Đảm bảo môi trường làng nghề - Hướng tới các giải pháp bền vững

PTĐT - Phú Thọ hiện có hơn 70 làng nghề đã được công nhận. Các làng nghề hầu hết sản xuất ổn định góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm cho lao động nông thôn.

Quá trình sản xuất chế biến gỗ tại làng nghề mộc Vân Du đã xả thải ra môi trường lượng bụi gỗ lớn gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Quá trình sản xuất chế biến gỗ tại làng nghề mộc Vân Du đã xả thải ra môi trường lượng bụi gỗ lớn gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

PTĐT - Phú Thọ hiện có hơn 70 làng nghề đã được công nhận. Các làng nghề hầu hết sản xuất ổn định góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển đang đặt ra những vấn đề liên quan đến công tác xử lý ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải có sự chung tay của các cấp quản lý, doanh nghiệp và người dân.

Vẫn còn ô nhiễm!
Làng nghề mộc Vân Du (xã Vân Du, huyện Đoan Hùng) được UBND tỉnh công nhận từ năm 2011 với sản phẩm chính là mộc gia dụng. Tổng doanh thu làng nghề mỗi năm ước trên 300 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.600 lao động với thu nhập bình quân từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề hiện có khoảng 100 hộ tham gia sản xuất, sự phát triển các cơ sở sản xuất của làng nghề đã giúp chủ động đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho người lao động, góp phần xây dựng thương hiệu.Tuy nghề mộc tạo việc làm ổn định và thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình nhưng quá trình sản xuất chế biến gỗ, các hộ đã xả thải ra môi trường lượng bụi gỗ, bụi sơn rất lớn; bên cạnh đó, tình trạng vật liệu sản xuất và các phế phụ phẩm nghề mộc xếp lấn chiếm lề đường, lòng đường đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Bà Trần Thị Thanh Hường - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đoan Hùng cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường làng nghề mộc tại đây. Trước hết, do quá trình sản xuất, bụi gỗ được phát sinh ở hầu hết các công đoạn như cưa, xẻ, khoan, phay, bào, chà... rồi phát tán ra môi trường. Bụi sơn có nhiều thành phần hóa chất độc hại gây nguy hiểm, có kích thước nhỏ, phát tán nhanh. Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn cũng là một “bài toán khó” đối với làng nghề, bởi sản xuất đồ mộc hiện nay hầu hết các công đoạn đều sử dụng máy móc hiện đại, nhất là máy đục tự động nên thường xuyên phát ra tiếng ồn lớn, gây ảnh hưởng đến thính giác của người dân.Trước thực trạng ô nhiễm môi trường làng nghề mộc trên địa bàn, chính quyền xã Vân Du đã triển khai nhiều biện pháp nhằm xử lý. Tuy nhiên, hiệu quả trong việc giảm thiểu tác hại gây ô nhiễm môi trường từ nghề mộc vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ông Nguyễn Hữu Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Vân Du cho biết: Để giải quyết tận gốc vấn đề, UBND xã đã xây dựng kế hoạch chuyển các hộ sản xuất gỗ ra khỏi khu dân cư để quy hoạch thành vùng sản xuất riêng. Đến nay, quy hoạch làng nghề có diện tích 20ha đã được Sở Công thương phê duyệt từ năm 2015, nhưng hiện mới chỉ hoàn thành xong mặt bằng khu trung tâm làng nghề giai đoạn 1 trên diện tích 5,3ha. Còn lại 16 ha xây dựng khu sản xuất tập trung vẫn chưa được hiện thực hóa vì chưa tìm được nhà đầu tư!Còn tại làng nghề dịch vụ chế biến mì, bún, bánh ở xã Hiền Đa cũ, nay là xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê; tình trạng ô nhiễm cũng đang ở mức đáng báo động. Làng hiện có gần 90 hộ tham gia sản xuất mì, bún, bánh tươi. Ông Phạm Đăng Tiến - Trưởng làng nghề dịch vụ chế biến mì, bún, bánh Hiền Đa chia sẻ: Trước đây, người dân sản xuất bún bằng thủ công, nhưng hiện nay nhiều hộ đã đầu tư máy móc sản xuất bún với số lượng lớn, từ 3-7 tấn bún/ngày. Điều này đồng nghĩa với lượng nước thải sản xuất bún sẽ tăng lên rất nhiều, trong khi hệ thống xử lý nước thải cho các hộ chưa được đầu tư xây dựng. Đa số các hộ đã tự giác sử dụng chế phẩm vi sinh học xử lý mùi hôi của nước thải, đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi xả thải.Trao đổi về thực trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở làm mì, bún, bánh, ông Nguyễn Khắc Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Việt cho biết: Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, thời gian qua, địa phương đã vận động các hộ xây dựng phương án xử lý nước thải ra môi trường như, bể lắng, hầm biogas nhằm hạn chế việc ô nhiễm nguồn nước, môi trường và không khí. Tuy nhiên, chỉ hạn chế được phần nào, giải pháp triệt để nhất là di dời các cơ sở sản xuất mì, bún, bánh nằm trong khu dân cư vào khu vực sản xuất tập trung, có hệ thống xử lý nước thải được đầu tư bài bản. Tuy nhiên, nguồn kinh phí quá lớn, nên địa phương không kham nổi!Ông Hà Thanh Bình - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Khê thông tin: Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở sản xuất mì, bún, bánh tại xã Hùng Việt chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Phòng đã làm việc với địa phương, yêu cầu các cơ sở sản xuất phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất trong làng nghề thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Các hộ sản xuất mì, bún, bánh tại xã Hùng Việt huyện Cẩm Khê vẫn gặp khó khăn trong xử lý hệ thống nước thải.

