Đắk Lắk: Chú trọng thực hiện công tác bình đẳng giới

Ngày 5/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2024.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tham dự có bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bà H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở, ngành và chuyên viên các đơn vị trong tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, sau 17 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 tăng 15 bậc so với năm 2021, tăng 11 bậc so với năm 2022 và đứng vị trí thứ 72/146 quốc gia. Những con số được ghi nhận là động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu.

Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và xu thế hội nhập quốc tế của đất nước nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ, nam giới và nhóm dễ bị tổn thương.

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm. Nhận thức về bình đẳng giới trong cán bộ, nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực.

Mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được gắn kết, củng cố. Đến cuối năm 2023, có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt một phần so với mục tiêu đề ra đến năm 2030, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.

Về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã đề ra mục tiêu “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”.

Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn những khó khăn, thách thức sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến công tác bình đẳng giới, trước hết là những định kiến giới vẫn tồn tại khá phổ biến trong xã hội và được coi là rào cản lớn nhất để xóa bỏ bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó vẫn còn những bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật và việc thi hành chính sách về công tác bình đẳng giới, bộ máy làm công tác bình đẳng giới vẫn còn thiếu; những phát sinh của thực tiễn xã hội mà chính sách, pháp luật chưa theo kịp như các vấn đề về môi trường - biến đổi khí hậu, già hóa dân số, chuyển đổi số,…

Để thực hiện thành công các mục tiêu này đòi hỏi các cấp các ngành phải nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai Chiến lược và Chương trình, chính sách, giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được coi là giải pháp căn cơ, tạo hành lang pháp lý cho việc đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng giới".

Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu.

Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu.

Nhấn mạnh mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới tại tỉnh Đắk Lắk, bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, thời gian qua tỉnh Đắk Lắk đã nhận được nhiều sự quan tâm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Các đại biểu lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm.

Đắk Lắk đã chú trọng đẩy mạnh thực hiện công tác bình đẳng giới. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Và đạt được một số kết quả nổi bật như: Tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 29%; tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu nông nghiệp trên tổng số lao động nữ có việc làm là trên 59%; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là 27%. Trên 90% phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Công chức, viên chức nữ được tuyển dụng chiếm tỷ lệ cao (đạt 50% tổng số tuyển dụng). Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng công chức, viên chức nữ được quan tâm, chú trọng,…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn nhất định, như: trình độ, năng lực chuyên môn, nghề nghiệp của phụ nữ còn hạn chế so với nam giới; nhiều phụ nữ thiếu việc làm, thu nhập thấp; một số phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa phấn đấu tự vươn lên...

Thanh Nga- Kim Ngân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dak-lak-chu-trong-thuc-hien-cong-tac-binh-dang-gioi-10293828.html