Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và vận hành hồ chứa an toàn

QĐND Online- Chiều ngày 26-12, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, nhờ đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa các công trình vào sử dụng đến nay, diện tích đảm bảo nước gieo cấy lúa là 7,1 triệu ha. Riêng vụ Đông Xuân ở các khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ năm 2019-2020 trong bối cảnh dung tích các hồ chứa thủy điện chỉ bằng 50% so với cùng kỳ nhiều năm, lòng dẫn các sông bị hạ thấp, thế nhưng nhờ công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt các đợt lấy nước đã rút ngắn được thời gian lấy nước theo kế hoạch 6 ngày. Tổng lượng nước điều tiết 3 đợt xả đạt 2,68 tỷ m3, giảm được 1,74 tỷ m3 so với năm 2019. Đây là kỳ lấy nước có tổng lượng nước xả thấp nhất trong 10 năm gần đây. Việc tiết kiệm được lượng nước xả đã giúp đảm bảo nguồn nước phục vụ phát điện, có nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho các địa phương.

 Toàn cảnh hội nghị chiều ngày 26-12.

Toàn cảnh hội nghị chiều ngày 26-12.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngay từ cuối năm 2019 đầu năm 2020, hạn hán xâm nhập mặn lịch sử (sớm, kéo dài, với cường độ cao), nghiêm trọng hơn đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016. Để ứng phó tình trạng này, Tổng cục Thủy lợi đã chủ động phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi tổ chức theo dõi tình hình nguồn nước, dự báo sớm diễn biến, kịp thời tham mưu cho Bộ NN&PTNT, Chính phủ chỉ đạo các địa phương, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó. Nhờ đó, tổng thiệt hại đối với diện tích lúa chỉ khoảng 58.400 ha, chỉ bằng 14,4% so với diện tích lúa bị thiệt hại năm 2015-2016. Vụ Đông Xuân 2019-2020 ở Đồng bằng sông Cửu Long được mùa, được giá, đối với nước sinh hoạt, cao điểm của hạn hán và xâm nhập mặn (3-2020) số hộ dân thiếu nước sinh hoạt 96.000 hộ (khoảng 430.000 dân), chỉ bằng 54% so với năm 2015-2016 (210.000 hộ thiếu nước sinh hoạt).

Đặc biệt, từ tháng 9 đến 11-2020, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, gây ngập lụt lịch sử ở nhiều địa phương ở khu vực miền Trung (Thừa Thiên- Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An), uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn các hồ chứa ( hồ thủy điện, hồ thủy lợi). Trước tình hình đó, Tổng cục Thủy lợi đã tích cực, chủ động xây dựng các kịch bản, đồng thời cử các đoàn công tác trực tiếp vào hiện trường hỗ trợ các địa phương vận hành hồ chứa. Qua đó, không chỉ đảm bảo an toàn các hồ chứa đồng thời còn góp phần cắt lũ, giảm ngập lụt cho vùng hạ du: các hồ Cửa Đạt, Tả Trạch, Ngàn Trươi, Kẻ Gỗ...

 Công trình thủy lợi - đập Ba Lai, Bến Tre- một công trình đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, giữ ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Công trình thủy lợi - đập Ba Lai, Bến Tre- một công trình đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, giữ ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2021, Tổng cục Thủy lợi đề ra mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đảm bảo an toàn hồ đập, phấn đấu tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 91%... Đồng thời Tổng cục Thủy lợi tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phát triển thủy lợi, nghiên cứu, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai (bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn) ở các khu vực: Miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm 2021...

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/dam-bao-nguon-nuoc-phuc-vu-san-xuat-sinh-hoat-va-van-hanh-ho-chua-an-toan-647613