Đảm bảo an toàn đàn vật nuôi phục vụ thị trường tết Nguyên đán

Thời điểm này các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc đàn vật nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tết Nguyên đán. Đây cũng là thời điểm dịch bệnh trên đàn vật nuôi có nguy cơ bùng phát trở lại. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp và các địa phương đang chủ động triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế thiệt hại cho người dân.

 Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu giám sát phát hiện sự xâm nhập và lưu hành của các chủng vi rút cúm ở gia cầm - Ảnh: L.A

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu giám sát phát hiện sự xâm nhập và lưu hành của các chủng vi rút cúm ở gia cầm - Ảnh: L.A

Những tháng cuối năm 2021, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại huyện Hải Lăng có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện trở lại của bệnh cúm gia cầm. Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) huyện Hải Lăng Trần Quốc Lượng cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 5 thôn thuộc 4 xã gồm Hải Quy, Hải Ba, Hải Sơn và Hải Phong có dịch tả lợn Châu Phi với tổng số 23 con lợn các loại của 7 hộ mắc bệnh chết, buộc phải tiêu hủy. Tổng trọng lượng tiêu hủy 1.253 kg.

Đặc biệt, sau một thời gian dài ổn định, ngày 28/12/2021, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xuất hiện trở lại trên đàn vịt tại 1 hộ của thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng. Tổng số vịt bị mắc bệnh phải tiêu hủy là 4.344 con. Để chủ động kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, đơn vị đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức tổng vệ sinh, cấp phát hóa chất, rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực xung quanh ổ dịch và các hộ chăn nuôi lợn. Triển khai tiêm phòng hơn 7.000 liều vắc xin cúm gia cầm để bao vây ổ dịch.

Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền vận động người chăn nuôi chủ động làm tốt công tác phòng bệnh, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là ở các trang trại, gia trại có số lượng nuôi lớn. Tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ vắc xin, thường xuyên bổ sung vitamin, đường gluco, men tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. “Với những biện pháp kịp thời nên dịch cúm gia cầm trên địa bàn bước đầu đã được khống chế, không để xảy ra điểm dịch mới”, ông Lượng cho biết thêm.

Tại huyện Triệu Phong đến thời điểm này, dịch cúm gia cầm A/H5N8 tại xã Triệu Thượng đã được khống chế hoàn toàn, đã qua 21 ngày không phát sinh ca bệnh mới. Hầu hết gia cầm trên địa bàn xã Triệu Thượng và các cùng lân cận đã được tiêm phòng đạt tỉ lệ bảo hộ cao. Trạm trưởng Trạm CN&TY huyện Triệu Phong Trần Thanh Sơn thông tin, trong thời gian từ ngày 8 - 18/12/2021, trên địa bàn xã Triệu Thượng có 2 hộ có gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm A/H5N8. Tổng số gia cầm bị bệnh, chết, tiêu hủy là 8.500 con. Để phòng, chống dịch, Trạm CN&TY và chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm soát chặt chẽ không cho vận chuyển gia cầm ra khỏi vùng dịch.

Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại hộ chăn nuôi có dịch 1 lần/ngày trong vùng 1 tuần. Tổ chức tiêm phòng hơn 18.000 liều vắc xin cúm gia cầm cho toàn bộ số gia cầm trong diện cần phải tiêm. “Để các hoạt động chăn nuôi, thú y, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến liên quan đến gia cầm trên địa bàn xã Triệu Thượng trở lại hoạt động bình thường, Trạm CN&TY đã kiến nghị UBND huyện Triệu Phong công bố hết dịch cúm gia cầm A/H5N8 tại xã Triệu Thượng”, ông Sơn cho hay.

Theo thống kê của Chi cục CN&TY, tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh hiện có 21.710 con, đàn bò 55.650 con, đàn lợn 158.984 con, tổng đàn gia cầm hơn 3.626.000 con. Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Chi cục CN&TY đã tích cực phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp như tổ chức tiêu hủy lợn, gia cầm bị bệnh; cấp hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi. Tổ chức tiêm phòng định kỳ các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm; tiêm phòng khẩn cấp vắc xin cúm gia cầm H5N1 để bao vây ổ dịch và các vùng nguy cơ. Đến nay các địa phương đã tiêm được hơn 72.500 liều vắc xin kép lợn; 47.270 liều vắc xin lở mồm long móng trâu, bò; 51.160 liều vắc xin viêm da nổi cục trên trâu, bò; vắc xin cúm gia cầm được 357.460 lượt con… Tiếp nhận, phân bổ 17.000 lít hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia để kịp thời triển khai công tác tiêu độc khử trùng vùng bị dịch bệnh và các vùng chăn nuôi nhằm ngăn chặn và hạn chế sự lây lan, khống chế dịch bệnh.

Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Nguyễn Trung Hậu lưu ý, hiện nay tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Trong khi thời điểm cận kề tết Nguyên đán, nhu cầu vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm tăng cao. Bên cạnh đó, thời tiết mưa rét kéo dài làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi. Do vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh, các địa phương cần tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, xử lý kịp thời khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt việc kê khai ban đầu với chính quyền địa phương trước khi thực hiện hoạt động chăn nuôi.

Phối hợp với cơ quan chuyên môn quản lý chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn. Về phía người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Con giống phải được mua từ các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y. Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi để diệt trừ mầm bệnh. Tăng cường chăm sóc nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Nếu phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc dịch bệnh, chết không rõ nguyên nhân cần báo ngay cho cán bộ thú y để được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch.

Ông Hậu cho biết thêm, đơn vị cũng đã phân công cán bộ bám sát địa bàn hỗ trợ các địa phương và người chăn nuôi trong công tác kê khai, đăng ký chăn nuôi và giám sát dịch bệnh. Chỉ đạo thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; rà soát tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm mới. Tăng cường công tác tuyên truyền về dịch bệnh, nâng cao ý thức tự giác của người dân để phát hiện, báo cáo dịch và chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch. “Đơn vị cũng tập trung thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ đúng quy định, điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trước, trong và sau dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần, kịp thời phát hiện các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục ở trâu, bò”, ông Hậu nhấn mạnh.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=164379&title=dam-bao-an-toan-dan-vat-nuoi-phuc-vu-thi-truong-tet-nguyen-dan