Đảm bảo đủ nghiêm khắc, đủ nhân văn

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, chiều 21/6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật tư pháp đối với người chưa thành niên là cần thiết, song phải đảm bảo đủ tính răn đe nghiêm khắc nhưng cũng thể hiện tính nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội.

Quang cảnh phiên họp chiều 21/6.

Quang cảnh phiên họp chiều 21/6.

Nêu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, việc xây dựng hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên là rất phù hợp với xu hướng chung của thế giới, thể hiện tính nhân văn, tiến bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Trước xu hướng trẻ hóa tội phạm như hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lưu ý, nên cân nhắc cẩn trọng trong xây dựng từng quy định trong dự thảo Luật, để khi luật được ban hành vừa bảo đảm tính nhân văn, tạo điều kiện cho người chưa thành niên phạm tội nhận thức, khắc phục, sửa chữa sai lầm; song cũng phải có tính giáo dục, răn đe nghiêm khắc đối với người chưa thành niên phạm tội.

Đồng quan điểm với đại biểu này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đánh giá cao dự thảo Luật này khi đã thể hiện tinh thần đủ nghiêm khắc để đảm bảo an toàn trước cộng đồng nhưng cũng nhân văn mở ra con đường cho các cháu nhận ra sai lầm, tự sửa chữa và tái hòa nhập cộng đồng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu.

Liên quan đến quy định về biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế, dự thảo Luật đã quy định 10 biện pháp ngăn chặn, 3 biện pháp cưỡng chế; bổ sung 2 biện pháp “giám sát điện tử” và “giám sát tại nhà”; đồng thời, thu hẹp các trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tạm giam. Theo đó, người chưa thành niên chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp thật cần thiết và khi các biện pháp giám sát khác không.

Bày tỏ tán thành với nội dung trên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An nhấn mạnh, việc đổi mới chế độ cưỡng chế trong trường hợp người chưa thành niên bị buộc tội trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người chưa thành niên. Các biện pháp cưỡng chế trong Luật Tố tụng hình sự hiện hành còn thiếu thân thiện với người chưa thành niên, sẽ làm ảnh hưởng tới tâm lý của người chưa thành niên và tác động không nhỏ đến khả năng tham gia tố tụng của đối tượng này.

Theo đại biểu tỉnh Long An, việc bổ sung biện pháp ngăn chặn điện tử là phù hợp với xu hướng phát triển khoa học công nghệ đối với việc giám sát điện tử, giám sát tại nhà, bảo đảm các em không bị tách khỏi gia đình, các hoạt động tại cộng đồng cơ bản vẫn được thực hiện, đồng thời góp phần nâng cao hơn trách nhiệm của gia đình và huy động sự tham gia của cộng đồng.

Đại biểu cũng đề nghị, cần đánh giá, làm sáng tỏ hơn tính khả thi về nguồn lực, nhân lực, kinh phí trang bị thiết bị thực hiện các biện pháp: cấm tiếp xúc, hạn chế khung giờ đi lại, quản thúc tại gia đình, cấm đến các địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội… vì “chắc chắn chúng ta không thể cắt cử người giám sát 24/24h để giám sát thi hành mà phải lắp đặt các thiết bị giám sát trong suốt quá trình áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng”.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu.

Về quy định xử lý chuyển hướng, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đề xuất cần xây dựng thêm các quy định liên quan đến xử lý chuyển hướng, cũng như tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để nâng cao năng lực áp dụng xử lý chuyển hướng. Đồng thời, xây dựng và phát triển các chương trình, dịch vụ tại cộng đồng giúp người chưa thành niên được xử lý chuyển hướng nhanh chóng hòa nhập xã hội và không tái phạm.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho hay, biện pháp xử lý chuyển hướng đáp ứng Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế khác về tư pháp người chưa thành niên mà Việt Nam là tham gia.

Đại biểu này đề nghị, cần cân nhắc thêm về biện pháp xử lý chuyển hướng và điều kiện áp dụng để bảo đảm có biện pháp phòng ngừa, giáo dục người chưa thành niên phạm tội nói riêng và phòng ngừa tội phạm nói chung trong xã hội, phù hợp với điều kiện thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Bảo Thương

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/dam-bao-du-nghiem-khac-du-nhan-van.html