Đảm bảo nguồn lực thực hiện phòng, chống ma túy
Sáng 3/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Trước những diễn biến của tội phạm ma túy và những hậu quả, hiểm họa khôn lường của ma túy liên quan đến sức khỏe, giống nòi, an ninh quốc gia, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của chương trình, cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm rà soát, đánh giá tính phù hợp của chương trình với quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và hệ thống quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch; phân tích các mục tiêu cụ thể và đề ra giải pháp thực hiện phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi, đạt hiệu quả; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung, hoạt động của các chương trình mục tiêu để đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực các nội dung, hoạt động, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Bên cạnh đó, làm rõ hơn giải pháp bảo đảm nguồn lực đáp ứng mục tiêu, các chỉ tiêu đặt ra của chương trình, cơ cấu vốn các dự án thành phần, cơ chế đặc thù phân bổ vốn phù hợp cho các địa phương khó khăn, chưa tự cân đối ngân sách và có tính chất phức tạp về ma tuý.
Các đại biểu nhấn mạnh, muốn không có tệ nạn ma túy thì gia đình, nhà trường, xã hội phải cùng vào cuộc, trong đó cái gốc là tại gia đình. Gia đình phải quản lý con em mình; nhà trường quản lý học sinh, sinh viên; xã hội cần có các biện pháp để ngăn chặn tệ nạn ma túy. Trong đó, giáo dục, tuyên truyền, vận động là giải pháp căn bản, để toàn dân tham gia phòng, chống ma túy bằng ý thức tự giác cùng lực lượng chức năng tố giác, phát hiện; đồng thời cần khen thưởng kịp thời cá nhân.
Cho rằng, nguồn vốn đầu tư của chương trình trong 5 năm là không nhiều, một số ý kiến đề nghị cần tập trung dành cho những nhiệm vụ trọng tâm. Trước mắt, trong năm 2025 cần bố trí một nguồn vốn nhất định và dành thời gian rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp quy và những văn bản liên quan khác để vừa phòng, chống, giảm cung cầu và giảm tác hại của ma túy.