Đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025

Với quá trình phát triển đô thị nhanh tại Việt Nam, đến cuối 2015, cả nước đang có 778 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại 1, 25 đô thị loại 2, 42 đô thị loại 3, 65 đô thị loại 4 và 650 đô thị loại 5. Tỷ lệ đô thị hóa trung bình cả nước đạt khoảng trên 34,5%.

Đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch, hệ thống cấp nước tại các đô thị đạt tổng công suất thiết kế 7,4 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch qua hệ thống nước tập trung đạt 81,5%, tỷ lệ thất thoát, thất thu 25%.

Hình minh họa.

Thực tế này cho thấy các hoạt động về cấp nước an toàn (CNAT) vẫn còn hạn chế. Các đơn vị cấp nước chưa tập trung nguồn lực, cơ chế chính sách hỗ trợ triển khai chưa đầy đủ, thiếu sự phối hợp, quan tâm của sở, ngành địa phương. Chất lượng nước sạch tại nhiều khu đô thị, khu chung cư không đảm bảo, ô nhiễm amoni, vi sinh, asen, nhiễm mặn… Chất lượng dịch vụ cấp nước chưa ổn định, vẫn diễn ra tình trạng thiếu nước, mất nước, áp lực thấp, sự cố về rò rỉ, vỡ đường ống nước…

Để hoạt động cấp nước sạch không ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người và đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, việc cung cấp nước ổn định, đủ lưu lượng, duy trì áp lực nước và chất lượng nước bảo đảm quy định là những yêu cầu chính đáng của cộng đồng. Bộ Xây dựng đã đưa việc thực hiện CNAT vào văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện. Việc thực hiện CNAT có ý nghĩa quan trọng nhằm giảm thiểu phòng ngừa các nguy cơ mất an toàn cấp nước từ nguồn nước đến người sử dụng nước, từng bước đáp ứng yêu cầu cung cấp nước ổn định, liên tục, đủ lượng nước và đảm bảo chất lượng nước.

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WTO), Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy việc thực hiện cấp nước an toàn tại các đô thị Việt Nam, đồng thời tổ chức tập huấn cho 68 công ty cấp nước về kế hoạch CNAT và xây dựng 07 mô hình thí điểm về CNAT tại Hải Dương, Huế, Vĩnh Long, Hải Phòng, Quảng Trị, Khánh Hòa và Vũng Tàu.

Chương trình quốc gia về đảm bảo cấp CNAT nhằm quản lý rủi ro, đảm bảo chất lượng cấp nước, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước đáp ứng yêu cầu cấp nước ổn định bền vững và huy động các nguồn lực, các tổ chức xã hội cùng tham gia trở lên vô cùng cấp thiết. Do vậy, xây dựng dự thảo chương trình quốc gia đảm bảo CNAT do Cục Hạ tầng Kỹ thuật chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị đã tiến hành các hội thảo tham vấn về chất lượng nước và công tác giám sát chất lượng nước với các trung tâm y tế dự phòng và một sốcông ty cấp nước các khu vực trên cả nước.

Tại hội thảo tham vấn, các chuyên gia đã bổ sung, đánh giá các chỉ tiêu, giám sát kết quả thực hiện chương trình, chỉ số theo từng giai đoạn 2020 - 2025.

Để xây dựng cơ chế chính sách và hướng dẫn bảo đảm CNAT, ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật đã tổng hợp các ý kiến đánh giá những điều còn bất cập để xây mới, sửa đổi cho đúng, đồng thời thống nhất nội dung quản lý và bảo vệ nguồn nước trong kế hoạch CNAT để phù hợp với điều kiện đô thị cũng như nông thôn. Trong đó, nhấn mạnh giải pháp và lộ trình thời gian để hỗ trợtừ công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo đúng quy định. Cụ thể là giải pháp quản lý cấp nước tại các khu đô thị mới, khu chung cư được thực hiện ra sao? Đào tạo, nâng cao năng lực về cấp nước an toàn cũng như truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng một cách tốt nhất. Chi phí đầu tư CNAT chưa có trong phương án giá nước. Các yêu cầu về xây dựng, thẩm định và phê duyệt giá nước cũng cần được hạch toán một cách chính xác và cụ thể. Thông qua ban chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức trong các đơn vị cấp nước, ban chỉ đạo cấp Trung ương lồng ghép với chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch làm tiền đề để phối hợp liên ngành lập cơ sở dữ liệu về CNAT, chuẩn bị cho dự thảo Chương trình Quốc gia đảm bảo cấp CNAT.

Thanh Huyền

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/dam-bao-cap-nuoc-an-toan-giai-doan-2016-2025.html