Đại tá Vũ Văn Hậu: 'Tội phạm ma túy có xu hướng trẻ hóa'
Ông Hậu cho biết có những trại giam đến 70% phạm nhân liên quan đến ma túy phải nhận án tử hình. Chúng rất manh động và tàn bạo khi phạm tội.
Theo đại tá Vũ Văn Hậu, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), tội phạm ma túy mang tính quốc tế rất cao. Những kẻ cầm đầu thường có tri thức, tiềm lực, phương tiện và sống dưới vỏ bọc là giám đốc thành đạt, nhà hoạt động xã hội...
Trên mặt trận đấu tranh với tội phạm ma túy, 26 cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng công an, bộ đội và người dân đã hy sinh.
Đáng báo động và rất nguy hiểm
- Ông từng chia sẻ với Zing rằng "Tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm". Vậy, tội phạm của các loại tội phạm nguy hiểm đến mức nào thưa ông?
- Tội phạm ma túy thường phải đối diện với sự nghiêm khắc của pháp luật. Theo tôi biết, có những trại giam đến 70% phạm nhân liên quan đến ma túy phải nhận án tử hình. Chúng rất manh động và tàn bạo khi phạm tội.
Khi tội phạm ma túy đứng trước khả năng bị bắt giữ, chúng sẵn sàng nhả đạn, bắn hạ các chiến sĩ hòng thoát thân.
Sự liều lĩnh, nguy hiểm của chúng còn nằm ở việc chúng dám đánh đổi mạng sống để thực hiện hành vi phạm tội. Theo quy định, vận chuyển, mua bán từ 100 gram heroin, MDMA... hoặc từ 300 gram ma túy dạng rắn là đã nằm trong khung hình phạt có mức phạt cao nhất là tử hình. Thế nên, tội phạm sẽ có tư tưởng “đằng nào cũng chết” và mua bán, vận chuyển với số lượng ma túy lớn.
Ngày xưa, các chuyên án thường bắt quả tang 2-3 bánh. Ngày nay, những chuyên án có số ma túy được tính bằng tạ, bằng tấn không còn hiếm gặp.
Một vấn đề nữa là tội phạm ma túy mang tính quốc tế rất cao. Với một đường dây ma túy, chúng tôi thường gọi nó là tập đoàn, công ty, tổ chức tội phạm có quy mô, chuyên nghiệp ở từng khâu từ sản xuất, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ...
Và đặc điểm dễ nhận thấy nhất để kết luận tội phạm ma túy là tội phạm của tội phạm là người nghiện ma túy có thể dễ dàng phạm những tội khác trong cơn “ngáo”.
- Ông có thể nói rõ hơn về cái gọi là “tập đoàn tội phạm” ma túy?
- Trong hệ thống của một đường dây ma túy chuyên nghiệp sẽ có hai loại đối tượng. Nhóm thứ nhất, những kẻ cầm đầu thường là đối tượng có tri thức, tiềm lực và phương tiện. Chúng sẽ mặc sơ mi cổ cồn, sơ vin, quần áo chỉnh tề, thắt cà vạt... và sống dưới hình ảnh một giám đốc thành đạt, một nhà hoạt động xã hội hay đi từ thiện. Kẻ cầm đầu không bao giờ lộ diện mà sẽ chỉ đạo những chân rết ở dưới thực hiện các khâu trong đường dây.
Nhóm thứ hai thường là những kẻ cộm cán, nhận nhiệm vụ trực tiếp sản xuất, vận chuyển, mua bán ma túy. Đặc điểm của nhóm này là rất độc ác, nhẫn tâm, sẵn sàng thực hiện những hành vi côn đồ, thậm chí là cầm dao búa, bóp cò súng tấn công lực lượng chức năng.
Từ năm 1997 đến năm 2021 có 26 cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng công an, bộ đội và người dân đã hy sinh. Có hơn 300 cán bộ, chiến sĩ bị thương, phơi nhiễm HIV do sự chống trả điên cuồng của tội phạm ma túy.
Nói tóm lại, tội phạm ma túy rất ác liệt, có quy mô lớn, chặt chẽ, phạm vi quốc tế cao, liên tuyến, liên tỉnh, luôn thay đổi phương thức hoạt động và không từ một thủ đoạn nào để phạm tội.
- Tội phạm ma túy hiện có gì khác gì so với nhiều năm về trước không, thưa ông?
- Để so sánh tội phạm ma túy của 10 hay 20 năm trước với bây giờ rất khó và khập khiễng. Không có quy ước chung để so sánh bởi chúng thay đổi thủ đoạn từng ngày. Thế nhưng, có một vấn đề mà tôi nhìn nhận được là tội phạm ma túy, cũng như người nghiện ma túy đang có xu hướng trẻ hóa. Điều này thật sự đáng báo động và rất nguy hiểm.
