Đảm bảo điều kiện cho năm học mới

PTĐT - Đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, sẵn sàng đón học sinh bước vào năm học mới 2019 - 2020.

Năm học 2019 - 2020, Trường Tiểu học Hùng Vương, thị xã Phú Thọ được đầu tư xây dựng phòng học Tiếng Anh, Tin học chuẩn quốc tế.

Năm học 2019 - 2020, Trường Tiểu học Hùng Vương, thị xã Phú Thọ được đầu tư xây dựng phòng học Tiếng Anh, Tin học chuẩn quốc tế.

Những ngày cuối tháng 8, không khí chuẩn bị cho ngày hội khai giảng năm học mới, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường tại Trường phổ thông dân tộc nội trú (huyện Thanh Sơn) càng khẩn trương, nhộn nhịp. Các thầy, cô giáo cùng học sinh tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang lại khuôn viên trường học xanh, sạch, đẹp và chuẩn bị các tiết mục văn nghệ chào mừng năm học mới. Thầy giáo Hà Văn Thắng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, năm nay, Trường phổ thông dân tộc nội trú được đầu tư xây dựng nhà ăn mới cho học sinh. Nhà trường đang đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay sau lễ khai giảng. Hiện tại, trường đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh bước vào năm học mới.Năm học 2019 - 2020, huyện Thanh Sơn có trên 30.600 học sinh của 78 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Toàn huyện hiện có 1.159 phòng học, trong đó: 984 phòng học kiên cố, 123 phòng học cấp 4, 52 phòng học tạm, học nhờ. Để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho năm học mới, sau khi kết thúc năm học 2018 - 2019, Phòng GD&ĐT huyện đã có kế hoạch tham mưu, đề xuất với UBND huyện đầu tư cơ sở vật chất trường học; chỉ đạo các trường rà soát lại các trang, thiết bị dạy học, chủ động vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên nhà trường; cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tổ chức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; áp dụng đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Năm học 2019-2020, huyện Thanh Sơn thực hiện nghiêm “3 công khai và 4 kiểm tra” trong các cơ sở giáo dục. Các khoản thu, chi ngân sách, huy động tài trợ của tổ chức, cá nhân… đều được thông báo công khai, minh bạch và rõ ràng; duy trì tốt các tiêu chí, tiêu chuẩn của trường học đạt chuẩn Quốc gia đối với các trường đã được công nhận. Đồng chí Ngô Đức Thiện - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Ngành GD&ĐT huyện Thanh Sơn tiếp tục phấn đấu xây dựng, nâng cao phẩm chất nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên và cán bộ quản lý, thực hiện nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của ngành; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, hưởng ứng cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”… nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện. Dự kiến trong năm học 2019 - 2020, Phòng GD&ĐT huyện sẽ đề nghị công nhận mới 5 trường và công nhận lại 10 trường chuẩn Quốc gia.

Các cô giáo Trường Mầm non Thục Luyện (huyện Thanh Sơn) vệ sinh khuôn viên nhà trường chuẩn bị bước vào năm học mới.

Các cô giáo Trường Mầm non Thục Luyện (huyện Thanh Sơn) vệ sinh khuôn viên nhà trường chuẩn bị bước vào năm học mới.

Cũng như huyện Thanh Sơn, thời điểm này, ngành GD&ĐT thị xã Phú Thọ đang hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới với quyết tâm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.Cùng với chuẩn bị về cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học cho các nhà trường, Phòng GD&ĐT thị xã chủ động lập kế hoạch, tổ chức các lớp bồi dưỡng hè cho đội ngũ giáo viên; chỉ đạo các trường rà soát lại đội ngũ giáo viên, nhất là các trường mầm non và tiểu học để có kế hoạch bố trí giáo viên theo quy định, tạo điều kiện cho các trường có đủ đội ngũ giáo viên đáp ứng tốt cho công tác giảng dạy. Ông Nguyễn Ánh Hoàng - Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Phú Thọ cho biết: “Các trường học trên địa bàn đã và đang khẩn trương kiểm tra, sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị, sắp xếp để có đủ phòng học, bàn ghế đạt chuẩn. Thị xã đã tiếp nhận tài trợ gần 1 tỷ đồng để mua sắm bàn ghế, trang thiết bị dạy học”. Các nhà trường đều chủ động tiến hành chỉnh trang khuôn viên, làm đẹp cảnh quan môi trường; tranh thủ các nguồn lực đầu tư cho năm học mới. Công trình đang xây dựng, sửa chữa được đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng, kịp thời phục vụ năm học mới. Cùng với chú trọng công tác tuyển sinh ở tất cả các bậc học, đảm bảo đúng quy định về thời gian, chất lượng, huy động tối đa trẻ 5 tuổi ra mẫu giáo và trẻ 6 tuổi vào lớp 1. Các nhà trường còn đặc biệt quan tâm đến những học sinh là con em gia đình chính sách, học sinh khuyết tật, trẻ mồ côi, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.Toàn tỉnh hiện có trên 24 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên với 919 trường mầm non phổ thông; 15 trung tâm; 17 trường đại học, cao đẳng, trung cấp; trên 12 nghìn lớp, nhóm lớp học với trên 380 nghìn học sinh, sinh viên. Để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, ngành giáo dục đã phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh xin ý kiến Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo, đồng thời huy động nguồn xã hội hóa ngoài nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ chuẩn bị cho năm học mới. Tính đến nay, kinh phí đầu tư sửa chữa, mua sắm chuẩn bị cho năm học mới đạt trên 328 tỷ đồng. Nhờ đó, 576 phòng học, công trình được xây dựng mới; 638 phòng học, công trình sửa chữa hoàn thiện được đưa vào sử dụng đã khắc phục tình trạng thiếu phòng học, cơ bản đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập cho năm học 2019 - 2020.Cùng với công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, Sở GD&ĐT tích cực chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện nghiêm túc việc triển khai công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các đơn vị trực thuộc Sở, cán bộ quản lý các trường giai đoạn 2015 - 2020, giai đoạn 2020 - 2025; tiến hành rà soát, lựa chọn, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các môn ở các cấp học; điều chỉnh biên chế giáo viên giữa các cấp học, điều chỉnh tăng thêm biên chế giáo viên tiểu học so với năm 2018 (239 chỉ tiêu). Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, nâng hạng chức danh nghề nghiệp cho 3.617 lượt cán bộ và 20.624 lượt cán bộ quản lý, giáo viên được tham gia các lớp quản lý, bồi dưỡng. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Năm học 2019-2020, toàn ngành sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng yêu cầu mới; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên; xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán…; huy động tối đa các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục và thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; triển khai có hiệu quả Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục; tăng cường triển khai sử dụng hồ sơ điện tử; ứng dụng hệ thống bồi dưỡng giáo viên trực tuyến; sử dụng hiệu quả học liệu điện tử toàn ngành; xây dựng ngân hàng đề dùng chung chương trình THCS và THPT phục vụ cho việc kiểm tra, khảo sát và thi; tiếp tục sử dụng kho bài giảng e-Learning, bản đồ số giáo dục trực tuyến có hiệu quả… để đạt được kết quả tốt nhất trong công tác giảng dạy và học tập”.Năm học mới sắp bắt đầu. Sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành Giáo dục các địa phương, nhà trường sẽ là động lực mạnh mẽ tiếp thêm niềm tin, sức mạnh giúp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29 - NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên quê hương Đất Tổ.

Hạnh Thúy - Mai Hoa

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/201908/dam-bao-dieu-kien-cho-nam-hoc-moi-166463