'Đại thảm họa' cháy rừng tại Australia vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại
Cháy rừng bắt đầu bùng phát từ tháng 11/2019 tại miền Đông Australia và vẫn tiếp tục lan nhanh sang các bang đông dân cư khác và trở thành 'đại thảm họa'. Tính đến ngày 5/1/2020 có thêm 28 người nữa được xác nhận đang mất tích trong những đám cháy.
Thời tiết nắng nóng và hạn hán đã làm các khu rừng tại miền Đông Australia thiếu nước trầm trọng và đã gây ra liên tiếp những đám cháy nhỏ. Vì những cơn gió thổi mạnh và những cánh rừng ở gần nhau cùng nằm trong vùng khô cằn nên cháy đã nhanh chóng lan ra một diện tích rộng vào cuối tháng 11/2019.
Hậu quả cháy rừng đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, gây thiệt hại cho hơn 680 ngôi nhà và thiêu rụi hơn 1 triệu hécta rừng tại miền Đông Australia. Với số lượng hơn 100 đám cháy lực lượng chức năng và đội tình nguyện vẫn không thể xử lý kịp dù đã rất cố gắng ngay cả trong đêm.
Cho đến ngày 8/12 hỏa hoạn tại miền Đông chưa được khống chế thì tiếp tục tại bang New South Wales đã xảy ra 6 đám cháy rừng ở cấp độ nghiêm trọng, trong đó có một đám cháy lớn trên diện tích 300.000 hécta ở Tây Bắc thành phố Sydney. Giới chức cứu hỏa dự báo ngày 10/12 sẽ là “ngày cao điểm”, khi nhiệt độ ở đa số các khu vực của bang New South Wales có thể vượt ngưỡng 40 độ C, nguy cơ gây thêm các đám cháy mới.
Đứng trước nguy cơ cuộc "đại thảm họa" xảy ra, hơn 2.000 lính cứu hỏa đang được triển khai trên khắp bang này, trong đó có 21 lính cứu hỏa chuyên nghiệp của Mỹ mới được cử đến nhưng vẫn không thể xử lý kịp hết những khu vực cháy vì gió đã làm chúng lan ra với tốc độ chóng mặt.
Khói và nhiệt độ cao từ các đám cháy đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới thành phố Melbourne, thủ phủ bang Victoria. Một cơn sấm sét đã tạo ra một ngọn lửa ở phía đông Victoria, và rồi chỉ trong vòng 5h đồng hồ đã lan rộng hơn 20km. Ngọn lửa lúc xuất hiện chỉ nhỏ thôi, nhưng khi kết hợp với thời tiết khô cằn, ít mưa cùng những cơn gió hung dữ quen thuộc của Úc sẽ trở nên cực kỳ kinh khủng.
Ngay sau đó, tình trạng hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại 7 trên 9 quận của bang Victoria và làm tê liệt tuyến đường cao tốc Princes vốn là tuyến giao thông huyết mạch trong vùng. Thị trấn Mallacoota ở Victoria là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất. Một phóng viên của đài 9 News cho biết, nhà cửa ở vùng ngoại ô đã bị thiêu trụi và lửa "vẫn còn âm ỉ".
Nắng nóng cũng đang gia tăng nhanh chóng tại bang New South Wales (NSW), với mức nhiệt dự báo sẽ đạt ngưỡng cao nhất vào đêm Giao thừa 31/12 khi hàng trăm nghìn người đổ về thành phố cảng Sydney để theo dõi những màn bắn pháo hoa hoành tráng.
Đến đầu tháng 1/2020, thủ hiến bang Victoria, Australia, Daniel Andrews đã tuyên bố tình trạng Thảm họa trong bối cảnh cháy rừng đang ngày càng lan rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng và tài sản của người dân địa phương. Theo phóng viên TTXVN tại Australia, đây là lần đầu tiên trong lịch sử một tuyên bố cấp cao nhất theo Đạo luật Quản lý khẩn cấp đã được ban hành tại bang Victoria.
