để xử lý vấn đề này?

- Những gì chúng ta quan sát thấy chỉ là phần ngọn, kết quả của quá trình biến đổi khí hậu. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta còn nhiều việc phải làm trên phương diện hợp tác năng lượng sạch.

Chúng ta sẽ cần tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng. Và đó là lý do chúng ta cần đầu tư vào năng lượng mặt trời, gió và hydro và các loại năng lượng tái tạo khác tại các nước ASEAN.

 Mưa lớn trút xuống chiều 29/5 khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu. Ảnh: Thạch Thảo - Tuấn Anh.

Mưa lớn trút xuống chiều 29/5 khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu. Ảnh: Thạch Thảo - Tuấn Anh.

Có một số công cụ có thể giúp chúng ta thực hiện được sự chuyển dịch xanh. Chúng tôi đã cung cấp tài chính cho Cơ sở Tài chính Xanh Xúc tác ASEAN (ACGF). Nhiều ngân hàng cũng đã đưa ra các khoản vay dành cho việc chuyển dịch xanh ở các nước ASEAN.

Như vậy nguồn tài chính là đã có, lúc này vấn đề là nhân rộng quy mô các khoản đầu tư từ khu vực tư nhân để thực hiện được sự chuyển dịch xanh ấy.

Tôi không phải chuyên gia, nhưng tôi cho rằng chúng ta cũng cần thích ứng quá trình đô thị hóa.

Chúng ta còn nhiều việc phải làm trên phương diện hợp tác năng lượng sạch.

Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans

Nghĩa là khi nói về vấn đề này, chúng ta không chỉ đề cập tới các phương diện như phương tiện công cộng, mà còn cần nói về việc làm sao đảm bảo thành phố có khả năng hấp thu lượng mưa lớn, về việc nhà ở cần được sắp xếp tại đâu trong thành phố, hay về cách đối phó xói mòn.

Có nhiều vấn đề về việc thích ứng môi trường ở thành phố mà tôi không phải chuyên gia, nhưng chắc chắn có nhiều vấn đề mà chúng ta gần đây đã phát hiện cùng với quá trình biến đổi khí hậu. Thông qua các chương trình như Thành phố Xanh Thông minh ASEAN, chúng tôi có thể chia sẻ kiến thức chuyên môn ấy.

Chương trình Thành phố Xanh Thông minh ASEAN là gói trợ cấp 5 triệu euro mà EU đưa ra để các thành phố tại ASEAN và châu Âu có thể trao đổi kinh nghiệm và cách thực hành tốt nhất trên phương diện thích ứng đô thị, xanh hóa thành phố hay phát triển giao thông công cộng.

ASEAN - EU cần là mỏ neo cho sự ổn định

- Ông đánh giá thế nào về quan hệ ASEAN và EU hiện tại. Nếu được chọn, ông sẽ dùng 3 từ nào để mô tả về quan hệ ấy?

- Tôi nghĩ rằng quan hệ EU - Việt Nam đang ở thời điểm tốt đẹp. Cuối năm 2020, chúng ta đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, giúp củng cố quan hệ song phương và đây cũng đồng thời là thông điệp quan trọng với thế giới.

Chúng ta đã cùng hợp tác trên nhiều phương diện. Hiện tại, chúng tôi có lẽ là đối tác toàn diện nhất của ASEAN. Hai bên đã tổ chức đối thoại kỹ thuật ở 20 lĩnh vực khác nhau, từ tiêu chuẩn xây dựng tới an ninh hàng hải và biến đổi khí hậu.

 ASEAN và EU chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ đối tác đối thoại lên đối tác chiến lược vào cuối năm 2020. Ảnh: CSDS.

ASEAN và EU chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ đối tác đối thoại lên đối tác chiến lược vào cuối năm 2020. Ảnh: CSDS.

Hai bên còn là đối tác thương mại lớn thứ 3 của nhau. Ngoài ra, chúng tôi ngày càng đóng vai trò là đối tác về an ninh. Trên hết, chúng tôi là đối tác hợp tác phát triển lớn nhất của ASEAN.

Nhưng trong bối cảnh thế giới đang trở nên ngày càng cạnh tranh hơn, chúng ta cần EU và ASEAN tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ. Chúng ta cần là chiếc mỏ neo của sự ổn định, của chủ nghĩa đa phương và của luật quốc tế. Tôi nghĩ đó là thách thức cho tương lai.

Vì thế, nếu tôi phải chọn 3 từ để mô tả quan hệ EU - ASEAN, chúng sẽ là chủ nghĩa đa phương (multilateralism), ổn định (stability) và kết nối (connectivity).

