Đắk Lắk: Việc cung ứng sách giáo khoa chậm nhưng vẫn kịp

Năm học 2024 - 2025 đang đến gần, nhu cầu mua sắm sách giáo khoa của nhiều phụ huynh tăng cao. Tuy nhiên, theo phản ánh của các cơ sở giáo dục, phụ huynh và nhà cung ứng, việc ban hành danh mục sách giáo khoa tại tỉnh Đắk Lắk chậm so với kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra và tiến độ chung của các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Điều này kéo theo việc lựa chọn, cung ứng, nhập sách giáo khoa trên địa bàn bị chậm.

Chị Trịnh Thị Nhung (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) lựa chọn sách giao khoa cho năm học mới tại Nhà sách Giáo dục (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Chị Trịnh Thị Nhung (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) lựa chọn sách giao khoa cho năm học mới tại Nhà sách Giáo dục (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Dạo quanh các đại lý, cửa hàng sách, văn phòng phẩm trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, mọi người dễ nhận thấy sách, vở, đồ dùng học tập phục vụ năm học 2024 - 2025 đã được trưng bày đa dạng mẫu mã, chủng loại. Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày qua, thị trường sách giáo khoa ở các nhà sách, cửa hàng sách lớn trên địa bàn tỉnh khá nhộn nhịp.

Chị Phạm Thị Bồng (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) cho biết, năm học này, con trai chị cần bộ sách lớp 8 Chân trời sáng tạo. Chị đã chủ động lên thành phố Buôn Ma Thuột để mua đầy đủ bộ sách giáo khoa, sách bài tập cho con. Năm nay, giá sách giáo khoa giảm nên chị đã mua thêm sách tham khảo, sách bài tập, nâng cao, dụng cụ học tập… cho con.

Theo anh Trần Văn Phương (Nhà sách Hai Bà Trưng, thành phố Buôn Ma Thuột), năm nay do thời gian nhập học trễ hơn mọi năm nên từ đầu tháng 8, nhu cầu mua sắm sách giáo khoa, đồ dùng học tập của người dân tăng cao. Các đầu sách lớp 5, 9, 12 thiếu nhiều vẫn chưa về kịp. Do đó, nhà cung cấp chưa cung ứng đủ nhu cầu của phụ huynh. Nhà sách đang tiếp tục bổ sung lượng đầu sách còn thiếu. Để hỗ trợ học sinh chuẩn bị cho năm học mới, nhà sách có chương trình giảm 5 - 20% tùy loại sách giáo khoa, dụng cụ, đồ dùng học tập để đồng hành cùng khách hàng.

“Năm nay, sách giáo khoa giá bìa giảm nhiều nên phần nào cũng hỗ trợ thêm cho phụ huynh và học sinh. Nhà sách cũng cắt cử nhân viên hỗ trợ các em lựa chọn sách đúng với bộ sách các trường quy định nhằm giảm thiểu khó khăn”, anh Trần Văn Phương thông tin thêm.

Theo lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2024 - 2025, học sinh các lớp 5, 9, 12 trên cả nước bắt đầu học sách giáo khoa mới. Cuối tháng 2/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, nhà xuất bản, công ty đầu mối cung ứng sách giáo khoa về việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12; đồng thời, cung cấp đầy đủ, kịp thời danh mục lựa chọn và số lượng đăng ký sách giáo của các cơ sở giáo dục trên địa bàn cho các nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn trước ngày 10/5.

Tuy nhiên, tại Đắk Lắk, ngày 26/6/2024, UBND tỉnh mới ban hành Quyết định số 1774/QĐ-UBND phê duyệt danh mục sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2024 - 2025. Cụ thể là danh mục sách giáo khoa lớp 5 có 30 sách, lớp 9 có 33 sách, lớp 12 có 51 sách.

Ông Trương Văn Băng, Giám đốc Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị trường học Đắk Lắk cho biết, việc đấu thầu giấy in sách giáo khoa của các nhà xuất bản chậm; kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa của tỉnh muộn nên việc cung ứng sách các lớp 5, 9, 12 có sự chậm trễ hơn so với những năm trước. Chuẩn bị cho năm học mới, công ty đã nhập về hơn 4 triệu bản sách phục vụ học sinh toàn tỉnh từ lớp 1-12. Bên cạnh đó, đơn vị đã ký kết hợp đồng phân phối sách với hơn 400 nhà sách và đại lý trên địa bàn tỉnh để đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu mua sắm sách giáo khoa chuẩn bị bước vào năm học mới. Đơn vị cam kết với Nhà xuất bản giáo dục, bắt đầu từ ngày 15/8, sẽ cung ứng sách giáo khoa đủ số lượng, chất lượng, đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu của giáo viên, phụ huynh và học sinh trên địa bàn.

Ông Trương Văn Băng lưu ý thêm, hiện nay, sách giả, in lỗi bản xảy ra rất nhiều, nhất là sách giáo khoa, sách tiếng Anh, sách bài tập bậc tiểu học… Loại sách này chất lượng in kém có thể ảnh hưởng đến thị lực học sinh, hay thông tin không chuẩn xác ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của các em. Do đó, người dân nên đến các nhà sách có uy tín để chọn sách chính thống của các nhà xuất bản.

Bài và ảnh: Nguyên Dung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/dak-lak-viec-cung-ung-sach-giao-khoa-cham-nhung-van-kip-20240806124824396.htm