Đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa dùng trong trường học

Trên thế giới hiện có 68 quốc gia và hơn 160 triệu trẻ em tham gia chương trình Sữa học đường, bao gồm những nước phát triển như Anh, Hoa Kỳ, Nhật... Tại Việt Nam, đến nay, tổng cộng có 26 tỉnh, thành đang triển khai chương trình Sữa học đường. Hàng triệu trẻ em đã được hưởng lợi từ chương trình với những ly/hộp sữa mát lành đảm bảo vi chất hàng ngày, qua đó góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

Thông tin tại hội nghị “Đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa dùng trong trường học” do Hiệp hội Sữa Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức diễn ra ngày 30/9 tại Bắc Ninh, đại diện Bộ Y tế cho biết, Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố đã triển khai Chương trình Sữa học đường và Hiệp hội sữa tính đến ngày 30/5/2020, số trẻ uống sữa 2.194.649 trẻ/tổng số13.738.754 trẻ thuộc đối tượng của Chương trình trong cả nước (theo số liệu năm học 2018-2019 của Bộ GD&ĐT).

Các đại biểu dự hội nghị “Đảm bảo ATTP đối với sản phẩm sữa dùng trong trường học”

Các đại biểu dự hội nghị “Đảm bảo ATTP đối với sản phẩm sữa dùng trong trường học”

Một số tỉnh (Quảng Nam, Hà Giang, Quảng Ngãi, Sơn La) đã dùng kinh phí của địa phương mua sữa cho Chương trình; các tỉnh còn lại thường áp dụng các chính sách hỗ trợ: Hỗ trợ 100% với học sinh diện hộ nghèo, con gia đình thương binh, liệt sĩ; Hỗ trợ từ 40-60% với học sinh thuộc diện hộ cận nghèo; Hỗ trợ từ 15-40% với học sinh thuộc diện còn lại.

Tại hội nghị, đại diện tỉnh Bắc Ninh thông tin, triển khai thực hiện thí điểm chương trình sữa học đường từ năm học 2013-2014. Từ năm học 2014-2015 đến năm học 2016-2017, Chương trình Sữa học đường được thực hiện ở tất cả các trường mầm non và cơ sở giáo dục mầm non có từ 50 trẻ trở lên. Từ năm học 2017-2018 đến nay, Chương trình Sữa học đường được triển khai thực hiện ở tất cả các trường mầm non và trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có gần 791 nghìn trẻ mầm non và học sinh tiểu học được thụ hưởng Chương trình Sữa học đường với tổng kinh phí hơn 618,5 tỉ đồng; trong đó năm học 2019-2020, có 388 cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học được thực hiện chương trình với gần 212,4 nghìn trẻ em và kinh phí hơn 171 tỉ đồng. Chương trình Sữa học đường đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi; cải thiện về cân nặng và chiều cao cho trẻ mầm non.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Bắc Ninh về tiếp tục nhân rộng và triển khai Chương trình Sữa học đường với mục tiêu nâng cao hiệu quả, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, phát triển toàn diện thể chất, tầm vóc, trí tuệ cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo điều hành để triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020-2025.

Thông tin tại hội nghị cho biết, mặc dù địa phương, doanh nghiệp đã hỗ trợ về giá cho mỗi hộp sữa học đường rẻ hơn thị trường, có nơi phụ huynh chỉ đóng 10-50% giá 1 hộp sữa, tuy nhiên, nhiều gia đình khu vực nông thôn, miền núi vẫn khó khăn đóng góp tiền cho con uống sữa. Đồng thời, chưa có chính sách riêng biệt, rõ ràng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm tham gia Chương trình để đảm bảo nguồn lực, sự bền vững của Chương trình Sữa học đường, đặc biệt tại các huyện nghèo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe chuyên gia về dinh dưỡng đánh giá, phân tích về dinh dưỡng nói chung và về sữa đối với trẻ em nói riêng; thông tin về các biện pháp bảo đảm an toàn trong sản xuất sữa, sản phẩm sữa dùng trong trường học; vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm và xử lý sự cố an toàn thực phẩm trong trường học...

Tuy còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và kết quả sau hơn 04 năm thực hiện Chương trình Sữa học đường chưa được như kỳ vọng, nhưng việc thực hiện Chương trình bước đầu đã có những tác động đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ và ý thức của cộng đồng trong việc cải thiện tầm vóc giống nòi. Do vậy, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan: Xây dựng và ban hành Chương trình Sữa học đường trong giai đoạn tiếp theo (2021-2025); Tiếp tục thực hiện Chương trình Sữa học đường hiện nay cho đến khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành Chương trình mới cho giai đoạn 2021-2025: Các tỉnh chủ động thực hiện đến 31/12/2020.

Hòa Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dam-bao-an-toan-thuc-pham-doi-voi-san-pham-sua-dung-trong-truong-hoc-n180882.html