Đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ khoáng sản và phát triển kinh tế - xã hội
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản chiều 5-11, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Phước đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về cách thức giải quyết đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ và đáp ứng đầy đủ điều kiện gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản nhưng do các điều kiện khách quan, như đợi quy hoạch được phê duyệt, chờ cơ quan chức năng thẩm định hồ sơ,… mà cơ quan nhà nước chưa xem xét, giải quyết đảm bảo tiến độ cấp gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản.
Bổ sung các quy định về thu hồi khoáng sản
Đối với quy định chung về thu hồi khoáng sản, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể trong dự thảo luật về việc thu hồi khoáng sản tại các khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình đối với loại khoáng sản đặc thù. Bên cạnh đó, đại biểu cho biết các vướng mắc liên quan đến khu vực dự trữ, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản bauxite đã được tỉnh Bình Phước báo cáo, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. Những vướng mắc này đã ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến đời sống của người dân, đồng thời nhiều dự án, cơ sở hạ tầng không thể triển khai - đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt thấp.
Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có chồng lấn với quy hoạch bauxite - đây cũng là một khó khăn, thách thức rất lớn đối với 2 tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện. Vì khi thực hiện dự án trên khu vực có quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt theo quy định thì phải thực hiện thu hồi, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, trong khi đó các khoáng sản bauxite thường xen lẫn với vật liệu đất đắp, nếu thực hiện thu hồi sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn vật liệu đất đắp và mất rất nhiều thời gian thực hiện dự án cao tốc.
Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung nội dung quy định không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (được quy định tại khoản 3 Điều này) đối với khối lượng khoáng sản sử dụng tại khu vực hoạt động khoáng sản, vì khi sử dụng khoáng sản chỉ để xây dựng các công trình nội bộ trong giai đoạn xây dựng cơ bản, giai đoạn khai thác, giai đoạn cải tạo phục hồi môi trường (đắp đê bao quanh mỏ; đắp bờ kè, san nền khu chế biến, làm đường nội bộ mỏ và đường kết nối ra ngoài…) thì khối lượng khoáng sản vẫn còn tại khu vực dự án, doanh nghiệp chưa tiêu thụ ra ngoài nên chưa phải nộp tiền cấp quyền khai thác...
Nhiều quy định của luật chưa tháo gỡ khó khăn cho địa phương
Đại biểu Vũ Ngọc Long, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho biết, theo Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 1277/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia thì quy hoạch vùng khoáng sản bauxite rất rộng, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng quy hoạch.
Tại kỳ họp thứ 7, khi đóng góp ý kiến về luật này, đại biểu Vũ Ngọc Long đề nghị Ban soạn thảo phân loại nhóm I thành 2 nhóm: Nhóm khoáng sản là kim loại thông thường như vàng, bạc, sắt, đồng, có giá trị cao, phân bố tập trung và nhóm khoáng sản kim loại đặc thù: giá trị thấp hơn, phân tán trên diện tích rộng như bauxite, titan… Đồng thời xây dựng chế định riêng với nhóm khoáng sản đặc thù bauxite, titan phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, kiến nghị này chưa được tiếp thu. Báo cáo giải trình chưa phù hợp, chưa có đột phá để giải quyết những vướng mắc mà thực tiễn đặt ra. Quy định về phân nhóm khoáng sản tại Điều 6 của dự thảo luật chưa phù hợp.
Chính phủ có thẩm quyền cụ thể hóa, nhưng không thể quy định khác luật hoặc thay luật. Do đó, với việc chỉ ban hành danh mục theo 4 nhóm như khoản 1 Điều 6 dự thảo luật lần này thì những khó khăn do quy hoạch thăm dò khai thác và vùng dự trữ bauxite vẫn còn nguyên. Đó là, khi thực hiện dự án kinh tế - xã hội trên vùng quy hoạch, nếu phát hiện khoáng sản, phải thu hồi bảo vệ nghiêm ngặt và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan có thẩm quyền. Trong khi khoáng sản bauxite trải rộng chiếm tỷ lệ diện tích đất rất lớn của các địa phương. Các công trình phát triển kinh tế - xã hội nói một cách đơn giản là không thể tránh được bauxite.
Đại biểu Vũ Ngọc Long, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước
Cũng theo đại biểu Vũ Ngọc Long, quặng bauxite tuy thuộc nhóm khoáng sản kim loại nhưng giá trị 1 tấn quặng nguyên khai giá trị không cao. Tùy công nghệ chế biến và khu vực khai thác, để chế biến 1 tấn alumin cần 4-6 tấn quặng nguyên khai. Với giá alumin như thời điểm hiện nay thì việc thu hồi khoáng sản bauxite, ở tầng đất sâu 5-6m, sau đó lại sử dụng vật liệu san lấp để hoàn thổ, làm nền hạ xây dựng công trình giao thông và các công trình kinh tế - xã hội… thì bài toán hiệu quả của dự án nói riêng, hiệu quả của toàn bộ nền kinh nói chung cần tính toán hết sức kỹ lưỡng.
Với tính toán từ các dữ liệu đầu vào hiện nay, đại biểu Vũ Ngọc Long cho rằng việc thu hồi khoáng sản bauxite trong trường hợp này là không cần thiết và không hiệu quả. Chúng ta hoàn toàn có thể làm con đường đi qua bauxite. Khoáng sản quốc gia vẫn an toàn bên dưới, sau này có thể tiếp tục khai thác vào thời điểm thích hợp.
Không chỉ Điều 6 của dự thảo luật, mà Điều 35 quy định về việc thực hiện dự án đầu tư, công trình tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia chỉ phù hợp với khoáng sản là kim loại thông thường, phân bố tập trung tại một khu vực mà chúng ta có thể khoanh định, còn với bauxite thì phân bố phân tán trên diện tích hàng trăm ngàn ha (số liệu này chỉ tính riêng tại Bình Phước) thì rất khó khăn, vẫn đang chờ luật này để tháo gỡ.
Đại biểu Vũ Ngọc Long đề nghị ban soạn thảo sửa khoản 1 Điều 6 dự thảo luật theo hướng: Phân loại nhóm 1 (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6) thành 2 nhóm: Nhóm a1: khoáng sản kim loại thông thường và nhóm a2: khoáng sản kim loại đặc thù bao gồm bauxite và titan; bổ sung khoản 3, Điều 6 như sau: Giao Chính phủ quy định chi tiết về nhóm khoáng sản đặc thù trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bảo vệ khoáng sản quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong vùng quy hoạch.
Thay mặt cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các ĐBQH và có báo cáo giải trình đầy đủ để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi báo cáo Quốc hội xem xét để thông qua dự án luật này. Đồng thời, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng giải trình một số nội dung có nhiều ý kiến của các ĐBQH đề cập tới trong phiên thảo luận về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.