Đảm bảo quyền lợi của người dân trong bão lũ

Ảnh hưởng từ cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Trong điều kiện giao thông bị gián đoạn do nhiều tuyến phố ngập sâu, cây cối, cột điện gãy đổ làm gián đoạn hoạt động của một số cơ sở khám chữa bệnh. Trước tình hình đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội đã phối hợp với BHXH các địa phương và các cơ sở y tế cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT).

Đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân

BHXH thành phố Hà Nội cho biết: Nhằm đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho người dân, BHXH Thành phố đang tích cực phối hợp với BHXH các tỉnh, thành phố xác minh thông tin đối với những trường hợp gặp nạn do lũ quét, sạt lở đất do cơn bão số 3 gây ra, đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Đây đều là những bệnh nhân nặng, không có giấy tờ tùy thân, không thẻ BHYT…

BHXH thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế tạo điều kiện khám chữa bệnh BHYT tốt nhất cho bệnh nhân. Ảnh minh họa.

BHXH thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế tạo điều kiện khám chữa bệnh BHYT tốt nhất cho bệnh nhân. Ảnh minh họa.

Là tuyến cuối về ngoại khoa, gần đây, mỗi ngày Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phải tiếp nhận điều trị cho những nạn nhân bị thương do bão lũ, trong đó có nhiều ca bệnh nặng, nhiều ca bệnh không có giấy tờ tùy thân, không có thẻ BHYT. Để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có công văn gửi BHXH thành phố Hà Nội về việc phối hợp xác minh thông tin các trường hợp không có giấy tờ tùy thân, không thẻ BHYT, bệnh nặng.... Ngay khi tiếp nhận thông tin, BHXH thành phố Hà Nội đã khẩn trương phối hợp Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xác minh thông tin của 112 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện, trong đó có 81 bệnh nhân có thẻ BHYT và 31 bệnh nhân chưa xác định thông tin.

Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHYT, BHXH thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn khẩn gửi BHXH các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc; đề nghị BHXH các địa phương phối hợp, hỗ trợ xác minh thông tin về thẻ BHYT đối với những trường hợp trên, để BHXH thành phố Hà Nội có cơ sở thanh toán chi phí điều trị và báo cáo BHXH Việt Nam.

Đảm bảo thủ tục nhanh nhất, đơn giản nhất

Tại thành phố Hà Nội, trong thời gian Bệnh viện Hòe Nhai cơ sở 2 (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) bị ngập sâu do mực nước sông Hồng dâng cao, 159 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại đây đã được kịp thời chuyển đến những bệnh viện khác như: Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn… để tiếp tục điều trị mà vẫn đảm bảo quyền lợi thanh toán BHYT cũng như không cần Giấy chuyển viện. Sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời của các cấp, các ngành, trong đó có cơ quan BHXH khiến bệnh nhân BHYT hài lòng và yên tâm điều trị tại cơ sở mới.

Ông Lê Văn Sinh (74 tuổi, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) là một trong những bệnh nhân được di chuyển khẩn cấp vào ngày 11/9 - khi nước sông Hồng dâng cao, gây ngập nặng tại Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 cho biết: “Tôi đã chạy thận ở đây suốt 11 năm. Khi thấy nước dâng, các y bác sĩ đã nhanh chóng đưa tôi ra khỏi bệnh viện, rồi di chuyển thẳng tới Bệnh viện Thận Hà Nội để tiếp tục điều trị. Mọi thủ tục BHYT đều được giải quyết nhanh chóng, khiến tôi thực sự an tâm”.

Đối mặt với căn bệnh đái tháo đường trong suốt 25 năm và hiện đang phải chạy thận định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2, bà Hoàng Thị Hải Yến (60 tuổi, quận Ba Đình) cho biết, khi nước lũ dâng, bà được cơ quan BHXH tạo điều kiện chuyển đến Bệnh viện Thận Hà Nội và được y bác sĩ của Bệnh viện Hòe Nhai và Bệnh viện Thận Hà Nội phối hợp điều trị, đảm bảo quyền lợi.

Là một trong những người trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân thận nhân tạo ở Bệnh viện Hòe Nhai, Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết - Phó Trưởng khoa Thận nhân tạo cho biết: “Bệnh viện đang điều trị thường xuyên cho 159 bệnh nhân thận nhân tạo. Mỗi tuần, bệnh nhân phải đến bệnh viện 3 lần để lọc máu và lấy thuốc, với chi phí trung bình mỗi bệnh nhân khoảng 10 triệu đồng/tháng; chưa kể nhiều bệnh nhân tuổi cao, mắc nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp… khiến chi phí điều trị rất lớn. Vì vậy, với họ, BHYT thực sự là cứu cánh quan trọng”.

Trong bối cảnh nước lũ gây ngập sâu, Bệnh viện Hòe Nhai vừa phải nỗ lực bảo vệ tài sản, máy móc, trang thiết bị y tế; vừa khẩn trương di chuyển bệnh nhân lên tầng trên hoặc phối hợp với Sở Y tế Hà Nội chuyển bệnh nhân đến những bệnh viện khác để đảm bảo việc điều trị không bị gián đoạn. Hiện nay, công tác khám chữa bệnh đang dần trở lại bình thường; dự kiến sau ngày 23/9, Khoa Thận nhân tạo sẽ tiếp tục đón toàn bộ bệnh nhân trở lại điều trị.

Trao đổi về những giải pháp hỗ trợ bệnh nhân BHYT, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng Phòng Truyền thông BHXH thành phố Hà Nội cho biết: Ngay sau cơn bão số 3 gây ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia BHYT, BHXH thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đến khám chữa bệnh. Đồng thời, kịp thời giải quyết các vướng mắc về thủ tục khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo tất cả người bệnh được khám chữa bệnh thuận lợi và nhanh nhất, không yêu cầu người bệnh phải xin Giấy chuyển tuyến trong trường hợp tình trạng bệnh là cấp cứu.

Trường hợp mất điện hoặc không có mạng internet, thì cập nhật dữ liệu trên sổ sách để cập nhật lên Hệ thống sau; ưu tiên khám chữa bệnh đối với người bị bệnh hiểm nghèo, nguy cấp hoặc tai nạn, bị thương đến từ vùng ảnh hưởng của bão lũ.

Đồng thời, BHXH Thành phố cũng đề nghị các cơ sở y tế đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh BHYT (mua sắm trực tiếp, điều chuyển thuốc...); tuyệt đối không để người bệnh tự mua thuốc, thiết bị y tế thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT trong quá trình điều trị; kịp thời chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

“Lãnh đạo BHXH thành phố Hà Nội đã yêu cầu các phòng nghiệp vụ, BHXH các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo người dân, người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHXH, khám chữa bệnh BHYT với thủ tục nhanh nhất, đơn giản nhất. Phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh chỉ đạo việc khám chữa bệnh và cấp thuốc đối với người bệnh ở các vùng chia cắt; chuyển bệnh nhân ở các cơ sở không có điều kiện phục vụ về các cơ sở khám chữa bệnh khác đáp ứng được yêu cầu chuyên môn”, bà Dương Thị Minh Châu thông tin.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dam-bao-quyen-loi-cua-nguoi-dan-trong-bao-lu-177941.html