Ma túy len lỏi vào học đường
- Mình có con số thống kê cụ thể những người liên quan đến ma túy không, thưa ông?
- Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 250.000 người nghiện ma túy. Trong đó, 48% là những người thuộc lứa tuổi 16-30, tập trung chủ yếu là nhóm thanh thiếu niên, học sinh sinh viên (HSSV). Nếu tính về số lượng thì tội phạm ma túy liên quan đến lứa tuổi HSSV không nhiều song, tính chất, mức độ thì lại rất nguy hiểm, hệ lụy gây ra là rất lớn.
Bác Hồ đã từng nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Từ đó, có thể thấy HSSV là nhóm người trẻ, là lực lượng cốt lõi, lâu dài, là nguồn lực của đất nước trong tương lai. Nếu các em trong khoảng thời gian học tập lại trở thành người nghiện ma túy, bị ma túy dẫn lối sang con đường xấu xa thì ắt tương lai đất nước sẽ là một màu xám xịt.
Trong cuộc đấu tranh này, tôi nhận định ma túy giống như một con virus. Nó len lỏi vào cuộc sống con người, biến người nghiện thành một vật chủ. Đến lúc chín muồi, nó sẽ tiêu trừ chính vật chủ của nó. Tội phạm ma túy cũng sẽ coi môi trường học đường như vậy. Nhóm HSSV là một “vật chủ” đầy tiềm năng, học đường là một thị trường béo bở.
Khi thanh thiếu niên, HSSV mắc tệ nạn ma túy, các em sẽ nghiện, sẽ cần tiền để mua thuốc. Từ đó, các em sẽ bị lợi dụng, bị lôi kéo, ép buộc... trở thành nguồn lây tệ nạn, là sự reo rắc ma túy cho bạn bè. Con đường từ người nghiện trở thành tội phạm như vậy rất ngắn.
- Vậy trách nhiệm khi để xảy ra xu hướng trẻ hóa tội phạm ma túy hay tình trạng ma túy len lỏi vào học đường hiện nay sẽ thuộc về ai?
- Trách nhiệm đầu tiên thuộc về người lớn, đó là gia đình, nhà trường, xã hội. Rào chắn giữa 3 nhóm đối tượng trên kết hợp với sự hiểu biết, nhận thức xã hội còn non nớt của lứa tuổi HSSV, thanh thiếu niên đã dẫn đến tình trạng trẻ hóa tội phạm. Các em còn quá trẻ để đối đầu, chống lại tội phạm ma túy.
Ngày nay, ma túy có sự cám rỗ rất lớn. Không chỉ là thuốc phiện, là heroin dạng chích, hút, hít, ma túy giờ chủ yếu là chất tổng hợp, được ngụy trang bằng nhiều hình dạng dễ cất giấu, sử dụng, ngụy trang và thu hút giới trẻ sử dụng, ví dụ: Tem lưỡi, kẹo mút, nước xoài...
Bên cạnh đó, giới trẻ ngày nay thường có tính tập thể cao. Trong các buổi sinh hoạt, vui chơi tụ tập đông người như sinh nhật, lễ hội, picnic, thanh thiếu niên, HSSV thường có xu hướng sử dụng những chất kích thích như shisha, bóng cười, kết hợp với âm nhạc, môi trường, các em sẽ dễ bị cám dỗ sử dụng ma túy để đạt được độ phê, độ khoái cảm cực đại.
Để xảy ra tình trạng này, tôi muốn nhấn mạnh trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý giờ giấc sinh hoạt, tiền bạc của bậc phụ huynh với con em. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần có những biện pháp, kế hoạch, chương trình để bảo vệ học sinh, bảo vệ môi trường học đường.
Hệ thống giáo dục cần có một rào chắn phòng ngừa các loại tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn ma túy nói riêng, làm sao để chúng không thâm nhập được vào nhà trường, vào HSSV. Lực lượng công an sẵn sàng đấu tranh, triệt phá, xử lý nghiêm tội phạm để tạo môi trường trong sạch xung quanh trường học. Nhưng, nội tại của vấn đề nằm ở công tác giáo dục, ở nhà trường, giáo viên, học sinh.
- Trước tình trạng đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ làm gì trong thời gian tới?
- Ma túy vẫn đang tồn tại xung quanh chúng ta. Tôi cho rằng mỗi cá nhân nhận thức được chúng nguy hại như thế nào để phòng tránh, khi các cơ quan quản lý tốt được loại chất này mới là vấn đề mấu chốt.
Tôi có thể khẳng định ma túy sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn. Do đó, nhiệm vụ của Nhà nước, của Cục, lực lượng các địa phương và từng người dân là cùng đồng lòng để Việt Nam tránh được những hệ lụy của ma túy.