Các hộ sản xuất mì, bún, bánh tại xã Hùng Việt huyện Cẩm Khê vẫn gặp khó khăn trong xử lý hệ thống nước thải.

Tăng cường công tác quản lý môi trườngThực tế cho thấy, hiện nay công tác bảo vệ môi trường làng nghề vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Nguồn lực tài chính để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý môi trường làng nghề của UBND cấp xã - cấp chịu trách nhiệm trực tiếp còn mỏng. Hầu hết các xã chỉ có một cán bộ địa chính kiêm nhiệm quản lý môi trường nên chưa thực hiện tốt trách nhiệm được giao. Ý thức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các hộ sản xuất tại các làng nghề chưa cao. Việc tuyên truyền phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề nói riêng, các định hướng của Nhà nước trong công tác quản lý làng nghề và phát triển nông thôn nói chung chưa được quan tâm thực hiện đúng mức.Thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý và triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề. Tiếp tục điều tra, thống kê, phân loại làng nghề và các cơ sở sản xuất trong làng nghề theo loại hình sản xuất và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; các làng nghề được công nhận, làng nghề chưa được công nhận và làng nghề truyền thống; mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh. Rà soát các điều kiện bảo vệ môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn tỉnh, lập kế hoạch khắc phục và triển khai thực hiện đối với các làng nghề chưa đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường, quản lý chặt chẽ việc công nhận các làng nghề đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường theo Thông tư số 46/2011/TT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề, đặc biệt tập trung vào các cơ sở thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, hoặc các cơ sở có công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và các làng nghề chưa được công nhận. Phát huy hơn nữa hiệu quả Tổ tự quản về bảo vệ môi trường; xây dựng Hương ước, Quy ước về bảo vệ môi trường tại các làng nghề.Ông Nguyễn Vĩnh An - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Chủ trương đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống ở các địa phương trong thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn; việc mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làng nghề nhằm góp phần nâng cao thu nhập là nhu cầu chính đáng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và của mỗi gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh việc quan tâm phát triển kinh tế, chính quyền các địa phương cũng cần có những giải pháp tích cực và hiệu quả hơn nữa trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động để từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ cơ sở, doanh nghiệp và người dân về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chăm lo sức khỏe cho chính mình. Có như vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề mới được kiềm chế, các làng nghề mới phát triển bền vững và môi trường sống của chính người dân trong khu vực được đảm bảo.Để phát huy hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề, các cấp quản lý cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, chủ động đề xuất, có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề để các hộ, cơ sở sản xuất trong làng nghề biết và thực hiện. Từ đó, góp phần đảm bảo môi trường tại các làng nghề và nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất.

Huy Lê

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202101/dam-bao-moi-truong-lang-nghe-huong-toi-cac-giai-phap-ben-vung-174760