Đảm bảo nguồn thu gắn với tạo động lực tăng trưởng trong chính sách thu, chi
Sự linh hoạt trong điều hành, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cùng các giải pháp chống thất thu đã mang lại kết quả tích cực, giúp thu ngân sách năm 2024 ước vượt so với dự toán. Khẳng định điều này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị tiếp tục cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), từ đó hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2025.
Phối hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ
Thảo luận tại Hội trường ngày 05/11, các ĐBQH đều đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện NSNN năm 2024, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến thu, chi NSNN. Trong đó, thu NSNN ước vượt 10,1% so với dự toán, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tăng mức lương cơ sở; bội chi, nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho biết: “Nhìn vào tình hình thu NSNN trong báo cáo năm nào cũng tăng so với kế hoạch và dự toán, đảm bảo thu ngân sách bền vững sẽ làm vững mạnh cho nền kinh tế, tôi thấy đây là điều rất đáng phấn khởi”. Đây cũng là nhận định của đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) khi cho rằng chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành rất linh hoạt và hiệu quả, cử tri đánh giá rất cao.
Bên cạnh kết quả tích cực, các ĐBQH đã tập trung phân tích, chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục để tiếp tục nâng cao hiệu quả thu, chi ngân sách. Đại biểu Nguyễn Quang Huân lưu ý, số kinh phí chi thường xuyên theo kế hoạch chưa được phân bổ còn cao. Điều này là đáng lo ngại. Dẫn số liệu của Kiểm toán nhà nước (KTNN), đại biểu cho biết, hiện 13.300 tỷ đồng trên tổng số 43.281 tỷ đồng chi thường xuyên đã được bố trí, số còn lại tới 29.981 tỷ đồng chưa được phân bổ và thời gian còn lại 3 tháng. “Điều này sẽ làm cho những công cụ kích thích phát triển kinh tế có thể bị kìm hãm, khi có đến 2/3 số chi thường xuyên không được chi” - đại biểu nhấn mạnh.
Những bất cập khác được các đại biểu đề cập cũng là những nội dung được KTNN đưa ra khi cho ý kiến về tình hình thực hiện NSNN năm 2024, dự toán ngân sách NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, trong đó nêu rõ một số tồn tại, như nợ đọng xây dựng cơ bản hay số tạm ứng từ nguồn ngân sách quá hạn còn khá lớn hoặc việc cắt giảm 5% dự toán chi thường xuyên chưa được thực hiện đồng bộ… “Báo cáo của KTNN, tôi đọc rất kỹ và thấy đây là một báo cáo giúp cho đại biểu Quốc hội nhìn thấy rõ hơn chất lượng các khoản thu ngân sách cũng như việc kiểm tra chặt chẽ các khoản chi ngân sách” - Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cho biết.
Trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và đánh giá của KTNN, nhiều ý kiến nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý NSNN; kịp thời phân bổ, giao dự toán NSNN và đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tiêu cực.
Để khắc phục vấn đề phân bổ dự toán cho chi đầu tư và chi thường xuyên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đây là vấn đề thực tiễn hiện nay đòi hỏi sắp tới việc phân bổ dự toán NSNN cũng như bố trí về kế hoạch chi đầu tư phát triển và các vấn đề liên quan phải đổi mới về hình thức, cách thức để thực hiện.
Nỗ lực đảm bảo nguồn thu
Các đại biểu cũng đặc biệt lưu ý về tác động của tình hình kinh tế, ảnh hưởng của thiên tai sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu những tháng cuối năm 2024, cũng như dự toán thu NSNN năm 2025.
Theo dự toán NSNN năm 2025, Chính phủ yêu cầu các địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm thu ngân sách tăng thêm 5% so với năm 2024. Nêu thực tế cơn bão số 3 vừa qua đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp tại nhiều địa phương, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) đề nghị, Chính phủ và các Bộ, ngành cần hướng dẫn địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giải quyết khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ thu NSNN.
Đánh giá cụ thể các nguồn thu NSNN hiện nay, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn chỉ rõ, thu nội địa còn khó khăn nên cần tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm hỗ trợ cho các nhóm đối tượng có đóng góp lớn cho NSNN. Các nhóm đối tượng này, theo đại biểu, “không ai khác ngoài doanh nghiệp”, chính vì vậy “cần tiếp tục duy trì những giải pháp hỗ trợ mạnh nhằm phục hồi những lĩnh vực có đóng góp lớn cho NSNN như thị trường bất động sản, các dự án đã hoàn thành và đang trong quá trình sớm đưa vào sử dụng như các dự án năng lượng… góp phần làm cho thu NSNN ổn định”. Đồng thời, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cũng đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cần tập trung hướng dẫn các địa phương thật cụ thể, chi tiết, từ đó ra được những giải pháp mạnh nhằm tăng thu ngân sách từ sử dụng đất, góp phần bảo đảm nguồn thu ổn định và nâng dần tỷ lệ thu nội địa.
Đồng tình với dự toán NSNN năm 2025, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cần quan tâm đến khoản thu thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thương mại điện tử. Khi thu được khoản này chúng ta sẽ tăng được đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng Internet để giao dịch thuận lợi hơn; đồng thời thực hiện chống lãng phí, tránh thất thoát nguồn thu từ việc khai thác tài sản công… Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm đến các động lực tăng trưởng trong chính sách thu, chi NSNN. “Tôi đề nghị chúng ta cần phải cân nhắc thuế giá trị gia tăng đối với phân bón. Khi thảo luận chúng tôi thấy chưa đủ chín, nếu chưa chín thì nên giữ như cũ, nếu chúng ta muốn tăng thuế giá trị gia tăng đối với phân bón thì nên tăng ở tỷ lệ thấp nhất có thể, có thể là 1-2%” - đại biểu nêu.
Khẳng định ngành tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để đảm bảo nguồn thu, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, ngành thuế và ngành hải quan phải thay đổi toàn diện về phương thức thu, từ phương thức thủ công chuyển sang phương thức thu điện tử, phát hành hóa đơn điện tử, hóa đơn may mắn, kết nối dữ liệu tính tiền, yêu cầu xuất hóa đơn qua từng lần tính tiền kể cả đối với hệ thống xăng dầu, thu sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, thu thuế bất động sản một giá và nhiều khoản thu khác. Riêng đối với các sàn thương mại điện tử, Bộ trưởng thông tin: “Trong tuần sau, chúng tôi sẽ ra mắt một công cụ dùng AI để kiểm soát những vấn đề doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử”./.