- Năm sau sẽ là năm cuối trong nhiệm kỳ đại sứ EU tại ASEAN của ông. Ông muốn di sản của mình là gì?

- Tôi không suy nghĩ tới vấn đề di sản. Nhưng năm nay, chúng ta sẽ kỷ niệm dịp rất quan trọng: 45 năm đã qua kể từ khi EU trở thành đối tác đối thoại của ASEAN.

Chúng ta sẽ kỷ niệm dịp ấy với hội nghị thượng đỉnh dự kiến tại Brussels vào cuối năm. Đó sẽ là khoảnh khắc để chúng ta không chỉ nhìn lại những gì đã đạt được, mà còn là dịp ta cần hoạch định mối quan hệ đối tác EU - ASEAN của tương lai, những điều chúng ta muốn thực hiện trong thập kỷ tiếp theo, hay những ưu tiên mà chúng ta đã đặt ra cùng nhau.

 Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại cuộc gặp lãnh đạo EU - ASEAN tại Brussels vào năm 2020. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại cuộc gặp lãnh đạo EU - ASEAN tại Brussels vào năm 2020. Ảnh: AFP.

Chìa khóa nâng vị thế kinh tế của ASEAN

- EU sẽ làm gì để làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với ASEAN? Triển vọng EU ký kết thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với ASEAN trong thời gian ngắn ra sao?

EU đã hoàn tất và đưa vào thực hiện 2 FTA song phương lần lượt với Singapore và Việt Nam. Chúng tôi đang thảo luận với một vài nước khác.

EU và ASEAN cần là chiếc mỏ neo của sự ổn định, của chủ nghĩa đa phương và của luật quốc tế.

Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans

Chúng tôi hy vọng có thể sớm kết thúc thương lượng FTA có tên CEPA với Indonesia, cũng như đang đàm phán với Philippines và Malaysia. Những quá trình này đang ở các mốc tiến triển khác nhau.

Nhưng tôi nghĩ rằng mục tiêu sau cuối là rất rõ ràng: Chúng tôi muốn đi đến một FTA giữa hai khối EU và ASEAN. Các cuộc trao đổi vẫn đang tiếp diễn.

Cái chúng tôi muốn thấy là ASEAN tham vọng hơn trong đàm phán vì đối với chúng tôi, một thỏa thuận thương mại về bản chất cần phải toàn diện. Nó không nên chỉ xoay quanh vấn đề hàng hóa hay giảm thuế quan, mà còn cần đề cập tới dịch vụ, mua sắm, đầu tư, và sự bền vững.

Đây có lẽ là điểm mà đôi khi giữa EU và ASEAN còn có sự khác biệt, vì thế chúng ta cần tiếp thêm tham vọng chính trị để đạt được một FTA giữa hai khối với nhau. Chúng tôi hy vọng vòng thương lượng tiếp theo sẽ có thêm tham vọng về các vấn đề như tôi đã nói.

Tôi cũng hy vọng rằng Việt Nam, cùng với Singapore là hai nước đã có FTA với EU, có thể đóng vai trò dẫn dắt để hướng tới một FTA giữa hai khối.

Nguyên nhân là một FTA giữa hai khối sẽ tạo thêm cơ hội trong thị trường ASEAN, chẳng hạn như giúp tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp làm việc với nhiều nước ASEAN. Nếu tạo điều kiện dễ dàng hơn, bạn sẽ có nhiều giao thương hơn.

 Đức, một nước thuộc EU, từng đưa tàu khinh hạm thăm Việt Nam vào tháng 1. Ảnh: Phạm Ngôn.

Đức, một nước thuộc EU, từng đưa tàu khinh hạm thăm Việt Nam vào tháng 1. Ảnh: Phạm Ngôn.

- EU có thể làm gì để gia tăng giá trị cho ASEAN trong chuỗi cung ứng toàn cầu?

Điều quan trọng là giao thương nội khối của ASEAN tăng lên.

Chúng tôi đã thấy được một điều là trong 10 năm qua, mức độ thuế quan nội khối của ASEAN đã giảm xuống gần bằng 0, nhưng số các rào cản phi thuế quan trong ASEAN lại tăng. Đôi lúc các rào cản ấy có lý do chính đáng, đôi lúc chúng có tính chất bảo hộ mậu dịch.

