Đảm bảo các bữa ăn bán trú
Gần đây, câu chuyện về bữa ăn bán trú của học sinh ở một số địa phương không đảm bảo định lượng khẩu phần, dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm... thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là các bậc cha mẹ học sinh, thậm chí cả người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính phải chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở GD&ĐT phải lên tiếng chấn chỉnh. Điều khiến dư luận bức xúc là đã có những biểu hiện 'cắt xén' từ bữa ăn bán trú của học sinh. Vì thế, để đảm bảo an toàn, chất lượng, đủ đầy cho bữa ăn bán trú của học sinh, không để những chuyện 'lùm xùm', 'ồn ào', hành vi 'trục lợi' có thể xảy ra, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.
Chuyện buồn không đáng có
Bắt đầu từ phản ánh của báo chí, đã có những câu chuyện buồn xung quanh bữa ăn bán trú của học sinh mà lỗi cơ bản thuộc về người lớn, thậm chí liên quan đến cả... lãnh đạo, quản lý một số trường. Mới đây, theo thông tin từ báo chí, liên quan đến đơn tố cáo “bớt xén” tiền ăn bán trú của học sinh, bà Vũ Thị Thúy H. - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thọ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã có đơn thôi xin giữ chức vụ với lý do bị bệnh hiểm nghèo. Sau khi nghiên cứu hồ sơ bệnh án và các quy định của pháp luật, UBND TP Thanh Hóa đã có quyết định về việc thôi giữ chức vụ Hiệu trưởng đối với bà Vũ Thị Thúy H. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Thanh Hóa cũng đã có quyết định phân công giải quyết nguồn tin xung quanh sự việc này. Được biết, năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Đông Thọ, TP Thanh Hóa có khoảng 1.500 học sinh, bình quân mỗi tháng mỗi học sinh ăn bán trú nộp 709.000 đồng cho bữa ăn chính và bữa ăn phụ hàng ngày.
Cách đây không lâu, báo chí cũng phản ánh, tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã diễn ra sự việc “lùm xùm”, gây nhiều tranh cãi về bữa ăn bán trú của học sinh. Theo khẩu phần ăn ghi trên bảng nhà trường, mỗi học sinh được ăn một gói mì tôm, một quả trứng nhưng thực tế nhà trường chỉ cho 11 em ăn chung... hai gói mì tôm nấu loãng chan với cơm. Chưa kể, thực phẩm dùng để chế biến cho học sinh bán trú cũng được phản ánh không đảm bảo chất lượng (rau ở bếp bị hỏng, học sinh được huy động xuống nhặt). Sự việc khiến cho Bộ GD&ĐT, chính quyền, ngành GD&ĐT các cấp tỉnh Lào Cai phải chỉ đạo xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm nếu có hành vi vi phạm. Ngay thời điểm kiểm tra vụ việc, UBND huyện Bắc Hà đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với hiệu trưởng nhà trường để phục vụ điều tra, xác minh, làm rõ.
Trước đó, một trường THCS ở quận Hà Đông, TP Hà Nội bị phụ huynh phản ánh suất ăn bán trú của con ở trường có giá 32.000 đồng nhưng thức ăn chỉ có vài món “lèo tèo”, không đảm bảo định lượng. Một số cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng bị phụ huynh phản ánh thực phẩm dùng để chế biến bữa ăn cho học sinh bảo quản không đúng quy cách, thậm chí có loại bị ôi thiu, bếp ăn bán trú bừa bộn, mất vệ sinh, nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này khiến cho một số trường học phải đổi sang nhà cung cấp suất ăn mới; Sở GD&ĐT có văn bản đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố tăng cường công tác giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) đối với các cơ sở cung ứng thực phẩm, cung cấp dịch vụ ăn uống, đặc biệt là cơ sở cung cấp suất ăn chế biến sẵn...
Đảm bảo các bữa ăn bán trú
Nhằm đảm bảo bữa ăn bán trú cho học sinh, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo toàn diện công tác này, trong đó yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát việc tổ chức, thực hiện các bữa ăn cho trẻ em mầm non, học sinh bán trú, nội trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm. Về phía bộ, ngành chức năng, Bộ GD&ĐT cũng có văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Một số địa phương cũng có cách làm hay như lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn uy tín, nấu trực tiếp tại bếp của nhà trường, Ban Giám hiệu cùng phụ huynh học sinh thường xuyên giám sát nguồn cung ứng thực phẩm, quá trình chế biến và định lượng suất ăn cho học sinh.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP Hồ Chí Minh) còn tổ chức ngày hội “Open house” nằm trong tuần lễ “Open house” để mở cửa đón phụ huynh vào thăm bếp ăn nhà trường, quan sát quy trình, định mức suất ăn bán trú cho học sinh và có thể đăng ký, cùng ngồi ăn với các con. Với Phú Thọ, theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Sở đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, nhất là những đơn vị có trẻ em, học sinh nội trú, bán trú; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. “Chúng tôi quán triệt tinh thần là nghiêm cấm các đơn vị, cơ sở giáo dục tiếp nhận, sử dụng thực phẩm, suất ăn của các cơ sở cung cấp không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Thu Huyền nêu quan điểm.
Theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn bán trú mỗi tháng mỗi học sinh bằng 40% mức lương cơ sở. Ngoài ra, học sinh được hỗ trợ tiền nhà ở mỗi tháng bằng 10% mức lương cơ sở và 15kg gạo.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-de-hom-nay/dam-bao-cac-bua-an-ban-tru/209387.htm