Trong ngày 2/1/2020, tàu hải quân hoàng gia Australia HMAS Choules đã lên đường đến vùng biển ngoài khơi thị trấn Mallacoota của bang Victoria để sơ tán khoảng 4.000 khách du lịch và người dân bị mắc kẹt tại đây. Trước đó, các trực thăng của lực lượng quốc phòng cũng đã được điều tới dập lửa tại khu vực Gippsland và hỗ trợ sơ tán người dân.
Cùng ngày, tại cuộc họp báo về các đám cháy rừng đang tàn phá một số khu vực ven biển ở các bang New South Wales và Victoria trong tuần này, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết trọng tâm trước mắt là giải quyết các mối lo ngại của cộng đồng, người dân bị ảnh hưởng.
Đến sáng 3/1, đã có ít nhất 8 trường hợp được xác định là tử vong, hàng trăm ngôi nhà, tài sản đã bị tàn phá và hơn 784.000 ha đất tại Victoria bị thiêu rụi. Theo báo cáo từ Cơ quan Cứu hỏa khu vực, khoảng 50 đám cháy rừng hiện vẫn tiếp diễn, trong đó dữ dội nhất là tại khu Gippsland và vùng núi cao.
Cư dân sinh sống tại những khu vực này đã nhận được thông báo cần phải di dời từ cuối tuần trước, khi dự báo thời tiết xác định gió sẽ mạnh hơn và nhiệt độ duy trì trên 40 độ C.
Ở thời điểm hiện tại thì gần như mọi tiểu bang của Úc đều có cháy, nhưng kinh khủng nhất là New South Wales và Victoria, với tổng cộng 6 triệu hecta đất bị thiêu rụi. Để so sánh, nó thấp hơn một chút so với vụ cháy kỷ lục tại Amazon năm 2019 (hơn 7 triệu ha), nhưng nhiều hơn gấp 60 lần so với vụ cháy kinh khủng từng khiến toàn California rối loạn vào năm 2018 (chỉ khoảng 100.000 ha).
Trong suốt từ cuối tháng 11/2019 cho đến ngày 5/1/2020 chính phủ và chính quyền địa phương Úc đã phải làm việc thực sự vất vả để giải quyết thảm họa lần này. Nhiều tiểu bang đã ban bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu cư dân tiến hành di tản. Quân đội Úc cũng đã phải điều động lực lượng hỗ trợ giải quyết thảm họa, với sự tham gia của cả không quân lẫn hải quân. Theo thủ tướng Scott Morrison, vụ cháy đã tiêu tốn ít nhất 23 triệu đô Úc (khoảng hơn 370 tỉ VNĐ) dành riêng cho việc phục hồi và đền bù cho các nạn nhân trong vụ cháy.
Các chuyên gia sinh thái học tại ĐH Sydney ước tính, trung bình trên mỗi ha đất tại Úc có 17,5 loài thú, 20,7 loài chim, 129,5 loài bò sát. Khi nhân lên với quy mô của vụ cháy, số lượng các loài sinh vật bị hủy diệt lên tới hơn 480 triệu cá thể - gần nửa tỉ. Đặc biệt, trong đó có 8000 con gấu koala - loài vật vốn đang nằm trong danh sách bảo tồn của IUCN. Dành cho những ai chưa biết, con số này tương đương với gần 1/3 tổng số koala còn sót lại ngoài tự nhiên.
Cho đến thời điểm hiện tại, câu hỏi làm thế nào để chấm dứt những đám cháy là rất khó để trả lời. Sự thật là nước Úc hiện mới chỉ trải qua tháng hè đầu tiên trong năm (do nằm ở Nam bán cầu), trong khi nhiệt độ cao nhất thường rơi vào tháng 1 và tháng 2. Nói cách khác, nhiều khả năng vụ cháy sẽ tiếp tục lan rộng trong năm 2020 ít nhất là 1 - 2 tháng nữa nếu không có điều gì đột biến xảy ra.