Đảm bảo khả thi, khoa học trong đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Sau một thời gian áp dụng, một số tiêu chí, chỉ tiêu và việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) ban hành kèm theo Quyết định số 619/QĐ-TTg đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi cần sớm chỉnh lý, hoàn thiện.

Sau gần 4 năm thực hiện Quyết định số 619/2017/QĐ-TTg ngày 08/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL, các địa phương đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần bảo đảm tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Mặc dù thời gian thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL chưa dài nhưng công tác này đã nhận được sự quan tâm của các cấp, chính quyền từ trung ương đến địa phương, đa số các địa phương đã chủ động trong tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, chính quyền các cấp có điều kiện nắm bắt thuận lợi, xác định được khó khăn, hạn chế của thực tiễn triển khai nhiệm vụ về PBGDPL; hòa giải ở cơ sở; thực hiện dân chủ cơ sở… để có biện pháp khắc phục, tháo gỡ kịp thời đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

Nhờ tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn TCPL được đưa vào Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới đã khẳng định vị thế của pháp luật trong quản lý nhà nước, tác động tích cực đến trình độ dân trí, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL.

Qua thống kê cho thấy, số lượng cấp xã đạt chuẩn TCPL năm sau nhiều hơn năm trước, cho thấy quyết tâm của các địa phương không chỉ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mà còn quan tâm đời sống pháp lý, quyền tiếp cận thông tin của người dân. Một số địa phương có tỷ lệ xã đạt chuẩn TCPL cao tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ…

Song, bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn TCPL thấp, chủ yếu nằm ở khu vực miền núi phía Bắc. Các đơn vị cấp xã chưa đạt chuẩn TCPL chủ yếu do vi phạm điều kiện trong năm đánh giá có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên; điểm số chấm đối với các chỉ tiêu chưa đạt số điểm theo quy định, trong đó phần lớn thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Mặt khác, một số tiêu chí, chỉ tiêu và việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL ban hành kèm theo Quyết định số 619/QĐ-TTg đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Cụ thể, nội dung một số chỉ tiêu còn chung chung, chưa rõ nội dung cụ thể, khó triển khai trong thực tiễn, khó thu thập tài liệu kiểm chứng. Có chỉ tiêu quy định còn hình thức, chưa thực chất, định tính nên khó chấm điểm như “triển khai các hoạt động PBGDPL cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã theo quy định của Luật PBGDPL”; Có chỉ tiêu còn trùng lắp với nội dung tiêu chí do Bộ Công an thực hiện trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020…Ngoài ra, một số thiết chế thông tin pháp luật như Tủ sách pháp luật đã được điều chỉnh bởi văn bản mới, ban hành sau như Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Do vậy, cần được rà soát, điều chỉnh để thống nhất với văn bản mới.

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, cần sớm nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 619/QĐ-TTg. Trong đó bảo đảm xây dựng, áp dụng các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL được khả thi, khoa học, phù hợp, phổ quát, gắn với bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân.

Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc hướng dẫn chi tiết tiêu chí “xã đạt chuẩn TCPL” trong Bộ Tiêu chí nông thôn mới cấp xã giai đoạn 2020-2025 và đề xuất bổ sung tiêu chí chuẩn TCPL vào Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, cấp tỉnh để bảo đảm tính tương thích, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, gắn kết các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thông mới với xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL. Từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở và thúc đẩy, cải thiện, nâng cao chất lượng, đời sống tinh thần nói chung và đời sống pháp lý của người dân.

Hồng Lê

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/dam-bao-kha-thi-khoa-hoc-trong-danh-gia-cap-xa-dat-chuan-tiep-can-phap-luat-591994.html