Đảm bảo gỗ hợp pháp trong đấu thầu mua sắm công

Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đảm bảo gỗ và các sản phẩm từ gỗ tiêu thụ ở thị trường trong nước, hoặc xuất khẩu đi bất cứ thị trường nào trên thế giới, cũng phải đảm bảo tính hợp pháp. Tuy nhiên, trong các gói thầu mua sắm công gỗ và sản phẩm từ gỗ, vẫn tồn tại rủi ro rất cao về tính hợp pháp của gỗ, cần phải có các qui định pháp lý riêng cho vấn đề này.

Liên quan đến thương mại gỗ và các sản phẩm từ gỗ, mặc dù "Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT)", Việt Nam chỉ ký kết với Liên minh châu Âu (EU), song để thực thi hiệp định này, Chính phủ đã cam kết rất mạnh mẽ rằng, tất cả gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam dù tiêu thụ ở thị trường nội địa, hay xuất khẩu đi bất cứ một thị trường nào trên thế giới, đều phải là gỗ hợp pháp. Điều này, khẳng định một quyết tâm rất lớn của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện cam kết theo VPA/FLEGT, thể hiện quyết tâm cao trong việc quản trị và bảo vệ rừng, khai thác, chế biến, thương mại gỗ một cách bền vững.

Sản phẩm từ gỗ. Ảnh NQ

Sản phẩm từ gỗ. Ảnh NQ

Điểm khác biệt trong thực thi VPA/FLEGT so với các hiệp định khác, đó là, Chính phủ tham gia thực thi ở cả 2 vai trò. Thứ nhất, với vai trò quản lý, Chính phủ cam kết có nghĩa vụ xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (VNTLAS) nhằm kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi cung ứng liên quan đến gỗ. Thứ hai, với vai trò là người sử dụng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, Chính phủ cần đảm bảo rằng, gỗ và các sản phẩm từ gỗ được mua sắm bằng ngân sách nhà nước phải là gỗ hợp pháp.

Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công tại Việt Nam, công bố tại Hội thảo “Đảm bảo gỗ hợp pháp trong đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam - Thực thi VPA/FLEGT”, do VCCI phối hợp với ForesTrends, tổ chức ở Hà Nội ngày 31/3/2021, cho thấy: Tại thị trường Việt Nam, có một thị phần đáng kể gỗ và sản phẩm từ gỗ được tiêu thụ bởi các chủ thể thuộc các cơ quan nhà nước, thông qua các gói thầu đấu thầu mua sắm công gỗ và sản phẩm từ gỗ (phục vụ các công trình xây dựng, trang bị công sở, trường học…).

Tuy nhiên, các gói thầu mua sắm công gỗ và sản phẩm từ gỗ, còn tồn tại khá nhiều rủi ro về tính hợp pháp của gỗ. Trong đó, có khoảng 77% các gói thầu mua sắm công gỗ và sản phẩm gỗ đã được rà soát, không đề cập đến tính hợp pháp của gỗ; khoảng 11% gói thầu mua sắm công gỗ và sản phẩm từ gỗ có rủi ro cao về các yêu cầu liên quan đến gỗ quý, trong đó có khoảng 74% nhà thầu đã từng sử dụng gỗ quý thuộc nhóm 1, nhóm 2, để cung cấp cho các gói thầu mua sắm công gỗ và sản phẩm gỗ.

Hội thảo đảm bảo gỗ hợp pháp trong đấu thầu mua sắm công tại Việt Nam. Ảnh NQ

Hội thảo đảm bảo gỗ hợp pháp trong đấu thầu mua sắm công tại Việt Nam. Ảnh NQ

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng: thực tế nêu trên đang đặt ra yêu cầu cần phải có các qui định pháp luật về tính hợp pháp của gỗ trong qui trình đấu thầu đối với các gói thầu mua sắm công gỗ và sản phẩm từ gỗ. Đây cũng là một yêu cầu đòi hỏi trong việc thực thi cam kết VPA/FLEGT. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng, tại Việt Nam hiện nay, mới chỉ có hướng dẫn riêng về các qui trình, thủ tục đấu thầu đối với các sản phẩm y tế. Việc xây dựng văn bản pháp luật riêng liên quan đến trình tự, thủ tục đấu thầu các gói thầu mua sắm công gỗ và sản phẩm từ gỗ, để đảm bảo gỗ thương mại là hợp pháp, cần có sự nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như các yếu tố thực tiễn tại Việt Nam để có các qui định phù hợp.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), các qui định nhằm đảm bảo gỗ hợp pháp trong các gói thầu mua sắm công cũng như thương mại gỗ hợp pháp, không chỉ là yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật , nhằm góp phần quản trị rừng và thương mại lâm sản bền vững, mà còn là yêu cầu phục vụ đối ngoại về kinh tế. Bởi không chỉ có EU, mà Mỹ, Australia, Nhật Bản… cùng một số đối tác kinh tế lớn khác của Việt Nam, trong xu thế phát triển bền vững đang ngày càng đề cao tính hợp pháp của gỗ trong khai thác, chế biến, tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, có hai lựa chọn để đưa ra các qui định pháp luật nhằm đảm bảo gỗ hợp pháp trong đấu thầu mua sắm công, đó là sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành (các văn bản về hướng dẫn đấu thầu, mua sắm hàng hóa); hoặc, xây dựng văn bản pháp luật mới qui định riêng đối với các gói thầu mua sắm công có sản phẩm gỗ.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dam-bao-go-hop-phap-trong-dau-thau-mua-sam-cong-154441.html