Đảm bảo an toàn giao thông tại các bến đò ngang
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 200 bến thủy nội địa, bến đò ngang. Thời gian qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy tương đối ổn định, các phương tiện tham gia lưu thông đều chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên, hiện đang mùa mưa bão, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy. Trước thực trạng này, các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT, đặc biệt là tại các bến đò khách ngang sông.
Trên tuyến Sông Hậu đoạn thuộc thủy phận thị trấn Định An, huyện Trà Cú có rất đông tàu, thuyền qua lại, neo đậu, vận chuyển hành khách và hàng hóa. Tại khu vực này, có 02 bến đò ngang liên tỉnh từ xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) đến huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) và 01 bến đò ngang từ thị trấn Định An, huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) đến huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng). Để góp phần nâng cao ý thức chấp hành của hành khách và chủ phương tiện, cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp với công an cơ sở tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân chấp hành tốt các quy định về tham gia giao thông đường thủy. Hàng ngày, gần 1.000 phương tiện vận chuyển hành khách, xe mô-tô qua lại. Đa phần hành khách lên, xuống phà đều chấp hành tốt; chủ phương tiện cũng đã nâng cấp phương tiện kiên cố, trang bị đầy đủ phao cứu sinh, cứu đắm; thuyền viên có đủ bằng cấp, chứng chỉ, chuyên môn phù hợp với phương tiện nên tính an toàn được nâng cao.
Thực hiện cuộc vận động xây dựng “Bến đò ngang văn hóa, văn minh - an toàn”, tại các bến đò đều có bảng quy định, niêm yết số điện thoại của công an cơ sở để cần hỗ trợ, niêm yết giá công khai trên đò, lối lên xuống để người dân theo dõi.
Anh Nguyễn Văn Tâm (Khóm 3, thị trấn Định An, huyện Trà Cú) cho biết: điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường thủy phải chuẩn bị các phao cứu hộ, phao cứu sinh, bình chữa cháy; bằng máy trưởng, thuyền trưởng, lập danh sách thuyền viên; trang bị, nhắc nhở hành khách mặc áo phao, sắp xếp chỗ cho phương tiện, hàng hóa cho gọn gàng để tránh tình trạng có sóng gió ngã, đổ xảy ra. Trong hành trình gặp mưa, bão thì ngưng hoạt động đến khi thời tiết ổn định, an toàn mới cho phương tiện hoạt động lại.
Trung tá Nguyễn Xuân Tùng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, để đảm bảo TTATGT tại các bến đò ngang, thời gian qua, lực lượng cảnh sát đường thủy đã xây dựng kế hoạch phối hợp với công an các xã trực tiếp tuyên truyền đến các chủ bến đò khách ngang sông. Kết hợp với tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp những bến không phép, những phương tiện không đủ điều kiện để tham gia giao thông.
Thời gian qua, công tác quản lý bến thủy nội địa, bến khách ngang sông đã được các cơ quan, ban, ngành và lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy quan tâm thực hiện tốt. Từng bước, đưa công tác này đi vào ổn định, nề nếp, góp phần phát huy hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về bến thủy nội địa.
Theo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành, tình hình TTATGT đường thủy nội địa và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đường thủy từng bước được nâng lên và tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Khu du lịch sinh thái Cồn Hô, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long có 22 hộ dân sinh sống. Cồn Hô ở giữa sông Cổ Chiên, tiếp giáp 03 tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre. Là khu du lịch nên du khách đến đây tham quan khá đông nhưng phải di chuyển trên một chuyến đò ngang và hoạt động trên sông. Để góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các hộ dân, du khách tham quan và học sinh di chuyển hàng ngày đến trường, cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền pháp luật về tham gia giao thông đường thủy đến các hộ dân; các quy định của pháp luật liên quan, hậu quả tai nạn, các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông đường thủy nội địa; vận động người dân khi đi trên phương tiện thủy phải mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi… Thông qua buổi tuyên truyền, cảnh sát giao thông đường thủy đã trao tặng 04 áo phao cho người dân có con em trong độ tuổi đi học thường xuyên di chuyển bằng đò ngang để đến trường được an toàn.
Mặc dù tình hình TTATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh khá ổn định. Trong những năm gần đây, tai nạn đường thủy không xảy ra, song không được chủ quan, liên ngành đường thủy xác định sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản có liên quan đến từng địa bàn, từng đối tượng. Tuyên truyền, vận động các chủ bến đò ngang thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Đồng thời, kết hợp song song với hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý những hành vi vi phạm, nhằm góp phần bảo đảm TTATGT đường thủy trên địa bàn toàn tỉnh.