Vì thế, trong thời gian dài vừa qua, chúng tôi đã và đang chia sẻ với ASEAN kinh nghiệm tạo điều kiện cho giao thương và xây dựng thị trường nội bộ. Thông qua công tác xây dựng thị trường nội khối như thế, hay như ASEAN nói là công tác xây dựng cộng đồng, chúng ta có thể làm gia tăng giao thương giữa các nước ASEAN với nhau.

Đối với chúng tôi, đó cũng là chìa khóa để tăng cường vị thế của ASEAN trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên nhân là nó sẽ giúp EU dễ dàng hơn không chỉ trong giao thương với Việt Nam mà còn là trong việc cùng lúc giao thương với cả Việt Nam, Singapore và các nước khác.

Hợp tác an ninh tăng nhanh

- EU và ASEAN đang ở đâu trên phương diện hợp tác an ninh? Liệu chúng ta sẽ thấy thêm nhiều hợp tác giữa hai khối?

Phải thừa nhận là quan hệ đối tác an ninh có lẽ không phát triển như các bộ phận khác trong quan hệ EU - ASEAN, nhưng nó cũng đang tăng trưởng nhanh.

Đầu tiên, chúng tôi trông đợi ASEAN có vai trò trung tâm trong khuôn khổ an ninh khu vực, hay còn gọi là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), nơi rất nhiều vấn đề an ninh được đem ra thảo luận. Và có lẽ EU là bên hoạt động sôi nổi nhất trong khuôn khổ an ninh ấy. Đó là cấu phần đa phương trong hợp tác giữa chúng tôi và ASEAN.

 Thỏa thuận xanh châu Âu là một bộ chính sách và sáng kiến nhằm thúc đẩy châu Âu trở thành "lục địa đầu tiên trung hòa khí carbon" vào năm 2050. Bộ chính sách này sẽ thúc đẩy các nước ASEAN chuyển dịch sang sản xuất sản phẩm xanh. Ảnh: General Journal of Europe.

Thỏa thuận xanh châu Âu là một bộ chính sách và sáng kiến nhằm thúc đẩy châu Âu trở thành "lục địa đầu tiên trung hòa khí carbon" vào năm 2050. Bộ chính sách này sẽ thúc đẩy các nước ASEAN chuyển dịch sang sản xuất sản phẩm xanh. Ảnh: General Journal of Europe.

Về cấu phần song phương, EU và ASEAN đã tăng cường hợp tác trong 5-10 năm qua. Hai bên đã cùng ra chung tuyên bố về an ninh mạng và bây giờ chúng tôi phối hợp về chống khủng bố. Chúng tôi hy vọng có thể hợp tác nhiều hơn về phương diện an ninh hàng hải.

- Về an ninh hàng hải, gần đây QUAD có tuyên bố sáng kiến Đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Nhận thức Lãnh thổ Hàng hải (IPMDA), giúp chia sẻ thông tin với các nước Đông Nam Á để chống lại nạn đánh bắt trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU). EU đã hoặc sẽ có sáng kiến tương tự không?

- Về nạn đánh bắt IUU, EU từ lâu đã có đối thoại với ASEAN và đây theo tôi là đối thoại rất hữu ích. Chúng tôi đang thảo luận về việc thiết lập một nền tảng IUU bên trong ASEAN.

Tôi cũng hy vọng rằng Việt Nam, cùng với Singapore là hai nước đã có FTA với EU, có thể đóng vai trò dẫn dắt để hướng tới một FTA giữa hai khối

Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans

Về phương diện nhận thức lãnh thổ hàng hải, chúng tôi đã và đang đề nghị cung cấp cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, công cụ nhận thức hàng hải của riêng chúng tôi.

Điểm đặc biệt của công cụ này, vốn được triển khai qua chương trình CRIMARIO ("Tuyến đường hàng hải quan trọng Ấn Độ Dương), là nó cho phép các nước ASEAN hay bất cứ nước nào được chia sẻ dữ liệu và kết quả phân tích với nhau mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Chương trình CRIMARIO đã được các nước đón nhận. Indonesia, Singapore đều thể hiện sự quan tâm, trong khi Philippines là nước hứng thú nhất.

- Liệu chúng ta sẽ thấy thêm nhiều tàu châu Âu hơn tới Đông Nam Á hay không?

- Có thể chứ. Năm 2021, các tàu hải quân châu Âu gần như xuất hiện liên tục tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như tàu Hà Lan, Đức hay Pháp. Vì thế đây chắc chắn là xu hướng sẽ tiếp tục trong phần lớn các năm tới đây. Đó cũng là những gì chúng tôi đã cam kết trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-su-eu-lut-loi-do-thi-chi-la-phan-ngon-cua-van-de-post1323313.html