Đại tướng Phan Văn Giang: Việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết và rất quan trọng

Trước các ý kiến của đại biểu Quốc hội về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết và rất quan trọng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm, sáng 23-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, tại phiên họp, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thay mặt cơ quan soạn thảo, trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ và tại hội trường ngày hôm nay; cho biết, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo luật để thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh", Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

 Đại tướng Phan Văn Giang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Ảnh: Tuấn Huy

Đại tướng Phan Văn Giang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Ảnh: Tuấn Huy

Trước các ý kiến của đại biểu Quốc hội về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh: Việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết và rất quan trọng. Mục đích của việc phân loại, phân nhóm là để làm cơ sở xác định phạm vi bảo vệ, yêu cầu, nội dung quản lý, bảo vệ, chế độ, biện pháp tổ chức quản lý, bảo vệ phù hợp với từng loại nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự.

Mặt khác, việc phân loại, phân nhóm còn làm cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Nói rõ thêm về việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết: Công trình quốc phòng và khu quân sự được phân loại theo chức năng, nhiệm vụ, mục đích sử dụng (gồm 4 loại A, B, C, D) và phân nhóm theo tính chất quan trọng, theo yêu cầu quản lý, bảo vệ (gồm nhóm đặc biệt, nhóm một, nhóm hai và nhóm ba).

Việc phân loại nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự trong dự thảo luật được kế thừa, phát triển, bổ sung các quy định tại Nghị định số 04 ngày 16-1-1995 của Chính phủ ban hành quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, bảo đảm tính bao quát, đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ, phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại nhóm.

"Việc giao Chính phủ quy định chi tiết loại, danh mục nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự là phù hợp với tính đặc thù, đáp ứng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật", Bộ trưởng Phan Văn Giang nói và cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nội dung, phân loại, phân nhóm theo hướng làm rõ ràng, mạch lạc hơn nhưng vẫn bảo đảm giữ được bí mật của nhà nước.

Căn cứ để xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Làm rõ về việc xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh đây là một trong những nội dung cơ bản rất quan trọng.

"Việc xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự chính là xác định từng thành phần, gồm khu vực cấm, khu vực bảo vệ vành đai an toàn (nếu có) và dự thảo luật quy định nội dung này tại Điều 16", Bộ trưởng Phan Văn Giang nói.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, căn cứ để xác định là dựa vào đặc điểm nhiệm vụ của từng loại công trình quốc phòng và khu quân sự đảm nhiệm, như tác chiến phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc, huấn luyện, diễn tập phục vụ nghiên cứu phục vụ thử nghiệm, sản xuất, cất trữ, sửa chữa, tiêu hủy vũ khí trang bị để xác định phạm vi bảo vệ cho từng loại nhiệm vụ.

Mặt khác, tùy theo mức độ quan trọng và yêu cầu quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được quản lý, bảo vệ theo các mức độ khác nhau theo từng nhóm để xác định phạm vi bảo vệ cho phù hợp; tùy theo đặc điểm, điều kiện của địa hình và đặc biệt là điều kiện của khu vực dân cư...

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Bảo đảm an toàn, bí mật cho công trình quốc phòng và khu quân sự

Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng nhấn mạnh, để bảo đảm an toàn, bí mật cho công trình quốc phòng và khu quân sự thì một số hoạt động trong phạm vi bảo vệ sẽ bị hạn chế hoặc cấm hoạt động. Các quy định hạn chế này hiện đang được quy định tại các văn bản dưới luật, do đó cần được quy định trong dự thảo luật để bảo đảm phù hợp với quy định tại Hiến pháp năm 2013.

Nói thêm về chế độ quản lý các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh việc này là để bảo đảm an toàn, bí mật cho công trình quốc phòng và khu quân sự; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, tạo điều kiện cho người dân chủ động trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt trong phạm vi bảo vệ; bảo đảm tính minh bạch, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh.

Một lần nữa, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội rà soát và chỉnh lý dự thảo luật để bảo đảm vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

THẢO NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/dai-tuong-phan-van-giang-viec-phan-loai-phan-nhom-cong-trinh-quoc-phong-va-khu-quan-su-la-can-thiet-va-rat-quan-trong-732059