Đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân: Chủ động ứng phó với cấp độ 4 dịch Covid-19

Trước tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, hiện TP. Phan Thiết và thị xã La Gi đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, còn lại 8/8 huyện của tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Dù vậy trong những ngày qua, số ca mắc tại Bình Thuận vẫn tiếp tục tăng thêm, chính vì vậy Sở Công Thương khẩn trương xây dựng Phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân ứng phó với cấp độ 4 dịch Covid - 19 trên địa bàn toàn tỉnh...

Đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dâ

Nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia cung ứng hàng hóa, phục vụ nhu cầu nhân dân (Ảnh minh họa).

Nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia cung ứng hàng hóa, phục vụ nhu cầu nhân dân (Ảnh minh họa).

Căn cứ quyết định mới đây của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid - 19 tỉnh thì cấp độ 4 dịch Covid - 19 (dịch lây lan từ trên 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc) gồm cấp độ 4A là từ trên 1.000 - 2.000 trường hợp mắc và cấp độ 4B từ trên 2.000 - 3.000 trường hợp mắc. Thực tế cho đến nay toàn tỉnh Bình Thuận đã vượt 1.300 ca mắc, thế nên việc chủ động xây dựng Phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân ứng phó với cấp độ này là rất cần thiết.

Trên cơ sở đánh giá số dân, nhu cầu tiêu dùng, đặc điểm hệ thống phân phối... ngành Công Thương tỉnh vừa đưa ra dự báo thị trường, dự báo hàng hóa cũng như nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Qua đó cho biết, hiện Bình Thuận có 137 chợ truyền thống đang hoạt động chiếm 45 - 55% thị phần, đối với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi sau khi tăng cường đảm bảo hàng hóa chiếm khoảng 20 - 25% thị phần. Trong khi một số đơn vị sản xuất - kinh doanh khác tham gia đảm bảo cung ứng hàng hóa tại các huyện, thị xã, thành phố chiếm 5 - 10% thị phần và hệ thống cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tạp hóa chiếm 5 - 10% thị phần.

Để đảm bảo cung ứng hàng hóa ứng phó cấp độ 4 dịch Covid - 19, dự báo tổng lượng hàng hóa thiết yếu cần thiết (khoảng 1.240.000 người trong thời gian 30 ngày) gồm có: Gạo 7.800 tấn, thịt heo 3.000 tấn, thịt gia cầm 2.600 tấn, trứng gia cầm 8.650.000 quả. Với muối ăn là 248 tấn, nước chấm các loại 372.000 lít, đường 990 tấn, dầu ăn 745 tấn, thực phẩm chế biến 990 tấn, rau củ quả 16.730 tấn, lương thực chế biến khô như mì, bún, phở là 2.600 tấn. Ngoài ra còn có nước uống 74.400.000 lít, khẩu trang các loại (trừ khẩu trang phục vụ ngành y tế) 2.500.000 cái, nước sát khuẩn 990.000 chai... Với lượng hàng hóa lưu kho và nhập bổ sung hàng ngày thì hệ thống các siêu thị (Co.opMart, Lotte), chuỗi 53 cửa hàng Bách hóa Xanh, chuỗi hệ thống gồm 15 cửa hàng VinMart... sẽ tham gia đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành lân cận có nguồn cung hàng hóa dồi dào tăng cường hỗ trợ cho Bình Thuận khi xảy ra tình huống thiếu hàng hóa.

Hướng đến điều tiết hàng hóa đem lại hiệu quả trong tình hình dịch bệnh hiện nay, sở chức năng cũng đề ra nhiều giải pháp về thông tin thị trường, thông tin tuyên truyền, vận chuyển - giao nhận hàng hóa. Cùng với đó là giải pháp nâng cao năng lực cung ứng của hệ thống phân phối, bán hàng bổ trợ và tăng cường hình thức bán hàng trực tuyến...Trong triển khai thực hiện, lãnh đạo ngành giao Phòng Quản lý thương mại theo dõi diễn biến thị trường, nắm bắt tình hình sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa để chủ động điều phối hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Phối hợp chính quyền các địa phương mở điểm bán hàng lưu động, điểm bán hàng mới và chợ dã chiến, đồng thời triển khai phương án điều tiết hàng hóa khi trên địa bàn xảy ra tình huống thiếu hàng cục bộ, nhất là ở nơi có chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động hoặc có khu cách ly, phong tỏa.

Tùy diễn biến tình hình và căn cứ theo phương án, Sở Công Thương sẽ tham mưu văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp triển khai một số nhiệm vụ đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian có dịch bệnh...

Nhiều đơn vị tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa

Theo Sở Công Thương, các đơn vị tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa ứng phó với cấp độ 4 dịch Covid - 19 gồm: Siêu thị Co.opMart Phan Thiết, Siêu thị Co.opMart La Gi, Siêu thị Co.opMart Phan Rí Cửa, Siêu thị Lotte Phan Thiết, Chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp Vincommerce - Chi nhánh Bình Thuận (với chuỗi hệ thống cửa hàng VinMart), Công ty cổ phần Thương mại Bình Thuận, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tùng Loan, Công ty cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ, Trung tâm Dịch vụ miền núi và một số đơn vị sản xuất - kinh doanh khác trên địa bàn tỉnh.

QUỐC TÍN

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/dam-bao-hang-hoa-phuc-vu-nhan-dan-chu-dong-ung-pho-voi-cap-do-4-dich-covid-19-140531.html