Đắk Nông ưu tiên nguồn lực cho phổ cập giáo dục

Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn, tỉnh Ðắk Nông đã đạt được những kết quả nhất định.

Hơn 86% học sinh ở Ðắk Nông sau trung học cơ sở học tiếp lên bậc trung học phổ thông.

Hơn 86% học sinh ở Ðắk Nông sau trung học cơ sở học tiếp lên bậc trung học phổ thông.

Các cấp ủy đảng và chính quyền đã quan tâm chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho phổ cập giáo dục, nhất là ở vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Đến nay, Ðắk Nông đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở. Công tác xóa mù chữ cho người lớn có chuyển biến tích cực, khuyến khích người mới biết chữ tiếp tục học tập để không tái mù chữ. Các mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được củng cố và duy trì bền vững.

Công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được quan tâm, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở lựa chọn hướng đi phù hợp, tiếp cận nghề nghiệp và học tập suốt đời. Hệ thống giáo dục phát triển rộng khắp, bố trí hợp lý đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa số lượng học sinh có học lực yếu, kém còn chiếm tỷ lệ cao. Việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ đi học chuyên cần vẫn còn nhiều khó khăn; chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ và môn Tin học còn hạn chế; giáo dục kỹ năng sống chưa đáp ứng được yêu cầu nên ảnh hưởng đến công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập.

Phương pháp đào tạo, sử dụng hình thức đào tạo gắn với doanh nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được đối tượng học sinh trung học cơ sở, việc chọn nghề còn cảm tính, chạy theo phong trào do hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp chưa cao, chưa đa dạng hóa hình thức hướng nghiệp. Việc đào tạo gắn với vị trí việc làm tại doanh nghiệp đạt tỷ lệ chưa cao, chủ yếu tự tạo việc làm, tăng thu nhập gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình do nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của địa phương chưa nhiều.

Công tác tổ chức, quản lý, hoạt động ở một số trung tâm học tập cộng đồng còn bất cập, ảnh hưởng đến quá trình dạy học xóa mù chữ. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế do ảnh hưởng một phần quan trọng từ tình trạng di dân không theo kế hoạch đến địa phương.

Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, của các cấp chính quyền, các ngành, tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 5/1/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, Ðắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 là duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo.

Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, thực hiện giáo dục bắt buộc đối với giáo dục tiểu học và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Ðối với phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, có ít nhất 80% số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ. Có ít nhất 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lưu Văn Trung, địa phương sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp đối với công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Các cấp ủy chỉ đạo và tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng Chỉ thị số 29 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

Xây dựng các cơ chế, chính sách tạo sự đồng bộ, liên thông, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh sau trung học đáp ứng yêu cầu đề ra. Ðổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tăng cường các nguồn lực đầu tư giáo dục; thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa để xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được học tập suốt đời….

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-uu-tien-nguon-luc-cho-pho-cap-giao-duc-226565.html